Xây nhà vệ sinh to đùng rồi… đóng cửa?

09:01, 21/01/2016

Tưởng rằng, với kinh phí đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng 2 nhà vệ sinh tại Phân hiệu Phước Trung và Phước Thái (thuộc Trường Tiểu học Phước Cát 2, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) sẽ giải quyết được nhu cầu của giáo viên và học sinh nơi đây. Nhưng thật lạ kỳ, từ khi được bàn giao cho đến nay, 2 nhà vệ sinh này vẫn bị đóng cửa không cho giáo viên và học sinh sử dụng. 

Tưởng rằng, với kinh phí đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng 2 nhà vệ sinh tại Phân hiệu Phước Trung và Phước Thái (thuộc Trường Tiểu học Phước Cát 2, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) sẽ giải quyết được nhu cầu của giáo viên và học sinh nơi đây. Nhưng thật lạ kỳ, từ khi được bàn giao cho đến nay, 2 nhà vệ sinh này vẫn bị đóng cửa không cho giáo viên và học sinh sử dụng. 
 
Mập mờ trong việc bàn giao?
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2012, từ nguồn vốn đầu tư 50% của Chương trình hỗ trợ đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Tiên đã triển khai xây dựng 2 nhà vệ sinh tại Phân hiệu Phước Trung và Phước Thái (thuộc Trường Tiểu học Phước Cát 2). Hai nhà vệ sinh này có tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 800 triệu đồng. Trong đó, 50% vốn ODA và 50% vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.
 
Phân hiệu Phước Trung đã có nhà vệ sinh, nhưng học sinh vẫn phải đi tiểu ở ngoài
Phân hiệu Phước Trung đã có nhà vệ sinh, nhưng học sinh vẫn phải đi tiểu ở ngoài
Sau gần 4 năm thi công xây dựng, đến nay, cả 2 nhà vệ sinh đã hoàn thành nhưng vẫn còn đóng cửa, chưa được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, giáo viên và học sinh tại 2 điểm trường này, ngày ngày vẫn phải đi nhờ nhà vệ sinh của người dân địa phương hoặc chạy lên đồi để “giải quyết nỗi buồn”. Thậm chí, nhiều em học sinh còn “tè” ra quần do phải “nhịn” đi vệ sinh suốt cả buổi học. Hiện nay, Phân hiệu Phước Trung có 3 giáo viên và 25 học sinh. Cô Trịnh Thị Út, giáo viên lớp 1B, Phân hiệu Phước Trung, cho biết: “Những năm trước, không có nhà vệ sinh, nên giáo viên và học sinh phải đi nhờ nhà vệ sinh của người dân. Nhưng giờ đây, nhà vệ sinh được xây dựng với kinh phí gần 400 triệu đồng mà cô trò chúng tôi vẫn không được sử dụng!”. 
 
Theo quan sát của chúng tôi, cả 2 nhà vệ sinh tại Phân hiệu Phước Trung và Phước Thái đều được xây dựng có diện tích khoảng 50m2/công trình. Trên thực tế, hiện cả 2 công trình này đã được đơn vị thi công ký nhận bàn giao với Trường Tiểu học Phước Cát 2 để đưa vào sử dụng. Nhưng điều trái ngược ở chỗ, hiện chìa khóa cả 2 nhà vệ sinh này vẫn do đơn vị thi công nắm giữ. Nói về vấn đề này, ông Lê Huy, chủ đơn vị thi công 2 công trình này, giải thích: “Hiện, cả 2 nhà vệ sinh đã được chúng tôi hoàn thành và cũng đã ký nhận bàn giao với Trường Tiểu học Phước Cát 2. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng, là người đại diện trực tiếp ký nhận 2 công trình này với chúng tôi. Tuy nhiên, do phía nhà trường chưa có người trông coi, quản lý nên chúng tôi chưa thể bàn giao chìa khóa cho họ!”.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Cát 2, 2 công trình này đều xây dựng chậm tiến độ. Vì vậy, nhà trường đã nhiều lần phản ánh và nhắc nhở đơn vị thi công, nhưng mọi việc vẫn không thay đổi. Còn nói về việc tiếp nhận 2 nhà vệ sinh này, bà Hằng khẳng định: “Việc ký và tiếp nhận bàn giao 2 công trình này là trách nhiệm của tôi. Nhưng thực thế, tôi chưa từng làm việc và chưa ký nhận bàn giao 2 công trình này với đơn vị thi công. Còn việc ông Nam làm việc với họ như thế nào, tôi không được biết!”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nam giải thích: “Do ông Huy đến bàn giao 2 công trình đúng vào lúc bà Hiệu trưởng đi công tác, nên tôi phải đứng ra ký nhận thay. Hơn nữa, tôi làm việc này theo sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Tiên”.
 
Phụ huynh phá khóa cửa nhà vệ sinh!
 
Cũng giống như Phước Trung, nhà vệ sinh tại Phân hiệu Phước Thái đã xây xong, nhưng vẫn bị khóa cửa không cho giáo viên và học sinh sử dụng. Hiện, tại Phân hiệu này đang có khoảng 70 học sinh. Do không có nhà vệ sinh, nên sau giờ nghỉ giải lao tất cả học sinh và giáo viên phải lên đồi phía sau Trường để “giải quyết” nhu cầu vệ sinh cá nhân. Trước tình trạng này, buộc các phụ huynh phải phá khóa cửa nhà vệ sinh để “giải cứu” con em họ. Ông Nguyễn Văn Dũng, một phụ huynh có con học tại đây, bức xúc: “Không có thì đành chịu! Nhưng, ở đây có nhà vệ sinh mà đem khóa lại không cho giáo viên, học sinh sử dụng thử hỏi có được không?”.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, cho biết: Do có quá nhiều phụ huynh ý kiến về việc con em họ không có nơi đi vệ sinh, nên UBND xã đã cử người xuống xem xét tình hình. Thấy đây là nhu cầu chính đáng, buộc xã phải đồng ý cho phụ huynh phá khóa cửa. 
 
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, hệ thống dẫn nước nhà vệ sinh gặp trục trặc và nước bắt đầu tràn ra ngoài. Điều này cho thấy, 1 công trình nhà vệ sinh được đầu tư với kinh phí gần 400 triệu đồng tại đây đang có “vấn đề” về chất lượng. Một giáo viên tại Phân hiệu Phước Thái ngán ngẩm: “Không hiểu vì sao nhà vệ sinh được đầu tư xây dựng hơn cả số tiền tôi xây 1 căn nhà cấp 4, nhưng mới dùng được vài tháng đã hư lên, hư xuống”.
 
Trước những bất cập liên quan đến 2 nhà vệ sinh tại Phân hiệu Phước Trung và Phước Thái (Trường Tiểu học Phước Cát 2), tập thể giáo viên và học sinh tại đây đang mong mỏi cần được giải quyết sớm!
 
KHÁNH PHÚC