Đạ Pal: Đường lớn đã mở

04:06, 30/06/2021

Những kết quả đã đạt được từ sự đồng thuận và nỗ lực của cán bộ, Nhân dân ở Đạ Pal trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang trở thành những điểm sáng...

Những kết quả đã đạt được từ sự đồng thuận và nỗ lực của cán bộ, Nhân dân ở Đạ Pal trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang trở thành những điểm sáng. Cùng với đó, những con đường lớn được hình thành, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội để mai đây bộ mặt nông thôn ở Đạ Pal sẽ khang trang hơn, giàu đẹp hơn.
 
Con đường nối liền từ trung tâm huyện Đạ Tẻh đi xã Đạ Pal đã được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương trong hoạt động sản xuất, giao thương buôn bán
Con đường nối liền từ trung tâm huyện Đạ Tẻh đi xã Đạ Pal đã được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương trong hoạt động sản xuất, giao thương buôn bán
 
Nằm cách trung tâm huyện Đạ Tẻh hơn 10km, Đạ Pal là một trong những xã thuộc vùng sâu, vùng xa nhất huyện Đạ Tẻh. Tháng 8/2003, xã Đạ Pal được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Triệu Hải. Hiện toàn xã có 746 hộ với 2.438 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tại thôn Tôn K’Long có 493 khẩu/182 hộ, chiếm 20%.
 
Chủ tịch UBND xã Đạ Pal ông Chu Quang Tuấn không giấu nổi niềm vui mừng: Trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, một trong những dấu ấn rõ nét mà xã Đạ Pal đạt được đó là việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 
 
Ông Tuấn dẫn chứng, toàn xã Đạ Pal có diện tích đất tự nhiên hơn 5.100 ha; trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 1.300 ha, diện tích gieo trồng hàng năm hơn 1.700 ha. Như vậy, trung bình mỗi hộ gia đình tại xã Đạ Pal có diện tích đất sản xuất lên đến 2,5 ha. Diện tích sản xuất bình quân/hộ lớn nhưng không đồng nghĩa với kinh tế của người dân xã Đạ Pal khá giả. Bởi, trước đây, đa phần người dân trong xã chọn canh tác cây điều, vốn cho thu nhập và hiệu quả kinh tế rất thấp. 
 
Trong những năm qua, bằng nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, xã Đạ Pal đã vận động người dân chuyển đổi được hàng trăm ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân nâng cao nguồn thu nhập, ổn định diện tích sản xuất. Tùy vào điều kiện khu vực cụ thể, nhu cầu thực tế, thị trường và nhiều yếu tố khác mà địa phương định hướng nhiều khu vực sản xuất, tạo điều kiện cho nhiều gia đình lựa chọn cho mình những cây trồng phù hợp để chuyển đổi. 
 
Đơn cử, tại các thôn Xuân Châu, Xuân Phong, Xuân Thành, Xuân Thượng, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều diện tích đã được người dân ra sức chuyển đổi để trồng các loại cây ăn trái và trồng dâu tằm. Còn tại thôn Tôn K’Long, ở những khu vực thuận lợi về nguồn nước, việc chuyển đổi sang trồng cà phê, sầu riêng, mít Thái... cũng đã được người dân thực hiện. Cây điều chỉ còn hiện diện trên những khu đồi cao, nơi người dân chưa thể đưa được nguồn nước tới. 
 
Theo số liệu thống kê mới nhất, đến hết quý II/2021, trên địa bàn xã Đạ Pal hiện có gần 1.700 ha cây trồng lâu năm. Trong đó, diện tích dâu tằm 213,2 ha, tăng 17,7 ha so với cùng kỳ năm 2020; cà phê 381,65 ha; chè 27,2 ha; cao su 60 ha; cây keo lai 95,5 ha; cây điều 662,95 ha; đặc biệt, diện tích cây ăn trái đã lên đến hơn 250 ha, tăng hơn 57 ha so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, xã Đạ Pal còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
 
Hiện toàn xã cũng đang tiếp tục duy trì và phát triển 13 tổ hợp tác nuôi tằm, sản xuất kén chất lượng cao với 131 thành viên; 1 tổ hợp tác trồng điều với 22 thành viên; duy trì hoạt động làng nghề nuôi tằm thôn Xuân Phong; thành lập Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ dâu tằm Đạ Pal với 16 thành viên. Ngoài ra, việc chăn nuôi của người dân cũng đã có những bước tiến đáng kể, nhất là chăn nuôi bò, gia cầm, thủy cầm…
 
Theo ông Chu Quang Tuấn, một điều rất dễ nhận ra ở Đạ Pal hiện nay, ai có nhiều đất đai, cây trái nhiều thì có thu nhập cao; ai có ít đất đai nhưng đã chuyển sang trồng dâu, hay các loại cây ăn quả có giá trị cao thì cuộc sống cũng được ổn định hơn so với trước đây. Chính vì vậy, từ một xã gặp rất nhiều khó khăn, đến nay Đạ Pal hiện chỉ còn 21 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo. 
 
Đạ Pal trong những ngày này, hiện ra trước mắt chúng tôi là quang cảnh của một vùng quê tươi đẹp. Hai bên đường thôn, ngõ xóm, những căn nhà tôn gỉ sét, lụp xụp ngày nào nay được thay vào những ngôi nhà tầng xinh đẹp, khang trang. Những con đường nắng bụi, mưa bùn đã lùi xa, thay vào đó nay đã 100% bê tông và nhựa hóa, đường sá khang trang sạch đẹp, hai bên đường hoa nở bốn mùa.
 
Đặc biệt, con đường ĐT.726 nối liền từ trung tâm huyện Đạ Tẻh đi xã Đạ Pal đã được đầu tư mở rộng từ 3,5 lên đến 6,5m với hai làn đường, được thảm nhựa bê tông với nguồn vốn đầu tư lên đến 60 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương trong hoạt động sản xuất, giao thương buôn bán.
 
Rõ ràng, với những cách làm mà xã Đạ Pal đang triển khai trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sự thận trọng trong công tác chuyển đổi, phân tích dự báo tình hình, định hướng thị trường, đây là những điểm sáng để địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển đổi cây trồng, duy trì diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định, góp phần phát triển nông nghiệp mang tính bền vững và hiệu quả. Và, với con đường lớn Đạ Pal cũng đã mở, đây sẽ là tiền đề để cả hệ thống chính trị và Nhân dân toàn xã không ngừng nỗ lực, đồng lòng phấn đấu trong những năm tiếp theo, với đích đến xã nông thôn mới nâng cao. 
 
HOÀNG SA