Bỏ tiền túi làm đường, xây cầu

05:07, 06/07/2021

Người dân trong thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số luôn thầm cảm ơn ông K'Biên, người từng là công an viên của xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng), đảng viên của Chi bộ thôn Phi Nôm...

Người dân trong thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn thầm cảm ơn ông K’Biên, người từng là công an viên của xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng), đảng viên của Chi bộ thôn Phi Nôm đã bỏ tiền túi của mình để làm đường, xây cầu cho người dân sản xuất nông nghiệp. 
 
Ông K’Biên tự bỏ tiền túi để làm đường, xây cầu vào khu sản xuất cho bà con đồng bào DTTS ở thôn Phi Nôm
Ông K’Biên tự bỏ tiền túi để làm đường, xây cầu vào khu sản xuất cho bà con đồng bào DTTS ở thôn Phi Nôm
 
Năm 2018, ông K’Biên bỏ hơn 100 triệu đồng để mua đất của bà con làm đường vào khu sản xuất nông nghiệp. Ông tâm sự: Phải mua mỗi nhà một ít, chứ bà con ở đây ai cũng khó khăn, đất đai cũng không nhiều lắm. Mình có tiền thì giúp đỡ bà con cũng là lẽ thường tình thôi.
 
Vì bấy lâu nay hơn 15 hộ dân sản xuất nông nghiệp nơi này chỉ đi theo một lối mòn vỏn vẹn bằng hai gang tay mà người dân vẫn quen gọi là bờ ruộng. Nhà này đi nhờ nhà khác, cứ băng đồng mà đi vậy đó, làm được rau, củ, quả gì thì cứ chất lên lưng mà gồng gánh. Còn đôi tay thì lúc nào cũng phải tất bật vì cày cuốc; đường sá như vậy thì xe cộ, máy cày nào vào được. 
 
Vậy là con đường rộng trung bình 4 m kéo dài khoảng 200 m ở vùng sản xuất nông nghiệp được hình thành, nhưng cái khó nhất trong hành trình làm đường này chính là có một con suối nhỏ băng ngang qua. 
 
Theo người dân sinh sống ở đây, mặc dù là suối nước nhỏ, không có tên, nhưng vào mùa mưa lũ thì mực nước rất lớn, có lúc đỉnh điểm cao hơn 3 m. Mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp trong vùng đất này đều bị ngưng trệ vì không thể tiếp cận được. Có năm, một cháu nhỏ trong thôn đi chăn bò bị nước cuốn một quãng xa, may mắn đã thoát được nạn.
 
Trước tình hình đó, K’Biên động viên con cái mình cùng ủng hộ cho công việc làm cầu bắc qua suối vào khu vực sản xuất. 200 triệu đồng vào thời điểm đó khá là lớn, nhưng vì sự an toàn của người dân nên ông sẵn sàng dùng số tiền bao năm dành dụm, vay mượn thêm để làm một cây cầu bằng sắt và kè bờ đá khu vực hai bên. 
 
Ông K’Biên phân tích: Làm đường mà xe tải, máy cày đi được rồi thì nhất định tôi phải làm thêm cây cầu, đây là điểm mấu chốt của vấn đề. Trước đây, cầu bắc qua khe này chỉ là cầu khỉ bằng thân cây gỗ, mưa lũ đến là bị cuốn trôi đi, người dân làm lại, làm mãi, làm từ đời này qua đời khác rồi. Bây giờ phải bê tông hóa, sắt thép vào thì mới chống chịu được thời tiết, mưa lũ. 
 
Giờ đây, một vùng đất nông nghiệp nhờ con đường và cây cầu đáng giá này ngày càng trở nên giá trị, xe tải ra vào thường xuyên để chở nông sản cho bà con, máy cày từng ngày bon bon trên cánh đồng để cày xới tơi xốp những thớ đất đã cũ. Nhờ vậy, đời sống của bà con đồng bào DTTS thôn Phi Nôm dần được cải thiện nhiều mặt, trong đó có phát triển kinh tế nông nghiệp. 
 
Đồng chí Nguyễn Lê Đăng Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, người được phân công phụ trách Chi bộ thôn Phi Nôm cho biết: Ông K’Biên là một đảng viên gương mẫu trong chi bộ, từng là công an viên nên việc vận động người dân tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được ông thực hiện. Mặt khác, việc làm đường, xây cầu của ông được chính quyền và người dân địa phương ủng hộ, đây là một việc làm thiết thực giúp đồng bào DTTS tại thôn vơi bớt một phần nhọc nhằn trong công việc làm nông nghiệp.
 
Con đường chỉ vỏn vẹn dài 200 m, rộng chừng 4 m; nếu so với những cung đường vào khu sản xuất của các nơi khác thì chỉ là một lối nhỏ nhưng ở đây chính là tấm lòng rộng mở, vì người dân mà sẵn sàng bỏ tiền của, công sức để mang lại đời sống no ấm, đủ đầy hơn cho bà con. Trên chiếc cầu sắt đã phai đi vì mưa nắng, K’Biên dự tính rằng sẽ tiếp tục trùng tu lại cây cầu, tu bổ lại con đường để bà con thuận lợi và được an toàn hơn trong việc di chuyển vào khu vực sản xuất trong những mùa tới.
 
ĐỨC TÚ