Tuyển sinh đại học 2021: Thêm nhiều ngành học mới

04:07, 14/07/2021

Mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học trên địa bàn tỉnh mở thêm một số ngành học mới đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội, qua đó, giúp thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề.

Mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học trên địa bàn tỉnh mở thêm một số ngành học mới đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội, qua đó, giúp thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề.
 
Thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề khi các trường đại học mở thêm nhiều ngành học mới
Thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề khi các trường đại học mở thêm nhiều ngành học mới
 
Qua phân tích đánh giá thị trường lao động thực tế cũng như điều kiện về đội ngũ, giảng viên, trang thiết bị, thư viện...; năm 2021, Trường Đại học Đà Lạt quyết định mở thêm các ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay. Theo đó, Hội đồng Trường Đại học Đà Lạt nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã có Nghị quyết về việc thông qua đề án mở ngành đào tạo trình độ đại học. 
 
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Duy - Trưởng phòng Phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Đà Lạt, năm 2021 trường mở thêm 8 ngành học mới, từ tháng 6 được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép bổ sung vào Đề án tuyển sinh năm 2021, nâng tổng số ngành đào tạo trình độ đại học của trường lên 41 ngành. 
 
8 ngành học mới Trường Đại học Đà Lạt bắt đầu tuyển sinh trong năm nay gồm: Khoa học dữ liệu, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ thực phẩm, Dân số và Phát triển, Trung Quốc học, Văn hóa Du lịch. Trong đó, các ngành Khoa học dữ liệu, Dân số và Phát triển, Văn hóa Du lịch là các ngành mới chưa có tên trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các ngành học mới này mỗi ngành tuyển sinh 50 chỉ tiêu. 
 
“Ngành Dân số và Phát triển hiện chỉ có Trường Đại học Đà Lạt đào tạo, là ngành mở theo biên bản hợp tác với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế. Còn ngành Khoa học dữ liệu hiện chỉ có Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh và đào tạo. Các trường khác chỉ đào tạo Văn hóa du lịch và Khoa học dữ liệu dưới dạng một chuyên ngành chứ chưa có ngành riêng. Các ngành học mới hoàn toàn đều là nhu cầu thực tế, đặc biệt 3 ngành chưa có tên trong Danh mục ngành cấp IV của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực: ngành Khoa học dữ liệu là ngành trong nhóm ngành công nghệ thông tin, thuộc chiến lược phát triển của Chính phủ; ngành Văn hóa Du lịch nằm trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia; ngành Dân số và Phát triển nằm trong chiến lược công tác dân số trong tình hình mới, do đó việc đào tạo cán bộ để phù hợp với chiến lược dân số trong giai đoạn tới là nhu cầu cấp thiết”, Tiến sĩ Trần Hữu Duy cho biết.
 
Còn đối với Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm 2021 trường tuyển sinh thêm ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Digital Marketing và các ngành Công nghệ thông tin như Al - Trí thông minh nhân tạo, IoT - Internet of Things, Blockchain. Chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mới mỗi ngành tối thiểu khoảng 50 sinh viên. 
 
“Khi mở ngành, trường không chỉ đảm bảo quy trình và điều kiện đào tạo mà còn thực hiện khảo sát nhu cầu từ phía doanh nghiệp sử dụng. Tuy là các ngành mới nhưng nhà trường đã có các biện pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo như hợp tác với các doanh nghiệp triển khai học kỳ doanh nghiệp để sinh viên được thực tế tại doanh nghiệp trong quá trình học, sau 3 năm học, sinh viên sẽ có 1 năm kinh nghiệm thực tập, làm việc tại doanh nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu; trang bị các phòng thực hành, thí nghiệm… Hiện đã có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường nói chung và các ngành mới mở nói riêng”, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 cùng với Nghị định 99 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này có hiệu lực từ 15/2/2020 đã tạo cơ chế mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học như: được tự chủ trong việc mở ngành, sử dụng phương thức xét tuyển phù hợp với điều kiện của trường… Tuy nhiên, các trường phải đảm bảo chất lượng trong công tác tuyển sinh.
 
TUẤN HƯƠNG