Để an toàn khi học sinh bước vào cổng trường

05:07, 16/07/2021

"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" là câu khẩu hiệu thường có ở nhiều cổng trường học. Để được mong muốn đó, sự thân thiện của trường học cần có ngay từ cổng trường.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là câu khẩu hiệu thường có ở nhiều cổng trường học. Để được mong muốn đó, sự thân thiện của trường học cần có ngay từ cổng trường. 
 
Cổng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Đạ Tẻh đang được thi công nâng cấp
Cổng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Đạ Tẻh đang được thi công nâng cấp
 
Nhiều cổng trường không an toàn 
 
Tại một số địa phương trên đất nước đã xảy ra tình trạng đáng tiếc là học sinh bị thương vong do cổng trường, hàng rào sập. Bởi vậy, sự an toàn từ cổng trường, hàng rào nhà trường là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, nhất là trong dịp nghỉ hè phải khảo sát và tu bổ. Đối với tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1538 về tăng cường sự quản lý chất lượng công trình xây dựng (cổng, hàng rào…) và hạng mục tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của các trường học. Thực hiện tinh thần này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã phối hợp với các đơn vị GDĐT và trường học ở huyện, thành phố rà soát tại các trường học. Theo đó, toàn tỉnh có 142 đơn vị trường học có hạng mục công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bao gồm, 25 đơn vị trực thuộc Sở và 117 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện. Để gia cố, cải tạo, xây dựng lại phải có tổng nhu cầu kinh phí là 100.748 triệu đồng. 
 
Chúng tôi nêu lên một số hiện trạng cụ thể từ báo cáo thống kê của các cơ sở khảo sát trước tình trạng “không an toàn”. Đơn cử, Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Di Linh, trụ cổng đã xuống cấp; hàng rào có chiều dài 200 m xây dựng từ ngày thành lập trường (năm 2005) đã xuống cấp, một số trụ bị xói chân móng… Trường Mẫu giáo Sao Sáng 2, thành phố Bảo Lộc, cơ sở vật chất xây dựng hơn 20 năm nên đã xuống cấp, dầm, xà gồ bằng gỗ dài 4 m đã mục nguy cơ gãy đổ, nguy cơ mái bị đổ sập xuống. Tương tự những tình trạng trên, tại huyện Lâm Hà, có các trường như THCS Phúc Thọ, TH&THCS R’Teng, TH&THCS Cill Cus, Tiểu học Đinh Văn 3, Tiểu học Phúc Thọ 2; tại huyện Đạ Tẻh, có các trường như Tiểu học Quảng Trị, THCS Nguyễn Văn Trỗi, Tiểu học Mỹ Đức... 
 
Tình trạng nhẹ hơn, “nguy cơ mất an toàn”, “có dấu hiệu mất an toàn” thì cổng, tường rào hoặc taluy sụt lún móng, nghiêng. Đơn cử một số trường tại thành phố Đà Lạt: Tiểu học Trưng Vương, An Dương Vương, Cửu Long, Mê Linh, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt. Hoặc tại huyện Đơn Dương, hàng rào chưa có, hoặc xuống cấp nguy cơ mất an toàn cao khi mùa mưa đến tại một số trường THCS Lạc Xuân, Ka Đô, Kambutte… Các địa phương khác hiện trạng này cũng đang tồn tại tại một số trường. Thậm chí, tại Trường Mẫu giáo Họa Mi, huyện Đức Trọng, hàng rào ngăn cách (của Trường THPT Đức Trọng) bị nứt và đang có nguy cơ sập đổ, do đó nhà trường đã làm biển cảnh báo để phụ huynh, giáo viên và học sinh biết. Cũng ở địa phương này, tường rào và trụ xây bằng gạch từ năm 1993 đến nay hầu hết đã bị nứt, bung gạch, vữa mục không kết dính, kết cấu không còn liên kết tại Trường Tiểu học Kim Đồng. Chưa kể một số phòng học xuống cấp như móng dãy 18 phòng học và phòng học số 10, 18 bị sụt lún do nền đất yếu tại Trường THPT Phan Bội Châu, Di Linh hay Tiểu học Gia Viễn, THCS Gia Viễn, huyện Cát Tiên nền nhà sụt lún, dầm tường nứt…
 
Nỗ lực giành ngân sách của tỉnh
 
Thực trạng xuống cấp các hạng mục công trình liên quan trường học có nhiều nguyên nhân, hoặc đã xây dựng từ lâu, do kinh phí hạn hẹp và do tác động của thiên nhiên. Với nỗ lực chăm lo sự nghiệp giáo dục của tỉnh trên nhiều mặt, trong tổng số 142 đơn vị trường học có hạng mục công trình xuống cấp nêu trên, đã có những hạng mục ở một số trường học được đầu tư sửa chữa. Ví dụ, năm 2020, Trường Mầm non Sao Mai, huyện Lâm Hà và Tiểu học Tân Văn I đã đầu tư tổng kinh phí 450 triệu đồng/trường; hoặc Trường Mầm non Hoàng Anh, huyện Đức Trọng đã sửa chữa cổng, hàng rào 240 triệu đồng…; Trường Tiểu học Lộc Thành B, huyện Bảo Lâm đang xây dựng lại 25 m tường rào đã bị đổ hay Tiểu học Lộc Ngãi D đang sửa chữa cánh cổng phụ. Năm 2021, nhiều trường đã có kế hoạch đầu tư như THCS Phúc Thọ, Trường TH&THCS R’Teng, Tiểu học Tân Văn 3, Tiểu học Phúc Thọ II của huyện Lâm Hà với tổng mức 8 tỷ đồng/trường; Trường THCS Phước Cát, huyện Cát Tiên với tổng mức 1 tỷ đồng (bố trí vốn trong 2 năm).
 
Đối với huyện nông thôn mới Đức Trọng, đáng ghi nhận là trong 26 trường có thực trạng xuống cấp các hạng mục về cổng, hàng rào… một số trường đã tiến hành đầu tư sửa chữa năm 2020 hoặc đã trình kế hoạch đầu tư xây dựng mới năm 2021 bao gồm: Mầm non Hiệp Thạnh; Tiểu học Gan Reo, Tiểu học Nam Sơn, Tiểu học Nghĩa Hiệp, Tiểu học Ninh Loan. Một số trường khác Phòng GDĐT đang khảo sát đưa vào kế hoạch sửa chữa hàng năm hoặc kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Ông Thái Quốc Hoàn - Trưởng phòng GDĐT Đức Trọng cho biết: Sau khi huyện khảo sát và trình lên tỉnh, Sở Tài chính đã phân khai ngân sách về; Đức Trọng đang tích cực triển khai sửa chữa các hạng mục của các Trường Mầm non Họa Mi, Tiểu học Gan Reo, Tiểu học Nam Sơn, Tiểu học Nghĩa Hiệp, Tiểu học Ninh Loan trong hè năm 2021 này để kịp thời đưa vào sử dụng năm học mới 2021-2022. Đối với Trường Mầm non Hiệp Thạnh, huyện đang xúc tiến để xây mới ở vị trí khác để tránh lãng phí ngân sách. Ở huyện Di Linh, theo phản ánh từ địa phương này, 9 trường có một trong những hiện trạng cổng, hàng rào, trụ rào, nền đất “không an toàn”. Huyện dự kiến đưa vào sửa chữa năm 2021 với tổng mức đầu tư dự toán 4.857 triệu đồng. Trưởng phòng GDĐT huyện Di Linh Phan Đình Đồng cho biết: Trước hiện trạng của một số trường học như vậy, huyện đã làm văn bản trình tỉnh bố trí kinh phí để sửa chữa. Đến nay đang chờ ý kiến phê duyệt của tỉnh. Vấn đề xã hội hóa giáo dục trong việc xây dựng trường chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng càng cần thiết hơn lúc nào.
 
MINH ĐẠO