Nhận diện thương hiệu sản phẩm

08:11, 27/11/2015

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp cần được thực hiện biện pháp nhận diện thương hiệu. Đó là, ngoài những sản phẩm được cấp chứng nhận công nhận nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận độc quyền, Lâm Đồng còn có không ít những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh, thậm chí là độc quyền nhưng chưa được cấp chứng nhận.

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp cần được thực hiện biện pháp nhận diện thương hiệu. Đó là, ngoài những sản phẩm được cấp chứng nhận công nhận nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận độc quyền, Lâm Đồng còn có không ít những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh, thậm chí là độc quyền nhưng chưa được cấp chứng nhận. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong thực tế, việc thực hiện biện pháp nhận diện thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua và hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế; hơn thế, chính chủ sở hữu của sản phẩm cũng chưa thực sự ý thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng của việc nhận diện sản phẩm nên hệ quả kéo theo là giá trị thực của sản phẩm đã không được phát huy một cách tốt nhất. 
 
Một trong những biểu hiện dễ nhận ra của việc “xem thường” nhận diện thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của nhà nông Lâm Đồng đó là vấn đề bao bì. Trong thực tế, không ít sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh, trong đó không loại trừ những sản phẩm đã được công nhận thương hiệu, khi lưu hành ra khỏi nơi sản xuất thì khó có thể truy xuất nguồn gốc vì yếu tố bao bì, nhãn hiệu không được xem trọng. Hơn thế, việc đóng gói bao bì một cách tùy tiện đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng còn gây ra sự hiểu nhầm cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ. Thêm vào đó, một trong những mối nguy hại từ việc xem thường yếu tố bao bì, nhãn hiệu này là sự lợi dụng của những đối tượng buôn bán không trong sáng là giả nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp Đà Lạt - Lâm Đồng để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm trục lợi bất chính. Khoai tây Trung Quốc giả nhãn hiệu khoai tây Đà Lạt trong nhiều năm qua là một trong những ví dụ khá rõ nét. Hoặc như gần đây, trái hồng Đà Lạt bị cho là hồng Trung Quốc vì chính những nông dân khi đóng gói đã “bao bì” bằng các loại bao bì có chữ Trung Quốc (vì giá rẻ hơn các loại bao bì Việt Nam). Tương tự, dâu tây Đà Lạt, dứa cazen Đơn Dương, sầu riêng Đạ Huoai… cũng vậy.
 
Trong một văn bản gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên chỉ rõ: “Mặc dù công tác tuyên truyền đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao, nhận thức về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng trong nhân dân vào một số doanh nghiệp, tư thương còn hạn chế. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp; công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trên thị trường còn nhiều khó khăn, chưa đạt theo yêu cầu đặt ra…”. Bởi vậy, về việc thực hiện biện pháp nhận diện thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên giao nhiệm vụ cho Sở NN-PTNT “chủ trì, phối hợp với Sở Khọc và công nghệ xây dựng phương án thí điểm hỗ trợ bao bì, tem nhãn nhận diện của một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh (khoai tây hoặc sản phẩm khác) với số lượng phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân đóng gói, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời công bố công khai trên thị trường để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt rõ hàng thật với hàng giả, làm cơ sở nhân rộng đối với các sản phẩm khác của tỉnh trong thời gian sắp tới”. Như vậy, có thể xem đây là động thái đầu tiên hết sức cần thiết nhằm tạo lập một thói quen về việc nhận diện thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cho mọi người dân Lâm Đồng trong tương lai gần.
 
Thi Hoàng