Hào khí Xuân Mậu Thân với công cuộc xây dựng đất nước

09:01, 04/01/2018

Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta;

Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, góp phần chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam.
 
Chiến thắng Tết Mậu Thân 1968 là một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược, điều hành chiến tranh của Ðảng ta; là biểu hiện sáng ngời của ý chí gang thép và sức mạnh quật khởi của toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðảng ta đã theo dõi sát và nắm bắt kịp thời mọi diễn biến tình hình liên quan tới cuộc chiến tranh, cả trên chiến trường trong nước và trên thế giới, đặc biệt là ở nước Mỹ. Với tầm nhìn chiến lược đó, sau thắng lợi giòn giã đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của quân viễn chinh Mỹ mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, làm thất bại các mục tiêu chiến lược của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân, hải quân Mỹ, gây cho địch những tổn thất nặng nề về sinh lực, tiền của và phương tiện chiến tranh, Ðảng ta nhận thấy địch đang lúng túng, bị động cả về chiến lược và chiến thuật; đang “ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”. Hơn nữa, Ðảng ta còn nhận định “so với mục tiêu chính trị và quân sự có hạn của chúng ở miền Nam thì những cố gắng chiến tranh của Mỹ (cùng với những thiệt hại nặng nề của chúng) ở Việt Nam đã tới đỉnh cao”. Ðây là một nhận định rất quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch chiến lược Tết Mậu Thân. Từ đó, Ðảng ta chủ trương sử dụng một cách đánh tốt nhất là lực lượng chính trị và vũ trang, dùng binh lực và hỏa lực mạnh của ta đánh vào các binh đoàn chủ lực địch, đánh mạnh vào “Thủ đô” Sài Gòn và các đô thị, tạo điều kiện cho hàng triệu quần chúng trong vùng Mỹ - ngụy kiểm soát nổi dậy, phối hợp với lực lượng vũ trang Quân Giải phóng tiêu diệt và làm tan rã quân địch, đánh sập bộ máy đầu não của chính quyền Sài Gòn, làm tê liệt ý chí xâm lược và rối loạn tận gốc bộ máy chiến tranh của Mỹ - ngụy, biến hậu phương chiến tranh của địch thành tiền phương của ta, làm thay đổi so sánh lực lượng một cách mau chóng và có lợi cho ta, bất lợi cho địch.
 
Chiến thắng Tết Mậu Thân 1968 là một thành công nổi bật trong nghệ thuật phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trí tuệ con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và lực lượng quân sự Mỹ. Vì vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tết Mậu Thân 1968 là sự kế thừa và phát huy lên một tầm cao mới truyền thống đánh giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
 
Nửa thế kỷ đã qua kể từ khi nổ ra Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đất nước ta đang trên đường đổi mới toàn diện, đồng bộ và đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực: kinh tế tăng trưởng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng cao. Song, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ hết sức thâm độc, nguy hiểm; tình hình dịch bệnh, thiên tai… Từ thực tế trên, âm hưởng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 như đang cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chung sức đồng lòng phấn đấu vươn lên, thực hiện những khâu đột phá mà Đảng đề ra, đồng thời cũng để lại cho Đảng ta bài học sâu sắc về xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận chiến tranh nhân dân.
 
Trong cuộc Tổng tiến tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968, “thế trận lòng dân” đã được triển khai và trải ra rộng khắp, vừa có diện rộng vừa có chiều sâu. Sự tham gia đông đảo và hăng hái của mọi tầng lớp nhân dân, cả người già và người trẻ, thanh niên và phụ nữ, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trên khắp các chiến trường trong tiến công và nổi dậy phản ánh sâu sắc diện rộng của “thế trận lòng dân”. Ý chí quyết tâm cao, lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập tự do và thống nhất đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, ác liệt của quần chúng nhân dân là “độ sâu”, “độ chắc”, là nguồn sức mạnh to lớn của “thế trận lòng dân”, của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy. Chiều sâu, diện rộng của “thế trận lòng dân” không những là chỗ dựa vững chắc cho các đơn vị lực lượng vũ trang ta tiến công địch, là chỗ dựa cho sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy; mà còn trực tiếp gây cho Mỹ - ngụy những khó khăn to lớn ngay tại cơ sở, sào huyệt của chúng, làm cho chúng hoang mang, dao động, lúng túng khi phải đối phó với chiến tranh nhân dân Việt Nam, với đòn Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta và phải chịu tổn thất nặng nề.
 
Thực tiễn Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 chỉ ra rằng, thực chất xây dựng “thế trận lòng dân” là quá trình khơi dậy, quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân trong một thế trận chung, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chiến tranh chống xâm lược. Xây dựng “thế trận lòng dân” là nét đặc sắc trong nghệ thuật giữ n­ước, chống ngoại xâm của dân tộc ta, phản ánh bản chất và sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
 
Những kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật dùng binh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 không những có giá trị dự báo, hoạch định chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới, trong định hướng xây dựng lực lượng, thế trận và các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, của khu vực phòng thủ (các cấp) để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn có khả năng phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch một cách hiệu quả; sẵn sàng đánh bại mọi quy mô, mọi kẻ thù xâm lược trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), mà còn có ý nghĩa rất thiết thực đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng đất nước ở thời kỳ mới; nhất là trong cuộc chiến chống thiên tai, dịch bệnh, chống nghèo nàn, lạc hậu, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, cũng như giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho toàn dân.
 
(Theo Tạp chí Xây dựng Đảng)