Nhiều doanh nghiệp chồng chất nợ BHXH, BHYT

08:01, 22/01/2016

Tại thành phố Bảo Lộc, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang quản lý gần 400 doanh nghiệp (DN) tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) cho trên 9.000 lao động; trên 180 DN tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho gần 8.000 lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, thành phố Bảo Lộc đã có gần 100 DN nợ BHXH và BHYT, với số nợ đọng hiện nay đã lên đến 20 tỷ đồng.

Tại thành phố Bảo Lộc, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang quản lý gần 400 doanh nghiệp (DN) tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) cho trên 9.000 lao động; trên 180 DN tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho gần 8.000 lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, thành phố Bảo Lộc đã có gần 100 DN nợ BHXH và BHYT, với số nợ đọng hiện nay đã lên đến 20 tỷ đồng.
 
Cơ quan BHXH thành phố đã nhiều lần gởi văn bản đôn đốc, nhắc nhở nộp nợ BHXH, BHYT. Tuy nhiên, chỉ có một số ít DN thanh toán nợ; một số DN do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên đã “khất” nợ mãi. Tuy nhiên, điều đáng đề cập là có không ít DN đã cố tình, sẵn sàng chấp nhận nộp phạt hoặc “chờ” kiện ra Tòa án?
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết là có khá nhiều DN nợ BHXH, BHYT đã lên đến tiền tỉ. Việc nợ đọng lớn và kéo dài cũng đồng nghĩa với việc các DN đã chiếm dụng tiền BHXH, BHYT và cũng đồng nghĩa với việc vi phạm Luật BHXH, BHYT. Lý do, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT có lợi hơn rất nhiều so với đi vay tiền Ngân hàng phải chịu lãi suất (vì tiền lãi Ngân hàng cao hơn nhiều lần so với tiền nộp phạt BHXH, BHYT do chậm nộp) và mức phạt tối đa chỉ 75 triệu đồng mà thôi. Đây chính là kẽ “hở” để DN sẵn sàng chiếm dụng tiền BHXH, BHYT của người lao động sử dụng vào mục đích khác và chấp nhận chịu phạt lãi suất do chậm nộp. Ngoài ra, do biện pháp chế tài xử phạt vi phạm hành chính quá thấp, nên không đủ “sức răn đe” DN. Mặt khác, việc thu hồi nợ đọng là do cơ quan BHXH thực hiện, nhưng cơ quan này lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt, khi kiểm tra phát hiện các DN vi phạm Luật BHXH, BHYT. Thậm chí, khi cơ quan BHXH khởi kiện Tòa án (đối với những DN cố tình vi phạm Luật BHXH, BHYT), nhưng phần lớn đơn kiện không được đưa ra xét xử mà chỉ được hòa giải nhưng không thành. Do đó, trong thực tế đã dẫn đến những bất cập là nợ BHXH, BHYT không giảm, mà có chiều hướng gia tăng, gây nên hệ lụy đến quyền lợi của người lao động làm việc tại các DN. Một số DN bị khởi kiện, sau khi Tòa án thành phố Bảo Lộc xử lý, có DN chấp hành nhưng cũng có DN lại không chấp hành việc thanh toán nợ đọng; có DN chấp hành nộp xong nợ cũ thì nợ mới lại phát sinh… Cứ thế, nợ BHXH, BHYT tiếp tục chồng chất. 
 
Vì quyền lợi của người lao động đã được pháp luật bảo vệ, nên đây là vấn đề cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền và các ngành liên quan, chứ không thể đơn phương cơ quan BHXH thành phố!  
 
XUÂN LONG