Đức Trọng chủ động các biện pháp phòng, chống hạn hán

NHẬT MINH 00:05, 27/03/2024

Để ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn trong thời gian cao điểm mùa khô 2024, huyện Đức Trọng đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do hạn hán gây ra.

Ra quân phát quang, nạo vét kênh mương trên địa bàn xã NThol Hạ
Ra quân phát quang, nạo vét kênh mương trên địa bàn xã N'Thol Hạ

Theo bà Ma Vương Nai Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông - Xuân trên địa bàn xã là 1.953,4 ha, trong đó cây trồng chủ lực là cà phê với diện tích 1.322 ha, rau màu các loại 359 ha; lúa 150 ha (đã thu hoạch 20%, còn lại đang trổ bông). Trên địa bàn xã hiện có 2 hồ chứa nước với diện tích 21,9 ha và trạm bơm Phú Ao; ngoài ra, còn có hồ Đại Ninh, phục vụ tưới cho hơn 200 ha diện tích nông nghiệp trong khu vực chủ yếu cà phê, rau màu. “Đối với diện tích cà phê, rau màu người dân sử dụng nước ao, hồ, sông, suối, giếng khoan để tưới, đến nay, tình hình cơ bản ổn; có một số ít ao thiếu nước, UBND xã đã tạo điều kiện cho người dân nạo vét ao để trữ nước. Diện tích cà phê đã tưới được 2 đợt, nếu thời tiết chưa mưa, người dân sẽ tiếp tục tưới lần 3. Để chủ động phòng, chống hạn hán xảy ra trên địa bàn, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo điều tiết nước phù hợp tại các hồ; đồng thời tăng cường tuyên truyền bà con sử dụng nước tưới tiết kiệm, hợp lý” - bà Ma Vương Nai Huyền nói. 

Tại xã N’Thol Hạ, ông Cao Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân tại các địa bàn thường có nguy cơ thiếu nước vào mùa khô không gieo sạ, chỉ trồng lúa 1 vụ. Đồng thời, địa phương cũng thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý dự án và công trình công cộng huyện tích nước, điều tiết nước tại các hồ và các kênh mương N1, N2 để đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Và, mới đây, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trung đoàn Cảnh sát Cơ động số 3 Tây Nguyên và Hội Nông dân xã ra quân phát quang, nạo vét mương tại thôn Bia Ray với chiều dài 3 km; tại lễ ra quân Tháng Thanh niên, các tổ chức chính trị, đoàn viên, thanh niên xã đã tổ chức nạo vét các tuyến kênh mương, phát quang bụi rậm nhằm phục vụ nước tưới mùa khô và chống ngập úng mùa mưa. Song song với đó, xã cũng tiếp tục tuyên truyền người dân tiết kiệm nước, nhất là hạn chế khoan, đào giếng; chuyển sang gieo trồng các cây trồng ngắn ngày, sử dụng bép tưới nhỏ giọt...

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng, kết thúc việc gieo trồng vụ Đông Xuân, tổng diện tích gieo trồng trong 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện ước 32.250 ha, đạt 47,36% kế hoạch cả năm và đạt 110% cùng kỳ năm 2023, trong đó: Lúa 700 ha, bắp 160 ha, khoai lang 260 ha, rau 9.200 ha và hoa 600 ha.

Toàn huyện hiện có 39 công trình thủy lợi, trong đó, 30 hồ đập chứa nước, 6 trạm bơm và 3 công trình nước tự chảy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, riêng chỉ có một số hồ chứa hiện đã xuống đến mực nước chết, không còn khả năng đảm bảo nhiệm vụ tưới gồm: Láng Cam 1, 2, Ba Râu, 3 tháng 2, Láng Bầu, Tân Thuận, Cây Đa, Đu Đủ, Suối Dứa (xã Tân Hội); Ông Hưng, Ba Cống, Xóm 2, Ông Bản, Lý Danh, Xóm 6 (xã Tân Thành); Bà Hòa, Sê Đăng, Bon Rơm, Yang Ly, Ba Me, Đoàn Kết (xã N’Thol Hạ). Tuy nhiên, các hồ chứa này hiện đã đảm bảo nhiệm vụ cấp nước cho vụ Đông Xuân, tưới cho cây cà phê đợt 2, đối với đợt tưới thứ 3 chỉ tưới dưỡng ẩm nên nhu cầu lưu lượng nước không cao. Đồng thời, người dân đã chủ động sử dụng các nguồn nước khác từ khoan giếng, sông suối nên đến hết mùa khô tại vùng tưới của các công trình này không bị ảnh hưởng do thiếu nước. Ngoài ra, theo báo cáo của Trạm Quản lý, khai thác thủy lợi Đức Trọng, Nhà máy Thủy điện Đạ R’Cao (đưa vào vận hành từ năm 2017) nằm chắn ngang dòng suối Đa Tam là tuyến suối dẫn nước từ đầu mối hồ Tuyền Lâm về đập dâng Quảng Hiệp đang vận hành không hợp lý, không đảm bảo lưu lượng về hạ du gây ảnh hưởng trong việc cấp nước của đập dâng Quảng Hiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với địa phương để yêu cầu thủy điện này vận hành theo đúng quy trình nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho hạ du, tuy nhiên, đến nay nhà máy vẫn không triển khai thực hiện. 

Cũng theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương tại huyện Đức Trọng đã chủ động xây dựng và triển khai ứng phó với hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2024 với nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn hán, hiện trạng các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt nông thôn, kế hoạch sản xuất nông nghiệp để chủ động điều chỉnh cơ cấu cây trồng sang loại cây ít dùng nước, giảm diện tích sản xuất, thay đổi lịch thời vụ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chủ động sử dụng các nguồn cấp nước khác ngoài công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, nhất là đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn; điều tiết bổ sung nước giữa các công trình; hỗ trợ người dân thực hiện các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tiết kiệm nước; chủ động phối hợp cùng các nhà máy thủy điện ở thượng lưu trong việc xác định lưu lượng, thời gian xả để lấy nước cho các trạm bơm trên sông hợp lý, tiết kiệm nguồn nước; kiểm kê số lượng máy nổ, máy bơm dã chiến, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu phục vụ bơm chống hạn… 

Cùng đó, triển khai thực hiện linh hoạt các giải pháp trong kế hoạch số 30 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Khi cần, sử dụng xe téc, xe bồn để chở nước cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, trong mọi trường hợp không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Mặt khác, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, mực nước tại các công trình hạ tầng kỹ thuật để chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình, UBND cấp xã trực thuộc, phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành công trình để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất UBND huyện, các phòng, ban liên quan để chỉ đạo kịp thời các giải pháp ứng phó theo quy định... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước.