Lâm Đồng nâng cấp độ phòng chống dịch Covid-19

06:07, 14/07/2021

(LĐ online) - Chiều 14/7, tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 do đồng chí Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

(LĐ online) - Chiều 14/7, tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 do đồng chí Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
 
Tham dự tại đầu cầu cấp tỉnh có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo. Tại điểm cầu cấp huyện, thành phố có các đồng chí Bí thư Thành ủy, Huyện ủy; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp huyện, thành phố và chốt trưởng các chốt kiểm soát phòng chống Covid-19 trên địa bàn. 
 
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
 
Tình hình dịch phức tạp, khó lường 
 
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã đánh giá cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua. Trước tình hình dịch hết sức khó lường, phức tạp nên tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm có chỉ đạo kịp thời, cứng rắn hơn, phù hợp hơn trong thời gian tới và sẽ có văn bản chỉ đạo mới trong thời gian tới.
 
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận báo cáo tình hình dịch Covid-19 hiện nay trong nước 58 tỉnh, thành có dịch, riêng Lâm Đồng đã ghi nhận 13 F0. Hiện, đang cách ly 5.130 trường hợp; trong đó, cách ly y tế 49 trường hợp, cách ly tập trung 657 trường hợp, cách ly tại nhà 4.424 trường hợp.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận cuộc họp
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận cuộc họp
 
Tình hình xét nghiệm PCR toàn tỉnh, trong ngày 13/7 có 795 trường hợp, cộng dồn đến nay là 34.762 trường hợp. Số ca dương tính SARS-CoV-2 là 13 trường hợp.
 
Riêng trường hợp phụ xe đến chốt Đạ Huoai dương tính (BN 35520), đã truy vết tại: Đơn Dương 6 F1, 30 F2; Đức Trọng 18 F1, 83 F2; Di Linh 2 F1, 26 F2. Tất cả đã xét nghiệm test nhanh âm tính, đang làm xét nghiệm RT-PCR hiện chờ kết quả.
 
Giám đốc Sở Y tế nhận định tình hình nguy cơ rất cao. Ngành y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về từ các địa phương, khu vực, địa điểm có dịch. Tăng cường công tác quản lý tại các chốt kiểm dịch y tế và lái xe. UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động giám sát, truy vết của các tổ Covid-19 cộng đồng, tuyệt đối không bỏ sót các trường hợp từ nơi khác trở về địa phương; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và giám sát y tế đối với người hết thời gian cách ly tập trung trở về địa phương; khoanh vùng xử lý ngay khi có trường hợp mắc bệnh xuất hiện, quyết liệt truy vết các trường hợp F1, F2 và áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định. 
 
Tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc chủ động với các đối tượng có nguy cơ; đồng thơi, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động để tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất theo phương châm 4 tại chỗ; sẵn sàng các phương án về cơ sở cách ly, cơ sở điều trị để có thể tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp cách ly, các trường hợp mắc bệnh; tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm trên địa bàn lên mức tối đa 4.000 mẫu/ngày; thực hiện nghiêm các quy định về bệnh viện, phòng khám an toàn trong phòng chống Covid-19.
 
Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông, bảo đảm nguyên tắc phản ánh kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan, sát tình hình thực tế, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, không đưa các thông tin tiêu cực gây hoang mang dư luận hoặc tạo tâm lý chủ quan, lơ là; mỗi người dân thực hiện 5K và vắc xin, nhất là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế tập trung đông người; cài đặt phầm mềm khai báo y tế (BlueZone, Vietnam Health Declaration…)…
 
Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-10 tỉnh Lâm Đồng họp vào chiều 14/7
Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Lâm Đồng họp vào chiều 14/7
 
Các địa phương tăng cường biện pháp chống dịch
 
Ông Tống Giang Nam - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho biết: Qua 12 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với thôn Phú Hòa và xã Mỹ Đức, đến nay cơ bản đã kiểm soát dịch. Nguy cơ cao nhất là các ca bệnh từ ngoài xâm nhập vào. Huyện thành lập 16 chốt khóa toàn bộ đường mòn lối mở, kể cả phòng việc lợi dụng đường sông để xâm nhập địa phương nên huyện cử lực lượng tuần tra kiểm soát đường sông. Huyện tiếp tục thực hiện giãn cách đủ 21 ngày đến 23/7 và đánh giá tình hình để có những quyết định tiếp theo.
 
Ông Dương Đức Đại - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, cho biết: Liên quan chùm ca bệnh từ TP Hồ Chí Minh đến thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương làm việc (BN23668, BN23669, BN23670, BN24816, BN28479), các mẫu xét nghiệm trường hợp liên quan đến hiện tại đều âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện vẫn tiếp tục truy vết, giám sát cách ly chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự; rút kinh nghiệm kịp thời chỉ đạo, tăng cường phối hợp. Huyện đã lập 7 chốt trên địa bàn, phát huy tổ Covid-19 cộng đồng, chống dịch với tinh thần khẩn trương quyết liệt. 
 
Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: Ngoài thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch tại 2 chốt trên địa bàn, huyện còn tăng cường truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh N.T.D đi từ Di Linh về Định Quán (Đồng Nai). Hiện, các trường hợp liên quan đã xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính. Đồng thời, tiếp tục truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh là phụ lái xe tải đến chốt Đạ Huoai phát hiện dương tính (BN 35520) và đã phong tỏa, cách ly, theo dõi giám sát đúng quy định.
 
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại cuộc họp
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại cuộc họp
 
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết: Huyện đã cơ bản kiểm soát được tình hình liên quan ca bệnh từ chùm lây nhiễm Đơn Dương. Chốt kiểm soát xã Ninh Gia đã kiểm soát 3.740 phương tiện với trên 6.000 lượt người qua lại, test nhanh tất cả tài xế đều âm tính với SARS-CoV-2.
 
Liên quan BN 35520 có nhà trọ tại thị trấn Liên Nghĩa, ngay từ tối qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện đã kích hoạt tất cả các ban chỉ đạo các cấp sẵn sàng truy vết, cách ly. Đến nay, đã truy vết 21 F1, 85 F2, qua test nhanh đều âm tính. Hiện tại, huyện Đức Trọng vẫn đang tiếp tục chỉ đạo truy vết nhanh với tinh thần không bỏ sót trường hợp nguy cơ để đảm bảo việc phòng chống dịch, kiểm soát tốt dịch bệnh không để dịch lây lan ra cộng đồng.
 
“Do trên địa bàn huyện nhiều doanh nghiệp xe tải chở nông sản rau hoa cho các địa bàn Lâm Hà, Đơn Dương, do đó, cần phát cho tài xế sổ nhật ký và công an kiểm soát việc ghi nhật ký để phục vụ truy vết” - ông Cường đề xuất. 
 
Ông Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai cho biết: Lượng xe về tỉnh qua chốt kiểm soát Đạ Huoai đã giảm tương đối, chủ yếu lái xe hàng với 1.600 - 1.700 xe tải qua chốt. Cùng đó, chốt đã thực hiện 450 - 470 test nhanh SARS-CoV-2 mỗi ngày, phục vụ test nhanh cho 75 - 80% tài xế vào Lâm Đồng. Tuy nhiên, hiện tại anh em làm nhiệm vụ tại chốt đang rất vất vả.
 
Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Phần lớn các lái xe không nắm được các quy định của tỉnh, của ngành, do đó, Sở đã phát hành 10 ngàn tờ rơi cung cấp qua các chốt. Đa số các lái xe, phụ xe chưa có giấy xét nghiệm theo yêu cầu nên khi qua chốt Đa Huoai điều được xét nghiệm. 
 
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp báo cáo về tình hình phòng chống dịch trong vận tải hàng hóa
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp báo cáo về tình hình phòng chống dịch trong vận tải hàng hóa
 
Kích hoạt ngay các phương án chống dịch
 
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu chỉ đạo: Toàn tỉnh phải nâng cấp độ mới cao hơn nữa trong phòng chống dịch. Đề nghị kích hoạt ngay các phương án chống dịch. Trước mắt, chưa thành lập Sở chỉ huy phòng chống dịch nhưng chuẩn bị sẵn, từng ngành, từng huyện, đơn vị kích hoạt, xây dựng kế hoạch báo cáo ban chỉ đạo. Tính toán huy động tất cả các cơ sở có điều kiện để tiến hành cách ly. Từng huyện tiến hành khảo sát chủ động sẵn sàng cơ sở cách ly, để tạo điều kiện tốt nhất cho cách ly. Tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện để điều trị bệnh nhân, ít nhất là 2 trung tâm cấp cứu chuẩn bị tốt các điều kiện để có thể kích hoạt ngay. Nghiên cứu các giải pháp để động viên Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo toàn bộ nông sản lưu thông, tạo điều kiện tối đa phát triển kinh tế. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động phong trào toàn dân chống dịch. Yêu cầu các đồng chí Bí thư, các đồng chí trong Ban Thường vụ các cấp có trách nhiệm cao nhất trong phòng chống dịch; trong đó, đồng chí Bí thư chịu trách nhiệm khi để dịch xảy ra tại địa bàn. Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các huyện khảo sát nắm chắc tình hình hỗ trợ ngay, đảm bảo đúng đối tượng. Mong các đồng chí quyết tâm cao nhất để chiến thắng đại dịch.
 
Lãnh đạo các địa phương phát biểu
Lãnh đạo các địa phương phát biểu
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kết luận cuộc họp: Yêu cầu các huyện, thành phố tập trung cho việc chống dịch, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các huyện, thành linh hoạt, sáng tạo, chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên, hài hòa, hợp lý, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Ưu tiên dập dịch, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng nhanh chóng ổn định tình hình.
 
Từ kinh nghiệm huyện Đạ Tẻh khoanh vùng dập dịch nhanh, nên khi có dịch tại các địa phương khác đã có cách làm đúng. Tiến hành khoanh vùng 3 lớp, khoanh vùng chặt nơi có ca bệnh. 
 
UBND tỉnh đã thông qua gói hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19, các ngành, địa phương nghiên cứu cách làm như thế nào để đảm bảo công bằng, nhanh chóng để sự hỗ trợ đến với các đối tượng đúng quy định. 
 
Về vắc xin phòng Covid-19, vì Lâm Đồng không thuộc 4 vùng trọng điểm phân bổ ưu tiên vắc xin, nên đợt 3 Lâm Đồng chỉ được Bộ Y tế phân bổ 5.850 liều, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng phương án ưu tiên cho lực lượng lái xe tải, xe khách, taxi, sau đó là lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương phát động phong trào toàn dân phòng chống dịch Covid-19.
 
AN NHIÊN