Nạn xe chở quá tải vẫn diễn biến phức tạp

09:11, 17/11/2015

Mục tiêu cơ bản chấm dứt tình trạng xe vận tải thay đổi kích thước thùng hàng, chở hàng quá tải trọng trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2015 được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt với nhiều biện pháp nhằm giải quyết triệt để. Thế nhưng trên thực tế các chủ xe, tài xế vẫn vi phạm các quy định khi vận chuyển chở hàng hóa vượt quá tải trọng từ 20 đến 100%. 

Mục tiêu cơ bản chấm dứt tình trạng xe vận tải thay đổi kích thước thùng hàng, chở hàng quá tải trọng trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2015 được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt với nhiều biện pháp nhằm giải quyết triệt để. Thế nhưng trên thực tế các chủ xe, tài xế vẫn vi phạm các quy định khi vận chuyển chở hàng hóa vượt quá tải trọng từ 20 đến 100%. 
 
Kiểm tra tải trọng lưu động. Ảnh: DUY DANH
Kiểm tra tải trọng lưu động. Ảnh: DUY DANH
Bên cạnh rủi ro gây tai nạn giao thông, các xe vận tải hàng hóa quá khổ, chuyên chở quá tải, vượt tải trọng nhiều lần còn trực tiếp góp phần làm cho hệ thống kết cấu giao thông đường bộ nhanh chóng xuống cấp. Đặc biệt, đối với các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông liên xã. Cần nhớ rằng hệ thống giao thông của Lâm Đồng có tổng chiều dài lớn, diện bao phủ địa bàn rộng, nhất là chưa hoàn thiện về mặt kỹ thuật nên rất dễ bị hư hỏng bởi sự “tiếp tay” của những chuyến xe quá tải lưu thông. “Với hơn 8.700km đường bộ các loại từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị đến đường giao thông nông thôn được kết nối liên vùng, liên huyện nên việc kiểm soát phương tiện chở hàng vượt quá tải trọng cho phép thực sự khó khăn, trong khi lực lượng tuần tra, kiểm soát và thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu” - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng, chở hàng vượt quá tải trọng quy định - Phó chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, ông Lê Văn Hồng cho hay. 
 
Để giải quyết vấn nạn xe chở quá tải, từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành (bao gồm các thành viên đến từ các đơn vị: Chi cục Quản lý đường bộ IV.1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Thanh tra giao thông và Phòng Quản lý phương tiện, người lái - Sở Giao thông vận tải, Trung tâm Đăng kiểm cơ giới Lâm Đồng, đại diện Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố) đã ra quân kiểm tra, xử lý nhà xe, tài xế vi phạm. Đồng thời phát hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ xe chuyên chở hàng hóa vi phạm các quy định bị xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện và nhắc nhở chấn chỉnh. Thế nhưng trong đợt ra quân mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung “đột kích” tại các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các địa bàn có nguồn hàng hóa lớn, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ... cho thấy tình trạng xe chở vượt tải trọng vẫn ngang nhiên hoạt động. Hầu như trên các tuyến đường được kiểm tra đều có các trường hợp vi phạm với các hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng hàng, chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế. Mức độ chở vượt tải trọng thiết kế được cần đo vượt quá tải trọng pho phép từ 20 đến 100% so với thiết kế của phương tiện. Điều đó cho thấy nếu như trọng tải thiết kế của xe 30 tấn thì xe này đã chuyên chở một lượng hàng hóa lưu thông trên đường lên tới 60 tấn. Đáng chú ý, khi được kiểm tra, có doanh nghiệp còn không chấp hành hiệu lệnh của Đoàn kiểm tra liên ngành, lái xe không mang giấy phép vận tải, thậm chí có xe hết niên hạn sử dụng vẫn lưu hành và kinh doanh vận chuyển hàng hóa... Bên cạnh đó, Trạm kiểm tra tải trọng xe đóng trên Quốc lộ 20 hoạt động 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần đã cung cấp dữ liệu đáng chú ý. Theo đánh giá của Thanh tra giao thông - Sở Giao thông vận tải cho hay, trong tổng số 1.022 xe được kiểm tra từ đầu năm đến nay, có tới 251 xe chở quá tải bị lập biên bản xử lý, cho thấy tỷ lệ vi phạm ở mức cao với 24,5% xe qua trạm vi phạm, tăng hơn 16,5% so với cả năm 2014. Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính hơn 1,5 tỷ đồng đối với lái xe và chủ xe, đồng thời áp dụng biện pháp bổ sung tước giấy phép lái xe 189 trường hợp. 
 
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành, một trong những khó khăn khi tiến hành kiểm tra đó là biện pháp chế tài đối với các hành vi không chấp hành việc kiểm tra tải trọng chưa thích đáng vì mức độ xử phạt đối với các trường hợp này nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi chở hàng vượt quá tải trọng cho phép. Do vậy, khi đoàn phát hiện, dừng xe để kiểm tra thì lái xe tìm mọi cách trốn tránh, gây khó khăn đối với việc kiểm tra tải trọng của đoàn. Mặt khác, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp chấn chỉnh tình trạng xe tự ý thay đổi kích thước thùng hàng, chở hàng vượt quá tải trọng quy định cũng như việc tăng cường tiến hành kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành, nhưng tình trạng phương tiện tham gia giao thông - nhất là xe chở vật liệu xây dựng trên các tuyến đường có các hành vi vi phạm vẫn diễn ra hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nguy hiểm hơn xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định vẫn hoạt động vận chuyển hàng hóa trên một số địa bàn của tỉnh. Để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2015 cơ bản không còn tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng lưu thông, Đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị UBND tỉnh cần phải quy trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương không xử lý dứt điểm nạn xe chở quá tải trọng, xe hết niên hạn sử dụng vẫn hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa. Bởi nếu không dẹp được vấn nạn này, việc góp phần bảo vệ kết cấu giao thông đường bộ và hạn chế tai nạn giao thông sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.
 
KHẢI NHIÊN