Đạ Tẻh: Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão

05:06, 29/06/2021

Dự báo tình hình thiên tai trên địa bàn huyện Đạ Tẻh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, bất thường trong mùa mưa bão năm nay...

Dự báo tình hình thiên tai trên địa bàn huyện Đạ Tẻh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, bất thường trong mùa mưa bão năm nay. Để chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân, ngay từ đầu năm, huyện Đạ Tẻh đã xây dựng kế hoạch, phương án, chỉ đạo các xã, thị trấn theo phương châm “4 tại chỗ”.
 
Tiến hành chỉnh sửa, lợp mái nhà cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2020
Tiến hành chỉnh sửa, lợp mái nhà cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2020
 
Đạ Tẻh là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng, có địa bàn rộng, đồi dốc với hệ thống mạng lưới kênh mương chằng chịt, hồ đập khá nhiều, mùa mưa thường xảy ra lũ quét với lượng nước đổ về rất nhanh, bất ngờ nên nguy cơ sạt lở gây thiệt hại rất cao. Theo báo cáo, trong những năm qua trên địa bàn huyện thường xảy ra các loại hình thiên tai như bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ, sạt lở đất... đã tác động trực tiếp làm thiệt hại về người, tài sản của chính quyền và Nhân dân trên địa bàn huyện.
 
Năm 2020, trên địa bàn huyện xảy ra 4 đợt giông tố, lốc xoáy có cường độ mạnh kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Cụ thể, 73 nhà ở của các hộ dân bị hư hại, trong đó 4 nhà bị sập, 27 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 42 nhà bị tốc mái; 30 camera an ninh. Thiệt hại về chăn nuôi và cây trồng  gồm 2 con bò bị sét đánh chết; trên 15 ha cây công nghiệp và cây ăn quả (8-10 năm tuổi) bị đổ gãy, rụng trái và giảm năng suất… Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 khoảng 25 tỷ đồng.
 
Ông Tống Giang Nam, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: Ngay sau mỗi đợt mưa, bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện đều tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm; đồng thời, thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn các xã chỉ đạo khắc phục hậu quả, cứu trợ kịp thời và động viên Nhân dân tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống. 
 
Ngoài công tác kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các cấp, địa phương còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nâng cao cảnh giác, phòng, chống thiên tai; vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” nhằm huy động tổng lực về người, phương tiện, cơ sở vật chất nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã xây dựng phương án, luôn sẵn sàng hỗ trợ trong mọi tình huống.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cơ sở vật chất luôn sẵn sàng cho công tác di dời dân khi cấp thiết. Đối với phương tiện chủ yếu là nhà bạt, phao tròn, áo phao, phao bè cứu sinh được trang bị cho các xã, thị trấn, các đội xung kích, các cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng gồm: 17 ca nô, xuồng máy nhỏ, 3 máy phát điện, 19 bộ nhà bạt, 451 áo phao, 420 phao tròn cứu sinh và phương tiện tối thiểu cho đội xung kích cấp xã thành lập phải đảm bảo.
 
UBND huyện Đạ Tẻh thông tin, bước vào mùa mưa bão năm 2021, địa phương đã tiến hành đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai tương ứng theo các cấp độ rủi ro thiên tai, đảm bảo hoạt động tốt trong mọi tình huống. 
 
Đối với những khu vực dễ bị sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy như tuyến đường ĐT.725 khu vực buôn Con Ó, đường Đạ Pal đi Tôn Klong, đường đi buôn Tố Lan…; ở ven bờ sông gồm: bờ sông Đồng Nai, sông Đạ Tẻh, bờ sông Đạ Quay khu vực mỏ vẹt Thôn 11, xã Đạ Kho và một số khu vực khai thác đất đồi Thôn 3, 4 xã Đạ Kho... cũng đã bố trí những phương án cụ thể về tuyên truyền, cắt cử người, cùng phương tiện hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân.
 
Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cho hay: Mùa mưa trên địa bàn huyện bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11 hàng năm, lượng mưa lớn nhất của năm gần 3.000 mm; mưa lớn đã gây lũ, lụt, sạt lở đất. Đồng thời, đi theo mưa lớn là lốc xoáy, sấm sét gây thiệt hại tính mạng, tài sản của Nhân dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên mưa lớn diễn biến bất thường trong cả mùa khô.
 
Để chủ động và giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện xây dựng kế hoạch cụ thể sẵn sàng ứng phó, đồng thời cảnh báo, tuyên truyền đến người dân để có phương án chuẩn bị cho công tác phòng, chống bão lụt vào mùa mưa, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Song song với đó thành lập các tổ, lực lượng xung kích, cơ động trực 24/24 và chủ động thi công, duy tu, sửa chữa công trình hạ tầng đảm bảo tiến độ, có biện pháp an toàn thi công và quản lý chất lượng thi công các công trình trong mùa mưa.
 
THÂN THU HIỀN