Tuổi trẻ Ðà Lạt tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

09:01, 25/01/2018

Trong cuộc chiến đấu gian khổ hơn 20 năm của dân tộc Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp đoàn viên, thanh niên Ðà Lạt đã tiếp nối truyền thống yêu nước nhanh chóng hòa vào cuộc đấu tranh chung của các đô thị miền Nam, đã tạo nên những dấu ấn đậm nét, có tiếng vang lớn trên toàn miền và có ảnh hưởng đối với dư luận thế giới

Trong cuộc chiến đấu gian khổ hơn 20 năm của dân tộc Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp đoàn viên, thanh niên Ðà Lạt đã tiếp nối truyền thống yêu nước nhanh chóng hòa vào cuộc đấu tranh chung của các đô thị miền Nam, đã tạo nên những dấu ấn đậm nét, có tiếng vang lớn trên toàn miền và có ảnh hưởng đối với dư luận thế giới; trong đó có Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968... viết nên những trang sử vẻ vang của Lịch sử Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi thành phố Ðà Lạt.
 
Từ giữa năm 1967, được sự chỉ đạo của Khu ủy và Quân khu ủy Khu VI, Tỉnh ủy Tuyên Đức quyết định tập trung phần lớn lực lượng vũ trang của tỉnh phối hợp với các đơn vị của khu đến chi viện, tiến công những vị trí quan trọng của địch ở Đà Lạt như: tiểu khu, tỉnh đoàn bảo an, các trường sĩ quan, sân bay, trận địa pháo nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ... Ở nội thành, các đoàn viên Chi đoàn Nguyễn Văn Trỗi đã thực hiện nhiệm vụ bí mật đón và bảo vệ cán bộ Thị Đội ra thành phố, đưa đi khảo sát, điều nghiên các điểm trọng yếu về quân sự và hành chính để chuẩn bị cho chiến dịch. 
 
Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đầu xuân 1968, Khu ủy chọn Đà Lạt làm trọng điểm 2 cùng với Phan Thiết là trọng điểm 1, vì vậy ngoài việc tăng cường 2 tiểu đoàn 186 và 145 đến phối hợp hoạt động, Khu ủy còn cử một số cán bộ Khu ủy và Quân khu ủy xuống trực tiếp chỉ đạo, thành lập Đảng ủy Mặt trận do đồng chí Vũ Anh Ba, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu VI làm Bí thư nhưng do thời gian chuẩn bị hết sức khẩn trương và điều kiện cơ động gặp nhiều khó khăn nên đến ngày nổ súng tấn công, hai tiểu đoàn tăng cường vẫn chưa đến vị trí tập kết. Trước tình hình đó, Đảng ủy mặt trận quyết định: dù bất cứ giá nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Khu ủy giao, điều động gấp các đơn vị bộ đội địa phương huyện lên tăng cường cho các hướng tấn công vào Đà Lạt theo kế hoạch được xác định trên 3 hướng Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam nhưng đêm 30/01/1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân), do công tác chuẩn bị địa hình chưa được chu đáo nên cả ba hướng đều không vào được trong thị xã, các đơn vị phải rút ra bàn đạp để củng cố lực lượng. Đêm 31/1/1968 (tức đêm mồng một Tết Mậu Thân), các đơn vị tiếp tục đột nhập vào thị xã và đồng loạt nổ súng đánh các mục tiêu đã định nhưng chậm một ngày so với kế hoạch chung của toàn miền. Trên hướng tấn công chủ yếu, Đại đội 816, hai đại đội của Tiểu đoàn 145 và Đội biệt động 852 đánh chiếm một phần tiểu khu, kiểm soát Viện Pasteur và 9 sở, ty. Ngày hôm sau, lực lượng địch ở tiểu khu phản kích quyết liệt nên các đơn vị phải rút ra các ấp Xanh Giăng, Du Sinh, Nam Thiên, An Lạc trụ lại đánh địch phản kích và pháo kích Sân bay Cam Ly. 
 
Tối ngày 5/2/1968 khi Tiểu đoàn 186 cùng với Tiểu đoàn 145 và Đại đội 852 đánh chiếm phần lớn tiểu khu, địch cho một tiểu đoàn biệt động quân phản kích, lực lượng ta phải rút ra trụ lại tại khu vực Viện Pasteur liên tục đánh địch phản kích suốt từ sáng đến 12 giờ ngày 6/2/1968. Ở hướng Tây Bắc, Đại đội 810, Trung đội đặc công, một đội biệt động và 30 cán bộ chính trị đánh vào Tỉnh Đoàn bảo an, Lữ quán thanh niên, Dinh Tỉnh trưởng, Ty Công an nhưng không dứt điểm. Tại Lữ quán thanh niên và Dinh Tỉnh trưởng ta đã tiêu diệt nhiều tên lính Đại Hàn, sau đó triển khai chiếm rạp hát Hòa Bình, đánh phản kích bắt sống một tên thiếu tá. Trong trung tâm thành phố, nhân dân đã dùng bàn ghế, đồ đạc ra làm chướng ngại vật cùng bộ đội chiến đấu, sau đó lực lượng rút ra, trụ lại tại Đa Cát và chiến đấu rất anh dũng suốt 12 ngày đêm, hỗ trợ các ấp Đa Cát, Đa Phú nổi dậy phá kèm, giành quyền làm chủ và thành lập chính quyền cách mạng. Ở hướng Đông Nam, các đơn vị 815, 870, Đội biệt động 850 phối hợp đánh địch ở Trại Hầm, Ga xe lửa, Nha Địa dư và làm chủ khu vực trường Yersin, bám trụ suốt hai ngày đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, sau đó rút ra vùng ven để củng cố lực lượng. 
 
Trong những ngày lực lượng vũ trang liên tục tiến công địch, cơ sở cốt cán bên trong Đà Lạt đã vận động quần chúng ở nhiều khu phố, ấp nổi dậy phá bộ máy kèm tại chỗ. Ở những nơi lực lượng vũ trang bám trụ, mặc dù địch phản kích ác liệt, dùng máy bay ném bom, bắn phá, nhưng đồng bào đã dũng cảm vượt qua bom đạn để tiếp tế cho bộ đội, tải thương, nắm tình hình hoạt động của địch báo cho các đơn vị để có kế hoạch đối phó. Trong cuộc chiến đấu này, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quần chúng được phát huy mạnh mẽ, có cơ sở cách mạng được kết nạp vào Đảng ngay tại địa bàn hoạt động, có người đã anh dũng hy sinh. Ở khu vực trường Yersin, có người bị địch bắn trọng thương được các cơ sở nuôi giấu, chăm sóc và sau đó dẫn đường đưa ra ngoài để trở về đơn vị. Ở các ấp Đa Cát, Đa Phú... sau khi thành lập chính quyền cách mạng, lực lượng dân quân tự vệ được hình thành làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, truy bắt bọn tề điệp ác ôn, phục vụ các đơn vị bám trụ đánh địch, nhiều thanh niên đã tham gia bổ sung vào các đơn vị bộ đội. Tuy có chuẩn bị đối phó sự tấn công của ta nhưng địch vẫn bị bất ngờ, sau đó chúng tăng cường đến Đà Lạt một tiểu đoàn cộng hòa, một tiểu đoàn biệt động quân, một biệt đoàn cảnh sát phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ chức phòng thủ xung quanh thị xã, các vị trí quan trọng được bảo vệ chặt chẽ hơn trước. 
 
Đêm 17/2/1968, các đơn vị bước vào đợt 2 của Chiến dịch (từ ngày 17/2 đến ngày 1/3/1968), đồng loạt nổ súng tiến công địch trên 3 hướng. Lúc này hai tiểu đoàn 186, 145 đã đến đủ và phối hợp với các đơn vị địa phương đánh địch. Ở hướng Tây Bắc, Tiểu đoàn 186, Đại đội 810, Đội biệt động 850 chia làm 3 mũi tấn công trung tâm chính trị, trận địa pháo và khu vực ấp Đa Thành. Nhưng khi mũi 1 và mũi 2 vào đến ấp Kim Thạch gặp địch chốt chặn nên phải chiến đấu tại đây suốt ngày 18/2/1968, sau đó trụ lại 2 ngày đánh địch phản kích, còn mũi thứ 3, sau khi đánh địch ở ấp Đa Thành đã trụ lại đánh bọn địch chi viện. Trên hướng Tây Nam, Tiểu đoàn 145, Đại đội 816, Đội biệt động 852 đánh địch đang chốt giữ các ấp Du Sinh, Nam Thiên, Saint Jean và pháo kích vào tiểu khu hướng Đông Nam, các đội công tác và một bộ phận bộ đội địa phương huyện vào khu vực Trại Mát diệt ác ôn, làm công tác binh vận và phát động quần chúng... Trong đợt tấn công này, các đơn vị vẫn tập trung tấn công vào Đà Lạt, nhưng trước tình hình địch tăng cường lực lượng phòng giữ và phản kích quyết liệt nên Đảng ủy mặt trận và Tỉnh ủy Tuyên Đức chủ trương đưa phần lớn lực lượng ra hoạt động vùng nông thôn, nhằm kéo địch trong thị xã ra để tiêu diệt, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá kèm, giành quyền làm chủ. Ngày 21/2/1968, ta chỉ để lại 1/3 lực lượng tiếp tục đánh địch trong thị xã và Đại đội 870 hoạt động tại vùng Xuân Trường, Xuân Thọ trên đường 11... 
 
Sau kết quả của hai đợt hoạt động cao điểm xuân 1968, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 4/1968) về tiếp tục mở đợt tấn công và nổi dậy mùa hè 1968; cuối tháng 4/1968, lực lượng vũ trang trong tỉnh khẩn trương củng cố lực lượng, chuẩn bị chiến trường để bước vào đợt hoạt động mới. Tỉnh ủy chọn huyện Đức Trọng làm trọng điểm, đồng thời dùng lực lượng đặc công, biệt động đánh vào một số vị trí quan trọng của địch ở Đà Lạt, sử dụng hỏa lực mạnh bắn vào Sân bay Cam Ly, Trường Võ bị và các trận địa pháo của địch. Trong đợt 3 của đợt tổng tiến công và nổi dậy (từ ngày 1 đến 31/5/1968), quân và dân trong tỉnh phối hợp với 2 tiểu đoàn 186, 145 đánh địch 180 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 2.200 tên, tấn công 23 mục tiêu trong thị xã, trong đó có những nơi quan trọng như trung tâm chính trị, đại học quân sự, trường võ bị, cảnh sát cơ bản, tiểu khu… Đến cuối tháng 5/1968, chỉ riêng Đà Lạt đã xây dựng được 150 cơ sở chính trị, 30 du kích mật và mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về lương thực, vũ khí, nhưng theo chủ trương chung, lực lượng vũ trang trong tỉnh vẫn liên tục tấn công địch ở Sân bay Cam Ly, Trường Võ bị, đột ấp vũ trang tuyên truyền, tiêu diệt bộ máy kèm tại chỗ, xây dựng cơ sở cách mạng bên trong và phong trào cách mạng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cũng như đã xây dựng được 20 đội công tác, 129 du kích mật trong đó có 13 đảng viên, 23 đoàn viên... 
 
Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tuổi trẻ Đà Lạt đã tích cực phối hợp với lực lượng vũ trang tấn công vào thành phố, nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh làm nhiệm vụ tiếp tế, liên lạc. Chi đoàn Nguyễn Văn Trỗi đã thực hiện nhiệm vụ in thư chúc tết của Bác Hồ tại Khuôn hội Lâm Tì Ni và rải khắp thành phố; từ tối mồng một tết, Chi đoàn đã tổ chức hoạt động vũ trang tiêu diệt một số tên ác ôn tại Nam Thiên, Thiên Thành. Thanh niên, sinh viên, học sinh thuộc Đội nữ biệt động tuyên truyền, vận động binh lính, công chức chính quyền Sài Gòn không được chống lại cách mạng... đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của quân địch và góp phần cùng toàn miền đánh bại làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
 
BÙI THANH LONG