Cơ hội khi xếp hạng tín nhiệm tăng

05:07, 16/07/2021

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm là S&P, Fitch và Moody's đồng loạt nâng triển vọng lên "Tích cực"...

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm là S&P, Fitch và Moody’s đồng loạt nâng triển vọng lên “Tích cực”. Đó là sự ghi nhận về thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng và cải cách liên tục trong khâu hoạch định chính sách của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID -19 vẫn đang tiếp tục gây tác động toàn cầu, đang mở ra nhiều cơ hội cho định hướng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. 
 
Một trong những lợi thế khi có xếp hạng tín nhiệm tốt là thu hút các nguồn vốn đầu tư nhiều hơn
Một trong những lợi thế khi có xếp hạng tín nhiệm tốt là thu hút các nguồn vốn đầu tư nhiều hơn
 
Đồng loạt nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam 
 
Ngày 21/5/2021, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. S&P đánh giá: Với mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ để kiềm chế dịch COVID-19 trong nước, giữ vị thế điểm đến hàng đầu Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc. 
 
Ngày 1/4/2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB và nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”, với nhận định về khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, Fitch Ratings ghi nhận các thành quả về tài khóa, nợ công của Việt Nam, thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát nhanh chóng dịch COVID-19, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm sớm hồi phục hoạt động kinh tế - xã hội. Kết quả vượt bậc của Việt Nam có được còn nhờ vào nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, vị thế tài chính đối ngoại tiếp tục được tăng cường từ kết quả tài khoản vãng lai thặng dư liên tục và dự trữ ngoại hối tăng.
 
Trước đó, ngày 18/3, tổ chức Moody’s (Moody’s Investors Service) đã thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba (từ năm 2018) đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh tăng triển vọng lên “Tích cực”. Đây cũng là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới; đồng thời, giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế có cơ hội phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách, cũng như vị thế đối ngoại được tăng cường nhờ khả năng hội nhập quốc tế vào chuỗi cung ứng châu Á.
 
Xu hướng sử dụng xếp hạng tín nhiệm và cơ hội 
 
Xếp hạng tín nhiệm tích cực khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc quyết tâm cao, điều hành quyết liệt để thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đặt mục tiêu đa dạng hóa địa điểm sản xuất tại châu Á, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI nhờ chi phí lao động cạnh tranh, ổn định chính trị và các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư. 
 
Hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung. Thông qua việc xác định hệ số tín nhiệm, nhà đầu tư có thêm thông tin để đánh giá khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của đối tượng được định mức tín nhiệm, của sản phẩm tài chính được định mức tín nhiệm, cũng như những rủi ro có liên quan. Các báo cáo tài chính chỉ giúp đánh giá về doanh nghiệp trong ngắn hạn, trong khi xếp hạng tín nhiệm sẽ mang lại cái nhìn bao quát về dài hạn đối với doanh nghiệp đó. 
 
Hiện nay, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam được đánh giá là còn rất hạn chế. Nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm. Do vậy, các giải pháp thúc đẩy hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm là một trong những nội dung quan trọng sẽ được ngành Tài chính xác định tập trung thực hiện trong thời gian tới; ngoài ra, còn là cơ sở để các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; đồng thời, là việc làm cần thiết để hướng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam tiệm cận với chuẩn quốc tế, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn của Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
 
Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu gắn các quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm với các quy định về phân loại, tiêu chí đầu tư đối với một số tổ chức tài chính đặc thù, hoặc sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi tính các chỉ tiêu an toàn vốn, tài sản của các tổ chức trên thị trường tài chính. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu, hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm trên thị trường; cũng là lợi thế cho các doanh nghiệp tự khẳng định uy tín của mình và đón được nhiều cơ hội đầu tư…
 
LÊ HOA