Phát huy mạnh mẽ Cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh'' trong thời điểm mới

05:07, 16/07/2021

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, nhưng để thực hiện tốt mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội"...

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, nhưng để thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Lâm Đồng tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng nhiều hình thức; qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhân ái, chung tay giúp đỡ nhau trong thời điểm này. 
 
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực
 
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả với nội dung và cách làm sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 101/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh); thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Đơn Dương đang thực hiện Đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; huyện Đức Trọng đang thực hiện Đề án huyện nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa; huyện Cát Tiên, huyện Lâm Hà đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Nổi bật là phong trào “Thi đua phát triển kinh tế” được Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ qua việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư sản xuất, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Ở vùng dân tộc thiểu số, đông đảo bà con tích cực thay đổi tập quán sản xuất, đầu tư cải tạo chăm sóc vườn hộ, sản xuất rau, hoa gắn với phát triển chăn nuôi, nhận khoán bảo vệ rừng. Điển hình như: mô hình “Tổ hùn vốn”, “Hòm vốn tiết kiệm”, “Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế”, “Nuôi heo đất tiết kiệm”… do Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh chủ trì vận động, hỗ trợ chị em tăng gia sản xuất, góp vốn xoay vòng để làm nhà, phát triển sản xuất; mô hình Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi; Tổ hợp tác nuôi tằm và tổ hợp tác trồng rau sạch, tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững tại ĐamBri, Bảo Lộc; mô hình tưới phun tự động trồng rau ở xã Tà Hine; mô hình làm nhà lưới trồng rau ở xã Tân Thành, huyện Đức Trọng; mô hình trồng dâu nuôi tằm, cây cà phê cao sản; vận động, hỗ trợ người dân liên kết tiêu thụ sản phẩm mới xã Mê Linh - Lâm Hà... nhằm phát triển, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân... 
 
Bên cạnh đó, phong trào “đoàn kết giúp đỡ các hộ nghèo” luôn được các hộ gia đình trong cộng đồng dân cư quan tâm thực hiện, qua việc trực tiếp huy động tiền, vật tư, ngày công lao động, giúp nhau vốn, cây, con giống, kinh nghiệm… cùng với chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành đã tiếp sức cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng, sửa chữa nhà ở, phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo điều kiện để giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,67% năm 2015 xuống còn 1,35% năm 2020, (bình quân giảm 1,0%/năm); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 19,11% xuống còn khoảng 4,8%, (bình quân giảm 2,9%/năm).
 
Đến cuối năm 2020, có 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 95% thôn, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 90% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là 87,5% và có 98% cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
 
Đặc biệt, hoạt động cứu trợ, nhân đạo từ thiện thường xuyên được Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm triển khai, thực hiện; truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” phát huy hiệu quả; phong trào đóng góp ủng hộ Qũy vì người nghèo, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ cứu trợ, Quỹ phòng, chống dịch COVID được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực.
 
Từ năm 2016 đến ngày 3/6/2021, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động Nhân dân đóng góp trên 55 tỷ đồng vào Quỹ vì người nghèo, kịp thời hỗ trợ người nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ giống, vốn, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo; vận động Quỹ cứu trợ được trên 16,6 tỷ đồng giúp đỡ đồng bào trong và ngoài tỉnh, góp phần khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống; kêu gọi Nhân dân đóng góp hơn 27,3 tỷ đồng ủng hộ Quỹ hỗ trợ phòng, chống COVID-19 của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, các huyện, thành phố vận động 196 tấn gạo và các nhu yếu phẩm giúp đỡ các gia đình khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Chương trình an sinh xã hội cấp tỉnh, cấp huyện vận động được trên 104 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thông qua Chương trình Tết cho người nghèo và các hộ đặc biệt cảnh khó khăn (Bảo Lâm); Bếp ăn từ thiện, Bếp ăn tình thương của Đạ Tẻh, Đức Trọng… 
 
Năm 2020, có 511 khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư tiêu biểu và 261 khu dân cư tiêu biểu được MTTQ cấp huyện thẩm định công nhận, khen thưởng và 79 khu dân cư kiểu mẫu được MTTQ tỉnh thẩm định, công nhận, khen thưởng. Năm 2021, toàn tỉnh có 461 khu dân cư đăng ký xây dựng Khu dân cư tiêu biểu và 279 khu dân cư đăng ký xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu. Việc xây dựng Khu dân cư tiêu biểu, Khu dân cư kiểu mẫu đã được đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ các huyện, thành phố trong tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Cuộc vận động được các cấp, các ngành, tổ chức quan tâm phối hợp thực hiện và từng bước trở thành phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong Nhân dân. Nội dung cuộc vận động thiết thực, cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, giải quyết được nhu cầu đối với cuộc sống ở cộng đồng dân cư nên được các tầng lớp nhân dân đồng tình tham gia thực hiện. Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa rộng lớn, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, mang lại nhiều đổi thay tích cực, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất của Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
NGUYỆT THU