Phát huy chức trách của ngành Giáo dục và Đào tạo

04:05, 17/05/2021

Hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với thực tiễn… là những nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên nhiều lần tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với ngành Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với thực tiễn… là những nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên nhiều lần tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ngày 6/5.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp chỉ đạo tại buổi làm việc với ngành GDĐT Lâm Đồng ngày 5/5
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp chỉ đạo tại buổi làm việc với ngành GDĐT Lâm Đồng ngày 5/5
 
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là trước một ngày Thủ tướng Chính phủ làm việc với ngành GDĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp có buổi làm việc với ngành GDĐT tỉnh. Nhiều vấn đề đại diện lãnh đạo Sở GDĐT và 12 phòng GDĐT được dịp nêu lên với người đứng đầu chính quyền tỉnh. Đặc biệt là vấn đề triển khai thực hiện Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ “Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục” - gọi tắt là Nghị định 127. 
 
Phát biểu trước hội nghị, một lãnh đạo phòng GDĐT cho rằng, việc thực hiện Nghị định 127 ở địa phương của đơn vị chưa phù hợp; trong đó, chức năng, quyền hạn của phòng GDĐT “bị lấy sạch”. Vị lãnh đạo phòng này giải thích rõ hơn, đó là các vấn đề về tuyển dụng viên chức giáo dục, bổ nhiệm hiệu trưởng, khen thưởng giáo viên, học sinh…, “trưởng phòng GDĐT không có quyền”. Sau hội nghị, chúng tôi trao đổi cụ thể hơn với người có ý kiến này, ông khẳng định, cá nhân đã nhiều lần nêu vấn đề tại những hội nghị các cấp nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi. Cũng không phải là cá biệt, chúng tôi còn ghi nhận ý kiến phản ánh từ một số lãnh đạo phòng GDĐT khác về việc thực hiện Nghị định 127, có địa phương cho rằng chưa phù hợp, còn địa phương kia cho rằng chưa phát huy cao về tính đồng bộ trong sự phối hợp…
 
Vấn đề mà các lãnh đạo phòng GDĐT nêu lên là xoay quanh điều 13, chương III của Nghị định 127 về “Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và đào tạo”. 
 
Ví dụ, về bổ nhiệm, miễn nhiệm… (điểm b, khoản 3); về khen thưởng… (điểm c, khoản 3); về tuyển dụng, phân bổ, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật… (khoản 6)… Nêu các vấn đề này cũng chỉ nhằm đạt được yêu cầu mà Nghị định 127 đặt ra tại điều 3, đó là “Bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục” (khoản 1) và “Bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, nhân sự, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được giao” (khoản 2). Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng GDĐT còn được quy định rõ tại Thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT, ngày 22/5/2020 của Bộ GDĐT ở điều 3 (Vị trí và chức năng) và điều 4 (Nhiệm vụ và quyền hạn). 
 
Tại buổi làm việc với ngành GDĐT Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã tiếp thu và ghi nhận tất cả ý kiến từ ngành GDĐT. Về vấn đề thực hiện Nghị định 127, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện để “đảm bảo thống nhất trên địa bàn tỉnh, phân cấp, phân quyền cụ thể, rõ ràng, và đúng quy định của pháp luật”. Mặt khác, Chủ tịch Trần Văn Hiệp cũng giao Sở Nội vụ “Nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị về tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tinh giản biên chế và một số chế độ, chính sách đối với đội ngũ viên chức và người lao động trong ngành Giáo dục để xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”. 
 
Tinh thần chỉ đạo từ người đứng đầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng vừa kịp thời vừa phù hợp nội dung của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh về 4 khó khăn, hạn chế rất cơ bản của ngành Giáo dục. Đó là thời gian qua, ngành đã tích cực xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, nhưng cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Việc hoàn thiện thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo… Việc phân cấp quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo căn cứ khoa học, xuất phát từ thực tiễn, vừa làm vừa hoàn thiện… Thủ tướng cho rằng, chủ trương, chính sách dù được nghiên cứu kỹ cũng không thể phủ kín các góc cạnh của cuộc sống, cho nên khi triển khai phải xuất phát từ thực tiễn, có lộ trình, có bước đi phù hợp. Ngành phải nghiên cứu, báo cáo, đề xuất, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương chung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình thực tế ở mỗi vùng miền. Nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện, quy định rõ nội dung nào phân cấp, phân quyền cho chính quyền các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nội dung nào Trung ương quyết định.
 
MINH ĐẠO