Cần sự đồng thuận từ người dân

08:10, 29/10/2015

Trong 29 xã nghèo của tỉnh Lâm Đồng, xã N'Thol Hạ, huyện Đức Trọng có nhiều điều kiện thuận lợi, vừa về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước vừa về địa thế kinh tế-xã hội. Nhiều năm nay, trung ương, tỉnh và huyện đã dốc sức quan tâm phát triển các lĩnh vực kinh tế và xã hội cho xã, nhưng mục tiêu thoát xã nghèo của N'Thol Hạ chưa thể thành hiện thực vì chưa có sự đồng thuận lớn từ phía người dân. 

Trong 29 xã nghèo của tỉnh Lâm Đồng, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng có nhiều điều kiện thuận lợi, vừa về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước vừa về địa thế kinh tế-xã hội. Nhiều năm nay, trung ương, tỉnh và huyện đã dốc sức quan tâm phát triển các lĩnh vực kinh tế và xã hội cho xã, nhưng mục tiêu thoát xã nghèo của N’Thol Hạ chưa thể thành hiện thực vì chưa có sự đồng thuận lớn từ phía người dân. Ngày 21/10, trao đổi với Chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ, anh K’Soi nói: “Xã đang cố gắng tìm mọi giải pháp để thoát nghèo, nhưng khó quá!”. 
 
Các hộ nghèo trong xã nhận quà giúp đỡ của đoàn từ thiện ngày 13/7/2015
Các hộ nghèo trong xã nhận quà giúp đỡ của đoàn từ thiện ngày 13/7/2015

Đầu tư nhiều, hỗ trợ mạnh
 
Trong những năm qua, xã N’Thol Hạ được đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước rất mạnh. Là xã vùng người dân tộc thiểu số (DTTS): trong hơn 1.500 hộ, có tới 81% dân tộc gốc Tây Nguyên, 4,7% dân tộc Thái, 0,8% các dân tộc khác ,13,5% dân tộc Kinh. Từ năm 2011, địa phương này được xếp vào xã nghèo của tỉnh. Từ chính 2 đặc điểm này nên sự quan tâm đầu tư cũng như hỗ trợ thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước càng lớn. Một vài con số qua 5 năm minh chứng sinh động là: hỗ trợ chuyển đổi 171ha cây trồng nông nghiệp; đầu tư 17 tỉ đồng trong công nghiệp và xây dựng; cho nhân dân vay sản xuất và tiêu dùng 25 tỉ đồng; đầu tư vùng đồng bào DTTS theo các Quyết định 135, 167, Nghị quyết 30a của Chính phủ 23,12 tỉ đồng; hỗ trợ người dân hơn 6,3 tỉ để làm nhà, sản xuất.v.v…
 
Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội các xã nghèo và vùng đồng bào DTTS, huyện Đức Trọng thường xuyên đề ra các chủ trương, kế hoạch để thực hiện. Trong đó, Huyện ủy có hẳn Nghị quyết chuyên đề số 17, ngày 25/3/2013; HĐND huyện có Nghị quyết 04/2013 và UBND huyện ban hành Kế hoạch số 71, ngày 26/6/2013…Theo đó, chỉ tiêu đến cuối năm 2015 số hộ nghèo toàn huyện còn dưới 2%, DTTS dưới 5%. Riêng xã N’Thol Hạ, chỉ tiêu giảm nghèo như sau: năm 2013, toàn xã 9,08%, DTTS 10,4%; năm 2014, còn 6,78%, DTTS 7,07% và năm 2015 còn 4,07%, DTTS 4,94%. Theo Kế hoạch 71 của huyện do Chủ tịch Phạm Thanh Quan (nay là Bí thư Huyện ủy) ký, để hoàn thành được nhiệm vụ và các chỉ tiêu, địa phương huyện giao phó chủ tịch UBND huyện phụ trách văn hóa - xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, tham mưu, điều hành; 12 phòng và 4 đơn vị của huyện có những phần việc cụ thể và phối hợp với các tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp liên quan… 
 
Báo cáo về đầu tư vùng DTTS trong 9 tháng năm 2015 của xã N’Thol Hạ được Chủ tịch K’Soi cho hay: vốn thuộc Đề án 30a phân bổ 1 tỷ đồng để tập trung đầu tư vào chăn nuôi, phân bón, mua máy móc phục vụ sản xuất đã giải ngân 90%; Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất 300 triệu đồng đã giải ngân 100%. Địa phương hỗ trợ bể chứa và nông cụ cho 23 hộ dân từ nguồn vốn theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các con đường bê tông trong xã với tổng kinh phí (gồm chuyển tiếp và đầu tư mới trong năm 2015) 3,211 tỉ đồng, đã thi công hoàn thành với tổng chiều dài gần 3.000m; gồm đường Bon Rơm - Lạch Tông, Lạch Tông - Yang Ly, Yang Ly, Srê Đăng - Lạch Tông. Nhà văn hóa, tràn hồ bà Hòa, tuyến mương N2 thôn Thái Sơn và tuyến kênh mương từ hồ Đa Me về hồ Đoàn Kết đang được thi công... 
   
Giải pháp của mọi giải pháp là dân đồng thuận
 
Lãnh đạo xã N’Thol Hạ cho tôi biết, số liệu về hộ nghèo năm 2015 của toàn xã là 80 hộ, chiếm tỷ lệ 5,02%; trong đó DTTS 78 hộ, chiếm 95,5% trong tổng số hộ nghèo toàn xã; hộ cận nghèo 126 hộ, chiếm 8%, (trong đó, DTTS 123 hộ, chiếm 97,6% số hộ cận nghèo toàn xã). Vậy là mục tiêu và kế hoạch giảm nghèo của huyện đặt ra đối với xã N’Thol Hạ vào năm 2015 toàn xã còn 4,07%, DTTS còn 4,94% sẽ không đạt được. “Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung toàn huyện” là sự tự đánh giá của UBND xã N’Thol Hạ sau 9 tháng đầu năm 2015.
 
Vì sao? Câu hỏi tôi đặt ra với Phó Ban Dân tộc tỉnh - Dơ Woang Ya Gương sau đợt anh kiểm tra giám sát gần đây. Anh Ya Gương thẳng thắn phân tích, đó là do nhận thức còn hạn chế của bà con đồng bào DTTS. Bà con vẫn nặng tư tưởng trông chờ “sức” từ bên ngoài nên không phát huy nội lực của mình bằng sự cố gắng tiếp thu học hỏi kiến thức và tích cực lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình và cộng đồng. 
 
Thực ra, huyện Đức Trọng đã thấy được những tồn tại, hạn chế này khi ban hành các chủ trương chỉ đạo, lãnh đạo từ 3 năm trước. Kết quả giảm nghèo do đó chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo, nghèo mới phát sinh còn cao. Mặt khác, tình trạng thiếu đất sản xuất còn diễn ra trong đồng bào DTTS. Trở lại cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND xã K’Soi - nguyên là cán bộ của huyện Đức Trọng mới được luân chuyển tăng cường vào, anh buồn bã chia sẻ: Mọi mặt ở đây đều rất thuận lợi, từ giao thông, đất đai; nguồn nước cơ bản đáp ứng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng bà con bán hết đất rồi, một số chuyển vào xã Đạ Quyn sinh sống. Dọc từ thôn Srê Đăng qua thị trấn là vùng tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng bà con bán hoặc cho thuê hết cho người ngoài vào canh tác; khu vực trồng cà phê cũng bán hết. Làm thế nào đây, tôi hỏi. “Địa phương đang tìm mọi biện pháp, giải pháp giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, trước hết là sự cố gắng nỗ lực của gia đình và bản thân. Bây giờ xã phải khẩn trương kiểm soát lại, sắp xếp quy hoạch và có định hướng chứ kiểu này không thể ổn anh ạ. Các chương trình, dự án năm nào cũng có; mỗi năm gia đình đều vay vốn hàng trăm triệu đồng nhưng không đầu tư, hiện trong xã dư nợ riêng Ngân hàng chính sách xã hội 18 tỉ đồng rồi, chưa nói họ cầm sổ, vay mượn bên ngoài…Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước quan tâm hỗ trợ rất lớn nhưng hiệu quả rất thấp. Lãnh đạo xã đang đau đầu để tháo gỡ, tìm giải pháp để thoát nghèo, nhưng khó quá!”, K’Soi trăn trở và đau đáu như thế.  
 
Đã đến lúc không thể chung chung theo kiểu “tiếp tục vận động nhân dân tự lực vươn lên thoát nghèo” và đơn giản là hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo thông qua các chương trình dự án, mà phải tìm cho ra lời giải chính xác từ chính thực tiễn của N’Thol Hạ. Đầu tư hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân, thủy lợi, kỹ thuật... nhưng phải có đất đai. Vận động, tuyên truyền người dân quyết tâm lao động sản xuất có hiệu quả phải được thay đổi phương pháp và nội dung. Rất cần một đội ngũ cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã có năng lực, trình độ, có tâm huyết. Cùng đó, cả hệ thống chính trị, nhiều ngành đồng lòng với dân “đánh bật cái nghèo ra khỏi xã” một cách căn cơ, tích cực, sáng tạo. Càng quyết tâm lớn khi chuẩn nghèo không còn là đơn chiều mà sẽ là đa chiều. Có vậy thì kết quả xóa đói, giảm nghèo mới thoát được vòng lúng túng và thiếu vững chắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã N’Thôl Hạ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020 quyết nghị. Và không chỉ đạt mục tiêu xã đặt ra là đến năm 2020 tỉ lệ hộ nghèo dưới 3%, hộ cận nghèo dưới 5% theo chuẩn từng giai đoạn, mà cần kỳ vọng thành công hơn thế, tại sao không! Và bài học thực tiễn này chắc chắn không chỉ dành riêng cho N’Thol Hạ!
 
MINH ĐẠO