Chứng nhân trong chiến thắng lịch sử Phai Khắt, Nà Ngần

09:09, 02/09/2015

Trận Phai Khắt và Nà Ngần là 2 trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, mở đầu cho truyền thống "bách chiến bách thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong 2 trận đánh địch đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, không thể không nhắc đến chàng trai dân tộc Tày Tô Đình Cắm, 1 trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tuyên thệ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê hương cách mạng Cao Bằng.

Trận Phai Khắt và Nà Ngần là 2 trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, mở đầu cho truyền thống “bách chiến bách thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong 2 trận đánh địch đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, không thể không nhắc đến chàng trai dân tộc Tày Tô Đình Cắm, 1 trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tuyên thệ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê hương cách mạng Cao Bằng.
 
Ông Tô Đình Cắm
Ông Tô Đình Cắm

Theo cựu chiến binh Tô Đình Cắm (93 tuổi, tổ dân phố 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh), người được cử đảm nhiệm điều tra nắm tình hình thực địa và hoạt động của đồn lúc bấy giờ, do là ra quân trận đầu, nên đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã rất thận trọng, điều tra nắm bắt tình hình, phân tích kỹ lưỡng những khó khăn, thuận lợi cũng như bàn bạc kỹ cách đánh, rồi nhất trí với phương án đánh tập kích Đồn Phai Khắt trước, sau đó tiến đánh Đồn Nà Ngần.
 
5 giờ chiều ngày 25/12/1944, các đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đóng giả lính khố xanh, chia thành 2 tiểu đội do đồng chí Thu Sơn đóng giả “Đội sếp” dẫn đầu tiến vào bản, trình “Giấy đi tuần” cho lính gác cổng, bất ngờ tập kích bắt sống 17 lính trong Đồn Phai Khắt và 1 viên cai. Đúng lúc đó, Đồn trưởng người Pháp từ châu lỵ Nguyên Bình trở về đồn cùng vài binh lính đi theo không mang súng cũng bị ta tiêu diệt. 
 
Cựu binh Tô Đình Cắm cho rằng, chọn đánh Đồn Phai Khắt đầu tiên là quyết định vô cùng sáng suốt để đảm bảo chắc thắng trận đầu. Bởi, Phai Khắt rất gần nơi hoạt động của ta, nhưng lại xa tỉnh lỵ, huyện lỵ và tỉnh lộ. Từ đỉnh Slam Cao, chúng ta có thể dễ dàng quan sát được tình hình hoạt động của đồn.
 
Hạ xong Đồn Phai Khắt, đêm 25/12/1944, các đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân bí mật luồn rừng đến vị trí tập kết tại xã Cẩm Lý (nay là xã Hoa Thám), cách Phai Khắt 15 cây số, chuẩn bị tấn công Đồn Nà Ngần. Sáng ngày 26/12/1944, vận dụng lối đánh của trận Phai Khắt, một số đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cải trang thành lính dõng và lính tập, dùng trang phục của lính Pháp mới lấy được ở Phai Khắt tiến vào bắn chết 4 người và bắt sống số còn lại. Sau đó, các đội viên đã rút khỏi đồn, mang theo nhiều chiến lợi phẩm.
 
Sau khi cùng các đồng đội của mình giành chiến thắng trong trận đánh ở Phai Khắt và Nà Ngần, Tô Đình Cắm về công tác ở huyện Nguyên Bình và Ngân Sơn. Tháng 1 năm 1945, chiến sỹ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân Tô Đình Cắm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. (Tuy nhiên, năm 1954, rời quân ngũ về lại địa phương, ông không chuyển sinh hoạt Đảng, nên ngày 11 tháng 1 năm 1969, ông được kết nạp lại). Tháng 8 năm 1945, Tô Đình Cắm có mặt trong lớp lớp người tiến vào giải phóng tỉnh Bắc Kạn để rồi sau đó một tháng (vào tháng 9), ông theo đoàn quân Nam tiến, tới Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Tháng 6 năm 1946, trong 1 trận đánh, ông bị thương ở chân. Sau khi điều trị vết thương, ông được chuyển ra Quảng Nam rồi trở về Cao Bằng. Tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, ông xung phong tái ngũ và được bổ nhiệm Trung Đội trưởng Trung đội Pháo binh. Năm 1950, Tô Đình Cắm góp mặt trong trận đánh Đông Khê của Chiến dịch Biên giới và bị thương ở vai. Năm 1951, ông kết hôn với bà Đồng Thị Hiển (sinh năm 1926) cũng người dân tộc Tày và sinh được 7 người con. Bà Đồng Thị Hiển cùng tham gia vào Việt Minh từ rất sớm (năm 1943). Năm 1954, ta thắng trận Điện Biên, hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông Tô Đình Cắm giải ngũ về quê. Trong thời gian này, ông tích cực công tác xã hội tại địa phương (thôn trưởng, đội trưởng hợp tác xã) và luôn hoàn thành tốt các trọng trách được giao. Năm 1992, lúc đã tròn 70 tuổi, do cuộc sống còn bộn bề khó khăn, ông Tô Đình Cắm rời Cao Bằng, dẫn vợ và 4 người con chuyển vào Đạ Tẻh lập nghiệp. 
 
Ông Tô Đình Cắm đã trải qua gần trọn một cuộc đời đầy oai phong, nhưng cũng không kém phần “lận đận”. Xấp xỉ 7 thập kỷ sau lần bị thương ở trận địa Rạch Giá (năm 1946) và mặt trận Đông Khê (năm 1950), vì lý do thất lạc giấy tờ mãi tận đến dịp 27/7/2013, người cựu binh đã bước sang tuổi 91 (năm 2013) mới được công nhận là thương binh. Hiện tại, ông là chứng nhân duy nhất còn sống của chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần và là người đội viên còn lại cuối cùng của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Có thể nói, với ông Tô Đình Cắm, thời gian tại ngũ chiến đấu không nhiều, nhưng thật đáng để người đời tôn trọng, tự hào. Bởi ông là 1 trong 34 đội viên đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, được người “anh cả” của Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dìu dắt, giúp đỡ hoạt động từ buổi cách mạng còn trong trứng nước.
 
TRỊNH CHU