Củng cố dân chủ cơ sở từ thôn, tổ dân phố (bài 2)

04:05, 17/05/2021

Thôn, tổ dân phố chính là nơi để người dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp từ cơ sở.

[links()]
 
Bài 2: Để dân chủ cơ sở được phát huy
 
Thôn, tổ dân phố (TDP) chính là nơi để người dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp từ cơ sở. 
 
Người dân đóng góp làm đường giao thông ở Đà Lạt
Người dân đóng góp làm đường giao thông ở Đà Lạt
 
Tận tâm với công việc
 
Đưa chúng tôi đi thăm con đường bê tông vừa mới làm trong năm nay, ông Huỳnh Trần Hoan, 63 tuổi, Tổ trưởng TDP Thái Phát, Phường 12, Đà Lạt tự hào bảo rằng làng quê Thái Phiên giờ đã khang trang hiện đại lắm rồi.
 
Không khang trang hiện đại sao được khi đây là một trong những làng hoa nổi tiếng và lớn nhất của phố Đà Lạt hiện nay. Sự chuyên môn hóa nơi đây rất cao, trong 430 ha đất sản xuất đã có trên 320 ha nhà kính, rất nhiều loại hoa được trồng, đặc biệt là hoa cúc và lily cung cấp cho thị trường trong cả nước. Nhờ chuyên canh hoa nên kinh tế phát triển rất nhanh, nhà cửa khang trang, đường làng ngõ xóm được trải nhựa, được bê tông hóa sạch đẹp đến tận từng khu vườn. 
 
Ông Huỳnh Trần Hoan trên con đường bê tông do người dân đóng góp xây dựng
Ông Huỳnh Trần Hoan trên con đường bê tông do người dân đóng góp xây dựng
 
Năm 1993, ông Hoan được người dân bầu làm Tổ trưởng TDP Thái Phát và từ đó đến nay ông luôn được tín nhiệm cho công việc này. Gần 28 năm cho việc làm tổ trưởng dân phố, ông luôn được bà con nơi đây yêu quý, tin tưởng.
 
Ông quan niệm, để là một người tổ trưởng TDP luôn được dân tin, dân yêu, các hoạt động đưa ra bà con đều hưởng ứng thực hiện, thì trước hết, bản thân ông phải thực sự gương mẫu, trách nhiệm, làm nhiều hơn nói. “Mình phải đi đầu, làm trước thì khi đó người dân họ mới thấy được lợi ích, thấy được tâm huyết của mình mà “tâm phục, khẩu phục” - ông nói. 
 
Theo ông, phải nói làm sao để người dân hiểu, nói thực tế, để bà con thấy được lợi ích của phong trào, hơn hết là phải trung thực, công khai, minh bạch trong việc tài chính, thu chi thì người dân mới một lòng tin tưởng. “Một khi người dân đã đồng lòng, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết thì nhiệm vụ nào cũng có thể thực hiện được” - ông Hoan chia sẻ. 
 
Năm 2015, TDP Thái Phát được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu. Theo ông Hoan, đó là kết quả của sự đồng thuận, đoàn kết, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới của người dân nơi đây. “Hầu hết những con đường được bê tông hóa của TDP đều được xây dựng từ đóng góp tiền bạc, công sức của người dân” - ông Hoan tự hào. 
 
Bà Bùi Thị Hằng (áo đỏ) tại Đại hội Phụ nữ xã Mỹ Đức, Đạ Tẻh
Bà Bùi Thị Hằng (áo đỏ) tại Đại hội Phụ nữ xã Mỹ Đức, Đạ Tẻh
 
Một trong những người thôn trưởng tận tâm khác mà chúng tôi muốn giới thiệu trong bài viết này là bà Bùi Thị Hằng, sinh năm 1965, Thôn trưởng Thôn 6, xã Mỹ Đức của huyện Đạ Tẻh. Bà Hằng người quê Chương Mỹ, Hà Tây, cùng gia đình vào quê mới Đạ Tẻh lập nghiệp từ năm 1987. Cả vùng này khi đó vẫn là rừng núi hoang vu, sốt rét rừng hoành hành; gia đình bà cũng như bao nhiêu người nơi đây đã trải qua không biết bao nhiêu gian khó mới có được cuộc sống tốt đẹp như hôm nay. 
 
Thôn 6 hiện có 126 gia đình, trên 560 người sinh sống. Những năm gần đây người dân Thôn 6 không ngừng nỗ lực vươn lên bằng chuyển đổi cây trồng, thay thế các vườn điều, vườn cà phê ít giá trị sang trồng các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, sầu riêng... cho thu nhập cao hơn nhiều.
 
Bà Hằng bắt đầu làm thôn trưởng từ năm 2007, là người phụ nữ đầu tiên của xã Mỹ Đức đảm nhận vị trí vốn thường do nam giới đảm trách này. “Tôi cũng đắn đo lắm vì phụ nữ bao công việc ở nhà. Nhưng cũng vì mình là đảng viên, được phân công phải nhận rồi làm mãi cho đến nay luôn” - bà cười.
 
Là thôn trưởng, bà nói có nhiều công việc chờ bà mỗi ngày. Chẳng hạn, chỉ việc đi gửi giấy mời thôi, lòng vòng thôn gặp ai nói chuyện chút cũng mất cả buổi. Rồi đi vận động dân xây dựng nông thôn mới, vận động giúp đỡ gia đình khó khăn, giảm nghèo, hòa giải, tham gia các phong trào chung của xã, của huyện; bất cứ hoạt động gì của cấp trên triển khai xuống đây thôn trưởng cũng phải có mặt, nhiều việc phải mất công đi tới đi lui nhiều lần mới được. 
 
“Trước đây vùng này nổi tiếng với nghề rừng, nhiều người hằng ngày vào rừng khai thác lâm sản, chính quyền các cấp trong đó có đại diện thôn đã kiên trì vận động người dân từng bước, đến nay hầu hết đã bỏ hẳn nghề rừng” - bà cho biết.
 
Thôn 6 hiện nay không chỉ đường sá được bê tông hóa hầu hết, nhà cửa người dân cũng được sửa chữa xây mới khang trang hơn rất nhiều. Nhiều người trong thôn nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên ăn nên làm ra, có người là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh. 
 
Riêng bà Hằng, không chỉ làm tốt nhiệm vụ được giao cho một người thôn trưởng mà bà còn là một nông dân sản xuất giỏi với hơn 2 ha cao su, quanh vườn nhà bà có cây ăn trái, có ao thả cá. Chồng bà mất đã lâu vì bệnh, bà một mình chăm sóc, dựng vợ gả chồng cho con một cách chu toàn. Không chỉ được xã tuyên dương về những đóng góp tích cực, tận tâm của mình, bà từng được huyện Đạ Tẻh biểu dương là tấm gương điển hình cấp huyện.
 
Để dân chủ cơ sở được phát huy
 
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, hoạt động của thôn, TDP trong tỉnh những năm qua đã có không ít những đổi mới về nội dung, phương thức. Thôn, TDP đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để định hướng dư luận, giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Thôn, TDP cũng là nơi kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.
 
Thông qua các hoạt động của thôn, TDP hiện nay, người dân có thể đóng góp ý kiến, bàn bạc và quyết định các hoạt động tự quản theo quy định của pháp luật; nhất là trong vận động xây dựng các công trình Nhà nước hỗ trợ Nhân dân đóng góp như đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, bắc điện chiếu sáng… Thôn, TDP cũng là nơi làm tốt việc vận động người dân chấp hành nghĩa vụ thuế, đóng góp các quỹ; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở thôn, TDP.
 
Thôn, TDP cho đến nay đã được củng cố, kiện toàn kịp thời, được tạo các điều kiện cần thiết để ổn định và đi vào hoạt động hiệu quả. Thôn, TDP chính là nơi gần dân, hiểu dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của dân để kịp thời báo cáo, phản ánh, kiến nghị lãnh đạo xã, phường, thị trấn giải quyết kịp thời.
 
Cùng đó, các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các thôn, TDP trong tỉnh đến nay được các cấp chính quyền quan tâm củng cố tạo điều kiện hoạt động, nhằm phát huy vai trò, tổ chức giám sát các nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng cơ sở hạ tầng,… tại thôn, TDP.
 
Thông qua việc bầu cử trực tiếp các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố từ đại diện hộ gia đình qua hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết tại các cuộc họp thôn đã phát huy quyền làm chủ của người dân. Như Sở Nội vụ đánh giá, những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng, trưởng ban công tác mặt trận) đến nay hầu hết đều có uy tín, gương mẫu, tâm huyết, nhiệt tình, được dân tín nhiệm. Không ít người nhận thức rõ về trách nhiệm của mình nên chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện các công tác tự quản; nắm chắc địa bàn và điều kiện hoàn cảnh của từng hộ gia đình ở địa phương để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. 
 
Vẫn còn có những hạn chế trong hoạt động thôn, TDP hiện nay như việc tổ chức lấy ý kiến đối với những vấn đề lớn, liên quan đến đời sống và quyền lợi của người dân tại địa phương mặc dù nhiều nơi có thực hiện song chưa được thường xuyên; nội dung sinh hoạt chuyên đề chưa nhiều, nhất là các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống dân cư thôn, TDP. Cùng đó, trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác của một số người hoạt động không chuyên trách và những người khác ở thôn, TDP còn hạn chế; một số thôn, TDP chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sinh hoạt cũng như trong việc triển khai, thực hiện các hoạt động tự quản, các phong trào ở cơ sở.
 
Chính vì vậy, theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, trong thời gian đến, các địa phương trong tỉnh cần chú ý phối hợp mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao kỹ năng công tác cho những người hoạt động không chuyên trách và người làm việc khác ở thôn, TDP, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã quan tâm chi trả chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách, người tham gia trực tiếp công việc và lực lượng khác ở thôn, tổ dân phố đảm bảo theo đúng quy định. 
 
Riêng với những người không chuyên trách ở cơ sở như ông Huỳnh Trần Hoan, bà Bùi Thị Hằng, niềm vui chính là thấy được công việc mình có ý nghĩa trong cộng đồng. Ông Hoan chia sẻ: “Tình cảm, sự tin tưởng mà bà con dành cho tôi suốt nhiều năm qua, đó chính là niềm vui, động lực lớn để tôi tiếp tục gắn bó với những công việc của mình. Tôi chỉ mong có thể giúp được gì cho người dân, việc làm nào của mình cũng là để xây dựng quê hương giàu đẹp hơn”. 
 
VIẾT TRỌNG