Tìm hiểu về luật hồi tị triều Nguyễn

08:01, 11/01/2018

Dưới triều Nguyễn, để tránh độc tài, chuyên quyền, tham nhũng, sự hoạt động của triều đình đều được đặt dưới sự giám sát, đàn hạch của các quan Ngự sử thuộc Viện Đô sát. Triều đình có chế độ tăng trợ cấp đặc biệt (gọi là tiền dưỡng liêm) cho các quan đi thanh tra, kiểm tra cán bộ, các địa phương để các quan có thể giữ được sự liêm chính của mình...

Dưới triều Nguyễn, để tránh độc tài, chuyên quyền, tham nhũng, sự hoạt động của triều đình đều được đặt dưới sự giám sát, đàn hạch của các quan Ngự sử thuộc Viện Đô sát. Triều đình có chế độ tăng trợ cấp đặc biệt (gọi là tiền dưỡng liêm) cho các quan đi thanh tra, kiểm tra cán bộ, các địa phương để các quan có thể giữ được sự liêm chính của mình. Và để tránh bè phái, họ hàng cấu kết làm chuyện tiêu cực trong bộ máy nhà nước, triều Nguyễn đã đặt ra luật hồi tị.
 
Vua Minh Mạng đã đặt ra rất nhiều quy định nghiêm ngặt cho luật hồi tị
Vua Minh Mạng đã đặt ra rất nhiều quy định nghiêm ngặt cho luật hồi tị
Hồi tị (Chữ Hán: 迴 避) có nghĩa là tránh đi. Ví như một người được bổ làm quan đứng đầu ở một địa phương, nếu có 1 người bà con đã là thuộc liêu ở chỗ đó thì người ấy phải tránh đi chỗ khác, thế gọi là hồi tị.
 
Hai chữ hồi tị khởi nguồn từ sự nghiệp cải cách nền hành chính quốc gia toàn diện và sâu sắc của vua Lê Thánh Tông - một vị vua anh minh đứng đầu thể chế quân chủ phong kiến. Trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) có quy định: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.
 
Dưới triều Nguyễn, đặc biệt là từ triều vua Minh Mạng trở đi, luật hồi tị được thực hiện một cách triệt để, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới rất nghiêm ngặt. Năm Canh Dần (1830), vua Minh Mạng xuống dụ: “Các lại dịch thuộc bộ, hễ có bố, con cùng anh em ruột, anh em chú bác cùng làm ở một bộ, đều cho trích ra, đổi bổ đi nơi khác. Các nha môn trong Kinh và ngoài tỉnh, gặp việc giống như thế, đều cứ thực tâu rõ, không nên vì tình riêng che chở”.
 
Để tránh việc các quan lạm dụng quyền thế, kéo bè kéo cánh bà con nội ngoại, bạn bè thân thuộc để nhũng lạm ức hiếp dân, năm 1831 vua Minh Mạng tiếp tục cấm các quan không được đứng đầu các tỉnh của mình, mà chuyển sang đứng đầu ở một tỉnh khác. 
 
Ngoài ra, luật hồi tị còn được áp dụng rộng rãi trong thi cử, đặc biệt là trong các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình. Những người được dự phái đến trường thi làm việc, nếu có anh em thúc bá ruột hay chỗ cậu, cháu đi thi thì cho phép được hồi tị để đảm bảo tính công bằng.
 
Tiếp tục sự nghiệp của vua cha, vua Thiệu Trị cho định lệ các trường hợp quan lại bắt buộc phải hồi tị: “Trong nha môn, có nhiều người là bố vợ, anh em ruột của vợ, chồng chị, chồng em của vợ đều phải hồi tị”. Điều đó có nghĩa là nhà nước không biết được người bổ nhiệm có những người thân ở cơ quan mới bổ tới, vì vậy khi người được bổ nhiệm thấy thế phải mang quyết định bổ dụng trả lại, không được tự tiện đến nhận chức ở đó. Nếu phát hiện ra, cần phải báo lại tức thì. Như trường hợp thự Tổng đốc Định - Yên là Phan Bá Đạt xét ra lại dịch ở 2 ty Phiên, Niết ở tỉnh Nam Định, có những người có cha con, anh em, thân thuộc cùng thuộc một tỉnh bèn xin đổi bổ đi tỉnh khác, để cho trong sạch các mối tệ hại trong đám lại dịch.
 
Năm Giáp Thìn (1844), Hiến tổ Chương hoàng đế bổ sung nghị chuẩn trong luật hồi tị để thêm phần được rõ ràng: Phàm các nha môn lớn nhỏ trong Kinh, ngoài tỉnh nếu trong mỗi nha mà có thân thuộc phải để tang từ 3 tháng trở lên, cùng là những nha có tình thông gia, về bên gái có bố mẹ chồng, bên trai có bố vợ, cùng anh chị em vợ, hễ tương đối có tình thân hậu như thế đều cho hồi tị”. Nếu vì tình riêng nể nang, cố ý làm lệch lạc, khi sự việc phát giác sẽ phạt tội nặng. Ví như Án sát tỉnh Quảng Ngãi là Đặng Kham cùng với viên đốc học tỉnh ấy là Trần Văn Vy là thông gia, chưa thấy hồi tị. Đến khi Trần Văn Vy cho đổi đi làm Đốc học Hà Tĩnh. Hai viên ấy đều đến nhậm chức năm ngoái đã lâu ngày mà không đem duyên do tâu rõ từ trước, thì thuộc không hợp đều phải phạt bổng 3 tháng. 
 
Năm Bính Ngọ (1846), vị vua thứ 3 của triều Nguyễn tiếp tục mở rộng thêm các trường hợp khác bắt buộc phải hồi tị: “Phàm những người cùng quê ở 1 hạt, mà làm quan cùng ở 1 tỉnh hoặc cùng 1 nha, và lại học cùng 1 thầy ở trường tư từ nhỏ đến lớn, cùng viết 1 nghiên, ngồi cùng 1 chiếu, tình nghĩa bạn bè rất thân thiết thì đều đem tình thực tâu rõ rồi xét trong khi ở chức, bọn ấy không có bỏ thiếu binh lương, liên can việc án ở trong sớ cũng phải làm cho rõ đủ mới cho hồi tị”.
 
Nghị chuẩn này được các vua sau này của triều Nguyễn phát huy hết sức hiệu quả. Vào năm 1848, khi thấy Nguyễn Trinh là Tri huyện huyện Chân Lộc ở tỉnh Nghệ An cùng với Án sát tỉnh ấy là Phạm Bá Thiều là tình thầy trò, vua Tự Đức đã hạ lệnh phải cho hồi tị. Nguyễn Cư Trinh chuyển sang làm Tri huyện Quảng Xương tỉnh Quảng Trị. 
 
Có thể nói, luật hồi tị dưới triều Nguyễn được thực hiện đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước phong kiến được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa và hoạt động có hiệu quả hơn. 
 
Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng có nhiều quy định áp dụng luật “hồi tị” của triều Nguyễn xưa, tuy nhiên phạm vi hẹp hơn rất nhiều. Khoản 3, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
1. Hồ sơ H48/20, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H22/39, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H23/53, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
 
THƠM QUANG