3 đối tượng có dấu hiệu hưởng sai chế độ chất độc da cam

09:11, 25/11/2015

Trong tháng 1, tháng 5, tháng 6/2015, Báo Lâm Đồng có một loạt bài phản ánh về việc làm hồ sơ giả để hưởng chế độ chất độc da cam, trong đó nhiều đối tượng đã có quyết định thu hồi chế độ như ở huyện Di Linh có 9 đối tượng, với số tiền gần 3 tỷ đồng, ở huyện Đạ Tẻh 4 đối tượng với số tiền gần 1,2 tỷ đồng…

Trong tháng 1, tháng 5, tháng 6/2015, Báo Lâm Đồng có một loạt bài phản ánh về việc làm hồ sơ giả để hưởng chế độ chất độc da cam, trong đó nhiều đối tượng đã có quyết định thu hồi chế độ như ở huyện Di Linh có 9 đối tượng, với số tiền gần 3 tỷ đồng, ở huyện Đạ Tẻh 4 đối tượng với số tiền gần 1,2 tỷ đồng… Tuy nhiên, có một số đối tượng Báo Lâm Đồng nêu có dấu hiệu làm giả hồ sơ để hưởng chế độ chất độc da cam (CĐDC), nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
 
Năm 2012, ông Nguyễn Văn Dung và một số hội viên Hội CCB xã Đạ K’Nàng tố cáo ông Trần Thu Hồi ở thôn K’MuR, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông không đi bộ đội ngày nào, nhưng làm hồ sơ giả và đã được Sở LĐ-TBXH cho hưởng chế độ CĐDC loại I. Đơn tố cáo của ông bị Sở LĐ-TBXH bác và cho rằng ông Trần Thu Hồi hưởng chế độ CĐDC loại I là đúng, bởi hồ sơ của ông Hồi hoàn toàn hợp pháp. Đồng thời với việc bị bác đơn, ông Nguyễn Văn Dung cũng bị Sở LĐ-TBXH thu hồi luôn chế độ CĐDC với lý do đưa ra là theo quy định mới. Bất bình với quyết định “sai trái” của Sở LĐ-TBXH, ông Nguyễn Văn Dung tiếp tục có đơn tố cáo nhiều cấp, nhiều ngành. Thật may cho ông, Hội CCB huyện Đam Rông đồng quan điểm với ông và đã cử cán bộ về quê ông Trần Thu Hồi xác minh sự thật. Kết quả, UBND xã, Hội CCB xã, Hội chất độc da cam xã Xuân Thiệu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình xác nhận ông Trần Thu Hồi không đi bộ đội ngày nào. Mặc dù đã có xác nhận của địa phương cũ và Phòng LĐ-TBXH huyện Đam Rông có Văn bản số 36/LĐ-TBXH ngày 15/8/2014 gửi Sở LĐ-TBXH với nội dung: “Trường hợp ông Trần Thu Hồi giả hồ sơ để hưởng chế độ CĐDC’, đề nghị Sở LĐ-TBXH kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật”, nhưng Sở LĐ-TBXH vẫn tiếp tục cho ông Trần Thu Hồi hưởng chế độ CĐDC và cắt chế độ CĐDC của ông Nguyễn Văn Dung. Trớ trêu hơn, Sở LĐ-TBXH lại có công văn gửi UBND tỉnh khẳng định việc cho ông Trần Thu Hồi hưởng chế độ CĐDC loại I và việc cắt chế độ CĐDC đối với ông Nguyễn Văn Dung là đúng.
 
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Sinh Biên, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đam Rông nói rằng: Không hiểu giải quyết như thế nào mà người thực sự tham gia bộ đội, chiến đấu ở chiến trường miền Nam và bị nhiễm chất độc da cam thật như ông Nguyễn Văn Dung thì bị cắt chế độ, còn người không đi bộ đội ngày nào, làm hồ sơ giả như ông Trần Thu Hồi thì được cho hưởng chế độ CĐDC loại I. Chính sự xử lý này đã gây bức xúc trong dư luận và trong hội viên CCB của huyện Đam Rông. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo Báo Lâm Đồng với Sở LĐ-TBXH về loạt bài nói trên và bài “Khuất tất và Minh bạch” vào ngày 18/9/2015, ông Trương Ngọc Lý - Giám đốc Sở LĐ-TBXH thừa nhận việc hồ sơ giả của ông Trần Thu Hồi và hứa sẽ khẩn trương xử lý vụ việc. Nhưng từ đó đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
 
Tương tự như vậy, trường hợp ông Phạm Phú Điền, nguyên là cán bộ LĐ-TBXH phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc - người được cho là “mắt xích” của “cò” chính sách CĐDC tại Bảo Lộc. Thực tế, ông cũng đã làm chế độ CĐDC cho nhiều người và bản thân ông. Sau loạt bài của Báo Lâm Đồng và hàng loạt đơn tố cáo của CCB phường Lộc Tiến, Sở LĐ-TBXH đều im lặng và ông Phạm Phú Điền vẫn tiếp tục hưởng chế độ CĐDC loại I. Cùng với ông Phạm Phú Điền, ông Nguyễn Đình Thứ cũng có hồ sơ là sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) (Trung úy, hưởng chế độ CĐDC loại I). Trong các bài viết của Báo Lâm Đồng và đơn tố cáo của nhiều hội viên CCB phường Lộc Tiến phản ánh hồ sơ của ông Nguyễn Đình Thứ tẩy xóa lung tung, lúc thì công tác trong quân đội 18 năm 3 tháng, lúc thì 9 năm 10 tháng. Điều trớ trêu hơn, trong hồ sơ hưởng chế độ CĐDC do đích thân ông Nguyễn Đình Thứ gửi cho Báo Lâm Đồng cũng có nhiều điểm bất hợp lý như: với thời gian công tác trong quân đội 9 năm, 10 tháng, đúng ra theo quy định của Bộ Quốc phòng phải là phục viên, thì lại ghi xuất ngũ và Ban Tham mưu Bộ CHQS Hải Phòng lại có giấy giới thiệu ông về địa phương sinh hoạt ngày 5/1/1981, nhưng quyết định xuất ngũ lại sau gần 1 tháng, ngày 25/1/1981.
 
Vậy nhưng, sau khi Báo Lâm Đồng phản ánh, ông Lê Xuân Dũng - Trưởng phòng Chính sách người có công Sở LĐ-TBXH vẫn khẳng định hồ sơ của ông Nguyễn Đình Thứ hoàn toàn hợp lệ và đưa ra một bộ hồ sơ khác với bộ hồ sơ do ông Nguyễn Đình Thứ gửi cho Báo Lâm Đồng. Chính điều này, càng gây bức xúc đối với CCB phường Lộc Tiến và họ đã gửi đơn, cùng hồ sơ của 2 ông Phạm Phú Điền, Nguyễn Đình Thứ về Bộ Quốc phòng đề nghị xác minh. Tại văn bản trả lời của Cục cán bộ, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng số 82/CB-HS ngày 4/9/2015 do Đại tá, Phó cục trưởng Đặng Xuân Liêm ký, khẳng định: Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ, đồng chí Phạm Phú Điền và Nguyễn Đình Thứ không có tên trong danh sách sĩ quan QĐNDVN. Như vậy, với những chứng cứ nói trên đủ cơ sở để khẳng định ông Phạm Phú Điền, Nguyễn Đình Thứ có dấu hiệu đang hưởng sai chế độ CĐDC. 
 
Vì vậy, dư luận hiện nay, đặc biệt là CCB tại các địa phương Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Đam Rông... đang rất mong muốn ngành LĐ-TBXH cùng các ngành chức năng khác tiến hành rà soát lại các đối tượng hưởng chính sách người có công, đồng thời sớm “vào cuộc” làm rõ những trường hợp lợi dụng chính sách nhân đạo cao cả của Nhà nước để trục lợi bất chính cho bản thân. Đặc biệt, là nghiêm trị những cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn để tiếp tay cho những kẻ làm hồ sơ giả, hồ sơ không hợp lệ để được hưởng chế độ CĐDC trái phép, mà điển hình như trường hợp Phạm Văn Thiễm chuyên bán hồ sơ giả để hưởng chế độ người có công đã bị Công an tỉnh bắt tại chỗ khi đang bán hồ sơ giả cho “khách hàng” vào ngày 8/11/2015 tại một quán cà phê  ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc.
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ