Thăng trầm nghề, làng nghề truyền thống (kỳ 1)

04:07, 13/07/2021

Nghề truyền thống mang theo những nét đẹp văn hóa của người dân địa phương, là sự hun đúc nghệ thuật, tính khéo léo, nét tài hoa từ bao đời của đồng bào bản địa...

[links()]
Nghề truyền thống mang theo những nét đẹp văn hóa của người dân địa phương, là sự hun đúc nghệ thuật, tính khéo léo, nét tài hoa từ bao đời của đồng bào bản địa. Nghề, làng nghề vùng dân tộc thiểu số với những đặc điểm riêng có, giữa dòng chảy hiện đại vẫn còn biết bao trăn trở để “giữ lửa” cho nghề... 
 
Kỳ 1: Những thanh âm buồn
 
Lưu giữ được nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để tạo nên nét riêng biệt về bản sắc văn hóa các dân tộc anh em trên dải đất Nam Tây nguyên là điều hết sức trân quý. Nhiều người làm nghề truyền thống đã cố công truyền dạy, nhẫn nại theo nghề nhưng vẫn còn bộn bề lo lắng, ưu tư.
 
Ya Tuất và chị vợ Ma Wêl âm thầm nhằm lưu giữ một nghề truyền thống
Ya Tuất và chị vợ Ma Wêl âm thầm nhằm lưu giữ một nghề truyền thống
 
Nỗi niềm nhẫn vợ, nhẫn chồng 
 
Nhiều năm về trước, Ya Tuất rất nổi tiếng trên các trang báo, thậm chí được chương trình VTV8 của Đài Truyền hình Việt Nam làm riêng một chương trình về người duy nhất làm nhẫn bạc tại Lâm Đồng. Càng vinh dự, càng tự hào về truyền thống của đồng bào mình bao nhiêu thì nỗi niềm về việc “giữ lửa làng nghề” lại làm anh trĩu buồn đến bấy nhiêu. Nhẫn bạc của anh làm ra ngày càng sáng, càng bóng nhưng mong mỏi có được “truyền nhân” thì ngược lại, ngày càng xám xịt hơn.
 
Cách đây chừng 5 năm, khi đó tôi cùng một cô bạn đồng nghiệp ghé thăm nhà của Ya Tuất tại thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, Đơn Dương. Đầu tháng 6/2021, tôi lại tìm về người làm nhẫn bạc duy nhất của đồng bào Chu Ru để hàn huyên. Ya Tuất không mấy thay đổi, cửa tiệm nhỏ vẫn he hé mở cửa làm những chiếc nhẫn ánh lên bởi nắng sớm. 
 
Ya Tuất đùa: “Nguyễn Y Vân”, nghĩa là vẫn y nguyên như ngày chú tới thăm anh. Chỉ có điều vợ chồng tôi đã thêm tuổi, còn nghề vẫn vậy, hai vợ chồng tranh thủ làm để kiếm đồng ra đồng vào thôi. “Còn học trò thì sao? Học trò mà anh dạy nghề năm 2014 đó?”, tôi hỏi.
 
Học thì mười mấy người, làm được nghề thì có 7 người: Ya Đuốc, Ya Đoác, Ya Đôi, Ya Thông, Ma Joan, Ma Nhuân, Ma Biểu; đều ở cùng thôn. Mà khó khăn là quá trình dạy nghề hơi ngắn nên mỗi học viên chỉ làm được một công đoạn thôi, chứ không ai có khả năng hoàn thành một chiếc hay một cặp nhẫn vợ, nhẫn chồng. Nhưng muốn gặp học trò của tôi khó lắm, phải tối trời kia, vì chúng đi làm thuê, làm mướn cho mấy nhà vườn cả rồi. Bỗng dưng điện thoại gọi về thì chủ vườn không đồng ý đâu. 
 
Chỉ vào thời điểm mùa cưới của đồng bào Chu Ru, Ya Tuất mới gọi thêm học trò để phụ giúp cho các công đoạn, đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giao hàng. Còn ngày thường, hai vợ chồng Ya Tuất và Ma Wêl cứ túc tắc làm, ai mua thì bán, ai đổi nông sản, heo gà cũng được, không thì cho chúng yên vị vào chiếc tủ gương đặt ở quầy nhà. 
 
Nét riêng độc đáo của việc làm nhẫn bạc thủ công của Ya Tuất đã nằm trong nhiều lịch trình du lịch của một số đơn vị tổ chức tour du lịch. Đường vào nhà Ya Tuất hơi xa với du khách nên được sự hỗ trợ của các ban, ngành, chính quyền địa phương giúp anh có một gian nhà trưng bày nhưng gian nhà chỉ nhỏ như ki ốt và không có điện, không có nước. Chiếc tủ kính trưng bày sản phẩm dù đã được bê lên đặt ở nhà trưng bày, nhưng sau đó lại phải huy động anh em con cháu bưng về vì không thể giới thiệu sản phẩm và công đoạn chế tác trong không gian mười mấy mét vuông. Ya Tuất tâm sự: Làm được chiếc nhẫn phải qua nhiều công đoạn: lửa đun, bạc chảy, vào khuôn; mà một gian phòng nhỏ thì làm sao có thể làm được các công đoạn, làm sao trình diễn kỹ thuật cho du khách xem được. Cuối cùng đành chấp nhận mang về nhà, ai biết thì tìm đến nhà xem. 
 
Cuối cùng, anh Ya Tuất và chị vợ Ma Wêl đành âm thầm như đôi nhẫn vợ, nhẫn chồng của người Chu Ru để cố công lưu giữ một nghề truyền thống được xem là “độc nhất vô nhị” và theo đánh giá là có nguy cơ thất truyền.
 
Bà Lê Thị Hồng Nhung - Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra cho biết, hiện nay ở xã chỉ còn Ya Tuất là người duy nhất làm nhẫn bạc của người Chu Ru nhưng cũng không làm được thường xuyên vì nhu cầu của người sử dụng ngày càng giảm xuống, mặt khác việc làm hoàn toàn bằng thủ công khó có thể cạnh tranh được với các cơ sở làm bạc khác ở thị trường. Do đó, người được học nghề cũng không mấy mặn mà với công việc vì căn bản họ không có thu nhập để trang trải cuộc sống. 
 
Tháo khung cửi, đi làm thuê
 
Làng Gà, (thôn Đarahoa, xã Hiệp An, Đức Trọng) đã nổi tiếng từ lâu với hình ảnh một chú gà trống oai hùng đứng ngay giữa làng. Nơi đây, nghệ nhân K’Đông đã từng ngày đêm dệt vải, quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình đến bạn bè, khách du lịch trong và ngoài nước. Chị cũng là người trực tiếp giảng dạy nghề dệt truyền thống cho dân làng và cả các lớp do huyện Đức Trọng tổ chức. 
 
Hành trình đến với Làng Gà trong những ngày này vắng vẻ, cô đơn hơn vì đã không còn tiếng dệt vải kẽo kẹt của nghệ nhân K’Đông. Khung cửi đã tháo, thổ cẩm cất vào ngôi nhà phía sau, còn nghệ nhân thì đi tỉnh khác để làm thuê.
 
Chồng của K’Đông, anh Phong nói với khách rằng anh đến hơi muộn rồi, chị đã đi tỉnh khác làm cả năm nay. Có gì anh cho chú số điện thoại để liên lạc, còn muốn xem khung cửi, thổ cẩm thì vào nhà. Anh Phong, chồng chị K’Đông cũng là một người đam mê du lịch cộng đồng, phát triển nghề truyền thống của đồng bào DTTS, anh đã đầu tư cho vợ làm du lịch như cải tạo nhà cửa làm homestay để du khách ở lại, trồng thêm cây cảnh, trang trí khuôn viên, mua thêm bàn ghế để chị K’Đông giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, để tăng thu nhập cho gia đình, anh đã trồng thêm vài vạt mía ở vườn nhà, đầu tư hẳn một máy ép nước mía đặt ngay bên khung cửi dệt vải để du khách có thể ngồi lâu hơn một chút. Nhưng rồi, đâu lại vào đó; du khách ngày càng thưa dần, vắng bóng và kết quả là phải đóng cửa, tháo khung cửi cất đi kẻo sợ mưa nắng, mối mọt. 
 
Năm 2019, UBND xã Hiệp An xây dựng kế hoạch khôi phục Làng Gà trong hành trình du lịch và trình các cấp, ban, ngành công nhận là tượng gà lớn nhất Việt Nam. Khi đó, nhiều người đã bỏ tiền và công sức làm du lịch cộng đồng ở Làng Gà tràn đầy hi vọng có thể khôi phục, nhưng đến nay, cả trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Làng Gà vẫn không khởi sắc hơn lúc trước. 
 
(CÒN NỮA) 
 
ĐỨC TÚ