Cựu chiến binh làm giàu trên quê mới

DIỆP QUỲNH 06:00, 29/03/2024

Người cựu chiến binh từng đổ xương máu trên chiến trường chống Mỹ, nay đang là một nông dân sản xuất giỏi. Thay đổi giống cây trồng, tiếp cận cây trồng kĩ thuật cao, cho thu nhập tốt, người lính năm xưa đã trở thành một gương nông dân sản xuất giỏi hôm nay.

CCB Phùng Quang Sửu bên vườn sầu riêng
CCB Phùng Quang Sửu bên vườn sầu riêng

Ông Phùng Quang Sửu, cựu chiến binh thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà đã bước sang tuổi gần 70. Ông kể lại, từ quê nhà Hà Tây cũ, ông tham gia quân ngũ năm 1974, chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Dấu chân người lính Cụ Hồ đã có mặt tại Lâm Đồng, Đắk Lắk..., cùng đồng chí, đồng đội góp phần thống nhất đất nước. Sau đó, ông tiếp tục làm nhiệm vụ trên mảnh đất Tây Nguyên, ổn định tình hình an ninh, chính trị tại những nơi đơn vị công tác. Sau bảy năm tham gia quân ngũ, từ chiến dịch này tới chiến dịch khác, năm 1981, ông giải ngũ về quê nhà. Cả thanh xuân, người lính ấy đã cùng đồng đội chiến đấu cho đất nước trọn vẹn một dải.

Năm 1983, theo lời kêu gọi của Chính phủ, ông Phùng Quang Sửu và gia đình vào thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà xây dựng kinh tế mới. Đất Tân Hà khi ấy toàn cỏ lau, sình lầy, người cựu chiến binh và bà con phải đào từng gốc lau, khơi từng con mương, rút nước để trồng cây bắp, cây khoai mì, những vạt lúa một vụ. Khó khăn không làm chùn bước người lính, ông Sửu và gia đình đã bền bỉ lao động trên quê mới. Sau khi cây cà phê bắt đầu được phát triển, ông Sửu cũng như hầu hết bà con Tân Hà chọn cây cà phê làm cây trồng chính. Có thăng có trầm, cây cà phê đã gắn bó với người cựu chiến binh trong rất nhiều năm, giúp ông xây dựng kinh tế gia đình, nuôi con ăn học trưởng thành. Tuy nhiên, nhận thấy nhiều cây trồng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ông Phùng Quang Sửu đã tìm tòi và quyết định chuyển hướng cây trồng. Tham quan, học hỏi những mô hình nông nghiệp hiệu quả, ông Sửu quyết định trồng xen vào diện tích cà phê những cây sầu riêng giống Dona.

Với gần hai ha đất, năm 2017, ông Sửu đã xuống giống 120 cây sầu riêng xen lẫn với vườn cà phê. Sầu riêng lớn tới đâu, ông Sửu dẹp bớt cà phê để sầu riêng vươn tán tới đó. Ông cũng thừa nhận, trồng sầu riêng thật sự khó với những người nông dân chưa quen biết với loài cây trồng này. Ông học hỏi kĩ thuật trồng từ rất nhiều nguồn, từ những nông hộ trồng sầu riêng thành công, từ cán bộ kĩ thuật, tìm tòi trên mạng internet... Kết quả, năm 2022, vườn sầu riêng nhà ông đã cho trái bói. Và, năm 2023, vườn sầu riêng năm thứ sáu đã cho sản lượng 12 tấn. Đặc điểm của vùng đất Tân Hà là sầu riêng chín muộn. Vì vậy, ông được thương lái tới tận vườn thu mua với giá 70.000 đồng/kg. Chỉ sau sáu năm, vườn sầu riêng của ông đã cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Năm 2024, ông Sửu dự tính vườn sẽ đạt 20 tấn, cho thu hoạch cả tỷ đồng. Ông Sửu thông tin: “Sầu riêng không nên trồng quá dày, cây sẽ rợp, sâu bệnh nhiều, khó chăm hơn trồng thưa. Chăm sóc tốt, phân hữu cơ nhiều, phun thuốc đúng kỹ thuật, trái sầu riêng cho vỏ mỏng, thịt ngọt đậm, giá cao, được thị trường ưa chuộng”.

Ông Nguyễn Việt Trung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hà, huyện Lâm Hà nhận xét, ông Phùng Quang Sửu là một nông dân rất xuất sắc. Ông thuộc nhóm nông hộ đầu tiên trong xã Tân Hà mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng xen sầu riêng. Đặc biệt, ông Sửu áp dụng kĩ thuật canh tác sầu riêng rất khoa học. Vườn sầu riêng được trồng rất thưa, khi cây cao tầm 3,5 - 4 m, ông Sửu cắt ngọn, tạo điều kiện để cây phát triển cành ngang. Cây thưa, đủ nắng, cành ngang nhiều, vườn cho năng suất rất tốt dù tuổi cây còn non. Chính nhờ từ thành công của vườn sầu riêng ông Sửu, nhiều nông hộ trong xã đã mạnh dạn trồng sầu riêng xen vào vườn cà phê, tạo thu nhập đa dạng trên cùng một diện tích. 

Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Phùng Quang Sửu còn là một cựu chiến binh nhiệt thành với công tác xã hội. Ông tích cực tham gia mọi phong trào trong thôn, xã, sống mẫu mực trong gia đình, nhiệt tình với cộng đồng. Bóng dáng người cựu chiến binh già vẫn hằng ngày chăm chỉ lao động, hăng say sản xuất, mang lại thu nhập cao đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nông dân cũng như các thanh niên trong xã Tân Hà. Người lính Cụ Hồ, trải qua bom đạn trong chiến tranh, vẫn giữ được phẩm chất anh hùng trong thời bình, là tấm gương sáng trong gia đình và là gương sáng của lớp trẻ.