Những lò gạch cũ - xóa đến bao giờ? (Kỳ 1)

08:04, 24/04/2019

Theo lộ trình từng năm từ nay đến năm 2020, những lò gạch sản xuất theo công nghệ nung lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sẽ dần bị chấm dứt hoạt động. Thế nhưng, trên thực tế, dù nhiều lò gạch đã quá thời hạn buộc phải đóng cửa nhưng vẫn hoạt động. 

[links()] Theo lộ trình từng năm từ nay đến năm 2020, những lò gạch sản xuất theo công nghệ nung lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sẽ dần bị chấm dứt hoạt động. Thế nhưng, trên thực tế, dù nhiều lò gạch đã quá thời hạn buộc phải đóng cửa nhưng vẫn hoạt động. 
 
Lò gạch “3 không” giữa thành phố
 
Không có giấy phép sản xuất, không có giấy phép xây dựng, không công bố quy chuẩn chất lượng,... nhưng lò gạch của ông Nguyễn Văn Ðoàn vẫn ngang nhiên hoạt động hơn 2 năm nay tại Thôn 11, xã Ðại Lào, TP Bảo Lộc. Dù đã từng bị xử lý vi phạm hành chính và đến nay vẫn chưa bổ sung được các thủ tục theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng lò gạch này vẫn đang tiếp tục hoạt động. 
 
Dù không có giấy phép sản xuất nhưng lò gạch của ông Đoàn vẫn hoạt động
Dù không có giấy phép sản xuất nhưng lò gạch của ông Đoàn vẫn hoạt động
 
“3 không” vẫn sản xuất
 
Cuối năm 2017, UBND TP Bảo Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với cơ sở sản xuất gạch của ông Nguyễn Văn Đoàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở sản xuất gạch của ông Đoàn có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bảo Lộc cấp đăng ký lần đầu ngày 14/4/2015. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của ông Đoàn không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định, không có kế hoạch bảo vệ môi trường nên đã bị xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền 4 triệu đồng; đồng thời buộc phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất và phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND thành phố để được xác nhận theo quy định. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, cơ sở sản xuất gạch này vẫn tiếp tục hoạt động dù chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định.
 
Ngày 21/4, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết, hiện vẫn đang hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của ngành chức năng TP Bảo Lộc. Ông thừa nhận cơ sở sản xuất gạch của mình hoạt động mang tính chất tự phát nên không có giấy phép xây dựng, nguồn đất sét nguyên liệu chủ yếu mua của các hộ dân đào ao trong vùng. Gạch của cơ sở được sản xuất theo công nghệ Hoffman và đóng dấu Trường Thịnh dù chưa đăng ký và cũng chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch Bảo Lộc cấp, ông Đoàn cho rằng mình được cấp phép sản xuất gạch. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận này lại ghi rất mập mờ: “Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất gạch xây (kinh doanh khi đủ điều kiện)”. Trong khi đó, thẩm quyền cấp phép sản xuất gạch phải do Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, việc ông Đoàn dựa vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này để sản xuất gạch là hoàn toàn không có cơ sở, chưa đủ các điều kiện.
 
Lo ngại hoạt động sản xuất gạch của cơ sở ông Đoàn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh về giá, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch trên địa bàn TP Bảo Lộc đã có đơn khiếu nại gửi UBND TP Bảo Lộc yêu cầu làm rõ các nội dung liên quan đến cơ sở của ông Đoàn như: Không có giấy phép xây dựng, xây dựng trên đất chưa chuyển đổi, không đăng ký sản xuất tại Sở Xây dựng, Sở Công thương, sử dụng đất sét không có nguồn gốc khai thác, không đóng thuế và phí môi trường… Ngày 15/4, UBND TP Bảo Lộc tiếp tục giao cho Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp cùng với các ngành chức năng của thành phố tiếp tục kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở này. Theo ông Vũ Thành Công - Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc, đoàn liên ngành của TP đã đến kiểm tra và đang yêu cầu ông Đoàn giải trình một số nội dung liên quan. Kết quả sẽ được trả lời trong thời gian tới. 
 
Nằm ngoài danh sách? 
 
Từ tháng 1/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chậm nhất đến hết năm 2017 thì chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến; chậm nhất đến hết năm 2018 thì chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò vòng và chậm nhất đến hết năm 2020 thì chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục. 
 
Theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ có tổng cộng 37 lò gạch phải chấm dứt hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, trong danh sách chấm dứt này lại hoàn toàn không có cơ sở sản xuất gạch của ông Đoàn. Đều này đặt câu hỏi ngược lại về tính pháp lý trong hoạt động sản xuất gạch của cơ sở này trong suốt những năm qua?
 
Theo kế hoạch chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu, toàn tỉnh Lâm Đồng có 43 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất thiết kế đạt 270 triệu viên/năm. Trong đó, sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuynen có 12 cơ sở, lò công nghệ lạc hậu (lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng) là 31 cơ sở. Trong quá trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch lạc hậu thì tuyệt đối không cho phát sinh mới các lò sử dụng công nghệ lạc hậu, cân đối đảm bảo đủ sản lượng sản xuất gạch xây phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng công nghệ sản xuất hiện đại nhằm tiết kiệm năng lượng, tài nguyên khoáng sản và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, để chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu theo đúng kế hoạch là rất khó, với nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan sẽ được Báo Lâm Đồng tiếp tục phản ánh trong bài viết tiếp theo.
 
(CÒN NỮA)
 
KHÁNH PHÚC - ÐÔNG ANH