Ký ức không phai về những ngày Tết độc lập

09:09, 02/09/2015

Mỗi năm một lần, cứ đến gần ngày 2/9 trong tôi ký ức về những ngày "Tết độc lập" đã qua lại ùa về, đó là hình ảnh lá cờ Tổ quốc, Quảng trường Ba Đình và Bác Hồ.

Mỗi năm một lần, cứ đến gần ngày 2/9 trong tôi ký ức về những ngày “Tết độc lập” đã qua lại ùa về, đó là hình ảnh lá cờ Tổ quốc, Quảng trường Ba Đình và Bác Hồ.
 
Tôi là thế hệ sinh ra khi đất nước đã hòa bình thống nhất, nhưng ký ức về những ngày “Tết độc lập” gắn với tuổi thơ tôi thì không thể phai mờ. Hồi bé, cứ đến ngày 2/9, khi lá cờ đỏ sao vàng treo lên ở cổng đình làng là bọn trẻ chúng tôi náo nức, rộn ràng. Hình thành trong tâm thức tôi, đó là một ngày hết sức trang trọng của cả làng cả xã, và rất nhiều người nữa. Quê tôi ở ven sông Hồng là một làng thuần nông, nhưng đến ngày 2/9 không ai ra đồng, ra bãi. Ngày hôm đó, tôi được mẹ cho mặc luôn bộ quần áo đẹp và dặn dò “Ngày Tết độc lập, con có chạy chơi cũng đừng nghịch bẩn”. Đám trẻ chúng tôi tung tăng, hết chạy ra gốc đa đầu làng ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay, lại chạy về xem mẹ làm bánh. Tất cả những nông sản do chính mẹ trồng, cấy như gạo nếp, đậu xanh, hành... dưới đôi tay khéo léo của mẹ đã hòa thành những chiếc bánh thơm ngon. Nhìn mẹ bày biện, tôi thấy hết sự trang trọng. Khi đĩa bánh xếp ngay ngắn còn bốc khói được đặt lên bàn thờ, nơi có treo ảnh Bác Hồ, tôi lặng đi trong giây phút ấy và quên nỗi mong chờ được ăn bánh.
 
Bố tôi là một người yêu ca hát, tôi không thể quên, cứ vào những ngày này được nghỉ làm công sở ở nhà, bố tôi thường đi ra đi vào sửa sang lại cái chuồng gà, phát quang bờ rào cúc tần, vừa làm vừa hát “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi, vì nhân dân quên mình…”, “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi. Ra đi ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thề chết chớ lui…”, “Mùa thu rồi, ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến, rền khắp trời, lời hoan hô dân phương Nam nhịp chân tiến lên trận tiền…”. Những lời ca hào hùng ấy như một sức truyền cảm lớn, in đậm trong tâm trí tôi và tôi thuộc lúc nào không hay.
 
Nhớ sáng 2/9 năm ấy, khi tôi 9 tuổi, biết tôi đã có ký ức, bố gọi tôi dậy sớm để đi “Viếng Lăng Bác cho kịp”. Thật bất ngờ, cả hai bố con chỉnh tề trong bộ quần áo đẹp nhất. Quê tôi cách Hà Nội gần 50 cây số, chiếc xe đạp cũ đưa 2 bố con tôi theo Quốc lộ 32 Trung Hà - Hà Nội, vừa đi bố tôi vừa kể chuyện xa xưa, chuyện nạn đói năm 45. Hai bên đường đồng lúa xanh ngắt đang trổ đòng lấm tấm hoa phấn trắng, hai hàng phi lao gió thổi ù ù, tôi nghe tiếng được tiếng mất, bố tôi vừa thong thả đạp xe vừa kể, những câu chuyện bố được nghe ông nội tôi kể, vì bố tôi cũng là người sinh sau năm 1945... Hà Nội rợp cờ hoa, mới 8 giờ sáng, nắng vàng mùa thu chan hòa chiếu sáng rực rỡ. Niềm vui náo nức khiến có lúc tôi như nín thở. Bố gửi xe, rồi hai bố con tôi đi bộ qua phố Một Cột, Quảng trường Ba Đình hiện ra trang nghiêm, ai cũng trật tự, thành kính xếp hàng vào Lăng viếng Bác, bố dắt tôi đứng vào hàng, thời gian như ngừng trôi, tôi nhìn hết lượt mọi người như muốn khắc ghi từng khoảnh khắc...
 
Tuổi thơ tôi, ngoài mong chờ đến ngày Tết Trung thu, Tết cổ truyền, tôi vẫn luôn mong chờ đến Tết độc lập, Tết thống nhất. Ngày đó, chúng tôi được ăn những món ngon mẹ nấu, được mặc đẹp, chộn rộn trong lòng khi ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay ở đình làng, được sống trong không khí rộn ràng náo nức của một làng quê vốn yên bình, được nghe bố tôi kể rất nhiều chuyện và lắng nghe bố tôi hát. Chưa trưởng thành, tôi đã cùng gia đình vào phương Nam sinh sống. Càng ngày tôi càng hiểu hết những lời bố tôi nói khi đi thăm Lăng Bác, càng hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất. Đó là máu xương của lớp lớp thế hệ cha anh “nguyện đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy” như lời Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập năm xưa, để chúng tôi được hưởng những ngày tháng trọn vẹn, không mất mát đau thương, không chia ly, được sống trong một đất nước tự do, độc lập, thống nhất như hôm nay.
 
Tôi vẫn có thói quen gọi ngày 2/9 là “Tết độc lập”, ngày 30/4 là “Tết thống nhất”. Cách gọi thiêng liêng ấy được truyền cho các con tôi. Những ngày Tết đặc biệt này, tôi cũng dành thời gian cho các con, đưa chúng dạo chơi, kể cho chúng nghe những câu chuyện bố tôi đã kể... Tết 2015 vừa qua, tôi có dịp đưa con về thăm quê, điểm đầu tiên tôi đến là Lăng Bác. Tôi cũng đưa các con đi qua những nơi ngày xưa bố tôi đã đưa tôi qua. Nhà sàn giản dị, ao cá, Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ hàng chục ngàn hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người. Vào đúng những ngày xuân, rất nhiều người vẫn vào lăng viếng. Tôi chỉ ra Quảng trường Ba Đình và nói với con tôi (những điều bố tôi từng nói): Cách đây 70 năm, ở quảng trường rộng lớn kia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam từ vị trí nô lệ lên vị thế của người làm chủ. Không biết con tôi có hiểu hết ý nghĩa những lời tôi nói không, nhưng nhìn những dòng người, các con tôi đều hiểu nơi đây rất đỗi thiêng liêng, ngày 2/9 là ngày vô cùng trọng đại. Lịch sử của một dân tộc là giá trị bất biến, luôn tồn tại như dòng tuôn chảy trong lòng người từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
THÁI AN