Giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính ở Đam Rông

05:07, 08/07/2021

Từ năm 2018 đến năm 2020, ba năm liên tục Đam Rông là địa phương đứng cuối cùng trong toàn tỉnh về thực hiện cải cách hành chính...

Từ năm 2018 đến năm 2020, ba năm liên tục Đam Rông là địa phương đứng cuối cùng trong toàn tỉnh về thực hiện cải cách hành chính (CCHC). Đây thực sự là vấn đề lớn đòi hỏi hệ thống chính trị của Đam Rông cần thẳng thắn nhìn nhận và tìm ra lời giải.
 
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính ở Đam Rông
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính ở Đam Rông
 
Trao đổi với chúng tôi về việc thực hiện công tác CCHC trên địa bàn, ông Đinh Huy Thắng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Đam Rông cho biết: Hiện nay UBND huyện có 27 cơ quan, đơn vị (13 cơ quan chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp và 8 đơn vị cấp xã) sử dụng chứng thư số cơ quan; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản hộp thư điện tử công vụ, 100% các cơ quan cấp huyện, UBND các xã sử dụng tốt phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số chuyên dùng, thư điện tử công vụ. Việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 được thực hiện tại các cơ quan và các xã. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác CCHC ở Đam Rông vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến việc xếp hạng về công tác CCHC của huyện đứng cuối cùng trong tỉnh. 
 
Cũng theo ông Thắng, chất lượng và mặt bằng công nghệ thông tin (CNTT) của huyện còn thấp do một số cán bộ còn hạn chế trong việc sử dụng CNTT, trình độ dân trí chưa đồng đều dẫn đến việc áp dụng còn gặp khó khăn. Cán bộ đầu mối của cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) hoạt động kiêm nhiệm, do không có cán bộ chuyên trách nên khi có sự luân chuyển, thay đổi cán bộ đầu mối thì việc triển khai, thực hiện kiểm soát TTHC tại các đơn vị gặp khó khăn, cơ chế phối hợp trong việc giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực chưa được tốt dẫn đến kết quả chưa cao, vẫn còn hồ sơ tồn đọng, giải quyết quá hạn... Tuy vậy, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở những nguyên nhân chủ quan. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát CCHC chưa thực sự quyết liệt. Đội ngũ công chức chưa chủ động và công tác phối hợp giữa các ngành trong thực hiện nhiệm vụ CCHC chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả. Một số công chức được phân công phụ trách lĩnh vực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, chưa kịp thời cập nhật hồ sơ trên phần mềm một cửa, một cửa liên thông theo quy định, chưa cập nhật đầy đủ hồ sơ vào phần mềm, số lượng giải quyết thủ tục hành chính thực tế nhiều so với số lượng hồ sơ đã cập nhật...
 
Trong buổi làm việc với toàn thể các ban, ngành của huyện, Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Lộc đã nhấn mạnh việc cần có giải pháp thực hiện hiệu quả nếu không năm 2021, Đam Rông sẽ là địa phương 4 năm liên tiếp đứng cuối của tỉnh về công tác CCHC. Để thực hiện nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Trương Hữu Đồng đã tổ chức cuộc họp với các Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan. Từ đây, các giải pháp đã được xác định thực hiện như: nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phải gắn với nhiệm vụ CCHC; đưa nội dung, kết quả thực hiện CCHC vào nội dung chỉ đạo hàng tháng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, đặc biệt là các cơ quan chủ trì các nội dung của nhiệm vụ CCHC đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định chỉ số CCHC để đề ra các biện pháp khắc phục cụ thể tại cơ quan, đơn vị mình. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra theo kế hoạch CCHC hàng năm; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và thực hiện duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trên địa bàn huyện. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên thực hiện việc ký chữ ký số đối với tất cả văn bản đi (trừ các văn bản đặc thù theo quy định), đảm bảo tỷ lệ đạt trên 50%; gửi các văn bản đi đến Phòng Văn hóa & Thể thao để đăng lên trang thông tin điện tử của huyện; Thực hiện qua hai trục liên thông 3 cấp trên hộp thư công vụ và hệ thống thư điện tử eOffice, đảm bảo tỷ lệ đạt trên 90% số lượng văn bản xử lý, trao đổi thông tin trên môi trường điện tử. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc giải quyết TTHC đúng theo quy trình, nếu để chậm phải thực hiện việc xin lỗi theo quy định và chịu trách nhiệm trước UBND huyện...
 
Tất cả những giải pháp nêu trên được đánh giá là hợp lý và cấp thiết. Song vấn đề con người vẫn là căn cơ và lâu dài nhất. Một đội ngũ lãnh đạo trách nhiệm, kỷ luật cùng những cán bộ ham học hỏi, chịu tìm tòi và luôn xác định “vì dân” sẽ là giải pháp tốt nhất để thực hiện các nhiệm vụ nói chung trong đó bao gồm cả CCHC.
 
NGỌC NGÀ