Đọc và khoảng cách đọc

06:03, 14/03/2022
Sách thực sự là khu du lịch sinh thái, viện bảo tàng, lớp học gần nhất mà bạn có thể vào ra nhiều lần miễn phí. Nếu thức ăn giúp chúng ta thêm sự cường tráng về thể chất thì sách giúp chúng ta tăng sự phong phú, vững chãi trong tâm hồn.
 
Những cuốn sách đặc sắc vừa được đạt giải dịch thuật năm 2021.
Những cuốn sách đặc sắc vừa được đạt giải dịch thuật năm 2021.
 
•  TỪ “... ĐỌC SÁCH NHƯ NHÌN TRĂNG...”
 
Đọc sách thật quan trọng và điều này đã được nhà văn của Trung Quốc - Lâm Ngữ Đường khẳng định “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ lá, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài”. Có thể nói qua cách nhìn của nhà văn Trung Quốc, việc đọc sách sẽ giúp người ta chạm đến thế giới lung linh và huyền ảo, thế giới của say mê, của những niềm hứng khởi. Điều này quả thật đúng. Bạn đọc sẽ khó lòng sao nhãng với “Totto - Chan bên cửa sổ” ngay từ những trang đầu tiên, bởi ở đó người ta như thấy lại những khoảnh khắc tuổi hồng tươi đẹp của chính mình, người ta nhận ra nền giáo dục hiện đại và nhân bản và đặc biệt những trang sách của Tetsuko Kuroyanagi sẽ đánh thức trong chúng ta về lòng tự tôn, giá trị làm người đáng trân quý. Giới trẻ, nhất là những người gắn với ngành nghề kinh tế hẳn sẽ bị cuốn hút với những bài học và kĩ năng vô cùng quý báu trong cuốn “Trên đỉnh phố Wall” dày hơn 1.000 trang của Peter Lynch. Những người đam mê lịch sử nhân loại sẽ thấy được những khám phá mới, thú vị về phương Tây qua cách mà sử gia Niall Ferguson (một trong một trăm người được tạp chí Time bình chọn có ảnh hường nhất thế giới năm 2004) trả lời câu hỏi mà ông đã đặt ra trong cuốn sách “Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới” của ông. Những bạn trẻ yêu văn học có thể say sưa với những gì là bình dị, tươi sáng và đằm thắm về những kỉ niệm êm đềm của tuổi thơ qua không gian làng quê trong những trang viết “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh. Thật là bao la, đa thanh, đa sắc. Có thể nói, đọc sách sẽ giúp ta sống chứ không phải tồn tại. Tuy nhiên, qua phát biểu trên, nhà văn người Trung Quốc cũng xác lập và nhắn nhủ về khả năng đón nhận của người đọc. Đầu tiên, “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ lá” đó là lối đọc sách chủ yếu là mường tượng, chưa thấy được sự trọn vẹn của sách, người đọc còn bé nhỏ, thụ động; tiếp theo “lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân” hành động đọc này giúp độc giả nhìn rộng hơn, thấy được cái chính của sách nhưng vẫn chưa làm bật ra được những “chân trời chờ đợi” mà tác giả đã cất giấu trong sách và cuối cùng “tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài”, đó là lối đọc mang tâm thế ung dung, chủ động, người đọc hiểu được những vấn đề chính từ bề mặt ngôn ngữ cũng như lĩnh hội được những “ý tại ngôn ngoại”, những vẻ đep của sách. Điều này có lẽ là chân lý của nhiều thời. Nhưng, chúng tôi cho rằng, nếu đọc sách mà chờ đến “tuổi già” mới có thể thưởng thức được thì liệu có trễ quá chăng! Với người trẻ Việt, muốn thưởng sách ở tuổi ô mai liệu có quá khó không? Những con đường nào giúp họ rút ngắn được khoảng cách này? 
 
  ... ĐẾN CÁCH THỨC THU HẸP GIỮA “NHÌN - NGẮM VÀ THƯỞNG TRĂNG”
 
Sách là ngoại giới của tâm hồn lẫn nhận thức con người, bởi thế trang bị phương pháp đọc sách hiệu quả là rất cần thiết. Qua một số thực nghiệm về đọc hiểu ở một số đối tượng, chúng tôi thấy rằng, muốn đọc hiệu quả, muốn rút ngắn khoảng cách được giữa “nhìn” và “thưởng”, người đọc, nhất là các bạn trẻ cần chú ý những điểm sau. Trước nhất, người đọc cần hướng bản thân đến cách đọc chủ động, tích cực. Muốn vậy người đọc cần xác định mục đích đọc rõ ràng (đọc để giải trí, nghiên cứu hay nâng cao hiểu biết...) tức là trả lời câu hỏi “Tôi đọc cuốn sách này để làm gì?”, biết huy động tri thức nền (những hiểu biết cá nhân) có liên quan đến cuốn sách mà mình cần đọc, biết cách giải nghĩa hoặc tìm nguồn giải nghĩa những từ khó, thuật ngữ chuyên sâu, biết cách kiểm soát việc đọc bằng việc trả lời câu hỏi “Việc đọc của tôi đúng hướng không, đạt được mục tiêu chưa?”. Thiết nghĩ, nếu người đọc không làm tốt khâu này thì khi đọc sách, họ giống như hành khách đón xe đường dài mà không hề đặt chỗ trước: không may mắn thì sẽ gặp phải xe dù, nhồi nhét, phản cảm. 
 
Tiếp đến, người đọc phải có những chiến thuật đọc cụ thể, khoa học như: chiến thuật ghi chú những điểm sáng (Take notes) và lựa chọn những điểm sáng nhất phù hợp với mục tiêu đọc của bản thân; chiến thuật định hình tổng quan văn bản (nắm về thể loại, tác giả, lời giới thiệu, thời đại...); chiến thuật xác lập mối quan hệ nội tại và ngoại vy của cuốn sách; chiến thuật đặt câu hỏi có tính tịnh tiến từ nhận biết, hiểu, suy luận, phản biện và sáng tạo để khám phá chủ đề và giá trị của cuốn sách và cuối cùng là chiến thuật tổng hợp khái quát những gì đã đã đọc để tránh rối rắm và suy diễn. Với hệ thống chiến thuật này, người đọc sách sẽ không chỉ nắm chắc được chủ đề, ý nghĩa mà còn tạo nên tâm thái chủ động: sách có thể có những bất ngờ lớn nhưng họ sẽ từ tốn đón nhận, sách có thể bật ra niềm vui cực đại nhưng họ sẽ kiểm soát để không vui quá, nỗi buồn có thể tràn ra từ sách nhưng họ làm chủ được cảm xúc của mình.
 
Chưa năm nào mà văn hóa đọc lại nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành ở tỉnh Lâm Đồng như năm nay. Từ công văn 9576/UBND-VX4 của UBND tỉnh đến Kế hoạch số 16/KH-STTTT và Kế hoạch số 301/SGDĐT của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, tất cả đều cho thấy sự quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách. 
 
Đọc sách không chú việc giàu có, không chú vị trí xã hội mà nó phụ thuộc nhiều sự siêng năng, kiên trì, vì thế đọc sách là con đường công bằng nhất có thể giúp mọi người vươn tới những nấc thang mới. Bước vào đọc một cuốn sách của một tác giả lớn - xa xôi, ta như vừa mới bắt tay với họ rồi sau đó cùng ngồi vào bàn trao đổi những ý tưởng, trải nghiệm những sắc màu của không gian, thậm chí chứng kiến những tịnh chuyển của thể chế cùng tác giả. Vì thế đọc sách và thu hẹp khoảng cách giữa “nhìn” và “thưởng” là điều có thể và rất cần thiết.
 
LÂM AN