Cần áp dụng các giải pháp tiết kiệm nước để ứng phó với khô hạn kéo dài

CHÍNH THÀNH 05:58, 26/03/2024

Đợt nắng nóng gay gắt trên địa bàn tỉnh những tháng qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp với hàng trăm ha cây trồng thiếu nước tưới. Do đó, những giải pháp tiết kiệm nước cần được người dân chủ động triển khai để ứng phó với nắng nóng kéo dài.

Mùa khô diễn biến ngày một gay gắt, bắt buộc người dân phải có các giải pháp 
tiết kiệm nước để ứng phó với khô hạn kéo dài
Mùa khô diễn biến ngày một gay gắt, bắt buộc người dân phải có các giải pháp tiết kiệm nước để ứng phó với khô hạn kéo dài

Do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến cáo hỗ trợ nông dân ứng phó với hạn hán. Trong đó, mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa… là một giải pháp có hiệu quả tốt đang được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng. Tuy nhiên, số lượng người dân áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng vào mùa khô theo thống kê vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Ông Trần Đình Ca (45 tuổi, ngụ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) đang trồng 5.000 m2 ớt chuông trong nhà kính chia sẻ, nhờ áp dụng bón phân, tưới nước nhỏ giọt trực tiếp bằng hệ thống tưới tiết kiệm nước nên trung bình mỗi gốc ớt chuông tiêu tốn chỉ 2 lít nước/ngày. Nhưng nếu trồng rau màu ngoài trời, tưới thủ công như trước đây, theo ông Ca, người dân phải tốn hơn 10 lít nước cho mỗi gốc cây trồng/ngày. “Tính ra với diện tích hàng ngàn ha mỗi xã trong mùa khô nếu áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng thì sẽ bớt lãng phí nước rất lớn” - ông Ca chia sẻ.

Hiện nay cũng như ông Ca, nhiều nông dân tại xã Hiệp An và các xã lân cận trước đây thường sử dụng bơm nước kéo ống dây để tưới, nhưng cách tưới thủ công này ngày một gây lãng phí nước và tốn điện hoặc xăng, dầu. Đặc biệt là vào mùa khô, với việc sử dụng nguồn nước tối đa, mực nước ngầm của các địa phương suy giảm rất nhanh. Nếu như trước đây khoảng 15 năm, người dân chỉ cần khoan sâu 20 m đã tìm đường nguồn nước ngầm thì giờ phải khoan từ 60 tới 100 m mới tìm thấy nguồn nước.

“Việc nguồn nước ngầm, nước mặt tại địa phương không còn dồi dào như trước bắt buộc người dân phải tìm kiếm giải pháp tiết kiệm nước cho cây trồng. Các hệ thống tưới kiểu phun mưa cho cây ngắn ngày với chi phí 70 -100 triệu đồng (gồm bơm, ống nhựa, pet phun và công lắp ráp) tuy khá lớn ban đầu nhưng hiệu quả mang lại cho người dân nhiều và lâu dài hơn” - lãnh đạo UBND xã Hiệp An cho biết.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng, ngay từ đầu năm, đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng, Trạm Quản lý khai thác thủy lợi, UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ, chuyên môn trực tiếp bám sát từng khu vực, vị trí, từng công trình thủy lợi để vận hành, điều tiết nước từ các công trình hồ, đập thủy lợi tưới cho cây công nghiệp và phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân; tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng; tận dụng các ao, hồ, khe mạch, tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm,... Trong đó, các giải pháp tưới tiết kiệm nước được các đơn vị chức năng tuyên truyền sâu rộng tới bà con Nhân dân. Nhờ vậy công tác chống hạn mùa khô trên địa bàn huyện đã cơ bản được kiểm soát.

Tại huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm,... theo ghi nhận thực tế cho thấy, hệ thống tưới phun giúp tiết kiệm lượng nước tới 40-50% cho nhiều loại cây trồng chủ lực của địa phương trong mùa khô đang được người dân quan tâm áp dụng. Ngoài giúp cây trồng được cung cấp đủ nước nên sinh trưởng và phát triển tốt còn giúp giảm chi phí điện, xăng dầu và nhất là giảm công tưới mỗi ngày. Hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương,... còn có thể bố trí trên mọi địa hình canh tác, thích hợp với nhiều loại cây trồng phân phối nước tương đối đồng đều đến tất cả cây trồng, tự động hóa các khâu điều khiển và dễ dàng vận hành. Theo người dân, trở ngại duy nhất để nhân rộng mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới này tương đối cao. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại của nó là hoàn toàn xứng đáng cho người đầu tư, nhất là trong điều kiện thời tiết ngày một diễn biến khắc nghiệt, nguồn nước ngầm, nước mặt suy giảm cục bộ ngày một nhiều hơn.

 Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2024 tới thời điểm này đạt 26.635 ha và diện tích thu hoạch 22.376 ha với sản lượng thu hoạch đạt 843.303,1 tấn. Trong khi đó, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu đạt 4.065 ha. Hiện nay, tình hình thiếu nước cục bộ do nắng nóng kéo dài đang xảy ra tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá với hệ thống các nguồn nước cung cấp tập trung, các nguồn nước tự chảy cùng với hệ thống giếng đào, giếng khoan của người dân nên tình hình nước sinh hoạt trên địa bàn nhiều địa phương trong tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, khô hạn kéo dài, mực nước ngầm và nước mặt sẽ sụt giảm, dẫn đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt từ hệ thống giếng đào, giếng khoan, hệ thống nước tự chảy của một số hộ dân tại một số địa phương có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nước tưới phục vụ nông nghiệp cục bộ.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp nhằm ứng phó với tình hình khô hạn. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải liên tục theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, kịp thời tuyên truyền, phổ biến thông tin để người dân chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí; chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt, các phòng, ban chuyên môn trực thuộc liên tục theo dõi nguồn nước tại các công trình, sông, suối để xác định khả năng cung cấp nước. Từ đó triển khai thực hiện các nội dung: chủ động xây dựng kế hoạch cấp nước, giải pháp ứng phó khi xảy ra thiếu nước, linh hoạt vận hành công trình để cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước tại các công trình nhằm đảm bảo theo yêu cầu cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2024. Đối với những khu vực cách xa công trình thủy lợi, khu vực không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước trời, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất...