Đóng góp của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

08:06, 12/06/2019

Cùng với các đại biểu Quốc hội trong cả nước, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, Đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều đóng góp tích cực, chất lượng, chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm, đúng thực chất, đáp ứng kỳ vọng của cử tri cả nước nói chung, cử tri và Nhân dân Lâm Đồng nói riêng.

Cùng với các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong cả nước, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, Đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều đóng góp tích cực, chất lượng, chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm, đúng thực chất, đáp ứng kỳ vọng của cử tri cả nước nói chung, cử tri và Nhân dân Lâm Đồng nói riêng.
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo phát biểu đóng góp ý kiến tại kỳ họp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo phát biểu đóng góp ý kiến tại kỳ họp
 
Trước thực trạng nhiều cán bộ y tế ở các cơ sở y tế công lập bỏ việc hoặc chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư nhân, đã khiến các bệnh viện công thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao; trước đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về những giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng này.
 
Sau khi nhận được chất vấn của đại biểu, ngày 14/6/2018, Bộ Y tế đã có Công văn số 3376 trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo.
Trong phần trả lời của Bộ Y tế đã nêu một loạt giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Những giải pháp này theo đại biểu Nguyễn Tạo: “Từ kỳ họp thứ 5 đến nay, ngành Y tế đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Y tế trong chỉ đạo ngành và tại địa phương. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại là chất lượng xây dựng các công trình trong ngành y tế, trong đó cử tri cũng phản ánh, có những công trình xây dựng nhiều năm nhưng chưa được đưa vào sử dụng, trang thiết bị y tế chưa được đưa vào sử dụng. Đây là vấn đề mà chính quyền và ngành y tế đang khắc phục để phục vụ Nhân dân tốt hơn”.
 
Phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo cũng đã tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị, cần cân nhắc các yếu tố đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung này phù hợp với các quy định của Hiến pháp và hệ thống các luật về tổ chức bộ máy nhà nước đang có hiệu lực.
 
Cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) - một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Cần hết sức cân nhắc trong quá trình tiếp thu giải trình các quy định dự thảo luật về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, những quy định như việc xuất bản sách giáo khoa tuân theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng quy định này là quy định gì thì không rõ. Đây là những điểm hạn chế của dự thảo luật có thể dẫn đến trường hợp loạn sách giáo khoa, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường, thi một nẻo. Bên cạnh đó, quy định UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương còn rất chung chung, không rõ là tài liệu gì, có giá trị như sách giáo khoa không, có gì khác với sách tài liệu tham khảo?”.
 
Tiếp tục góp ý cho Luật Cán bộ công chức - nội dung được dư luận và giới CC, VC rất quan tâm, ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Nghị quyết 26-NQ/TƯ về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ có đề ra chủ trương nghiên cứu thực hiện cơ chế chính sách liên thông giữa nguồn nhân lực ở trong khu vực công và khu vực tư; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”. Tôi thấy đây là một định hướng chính sách rất tốt, rất trúng. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo và các văn bản pháp luật hiện hành thì chính sách trên không những chưa được thể chế hóa, mà còn có những quy định tạo ra các rào cản rất lớn, khó có thể tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực tư vào khu vực công. Chẳng hạn, đối với việc tuyển dụng các cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ thì hầu hết các văn bản hiện nay của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều quy định hàng loạt các tiêu chuẩn mà nguồn nhân lực ngoài nhà nước không thể tham dự thi tuyển hay xét tuyển, như: về kinh nghiệm công tác: muốn bổ nhiệm cấp vụ thì phải quản lý cấp phòng tối thiểu từ 5 năm trở lên; đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên (mà muốn được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính thì trước đó phải là chuyên viên hoặc tương đương…). Như vậy, để đáp ứng các tiêu chuẩn kể trên thì chỉ có người đang công tác trong khu vực nhà nước ở ngành, lĩnh vực đó mới có khả năng có các bằng cấp, chứng chỉ, thâm niên công tác.
 
Với những tiêu chuẩn kể trên, thì việc xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ hiện nay, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp vụ chúng ta vẫn nặng về coi trọng thâm niên, kinh nghiệm công tác, nặng về bằng cấp thay vì kết quả công việc hoặc coi trọng khả năng hoàn thành công việc. Do vậy, trong lần sửa đổi lần này, đề nghị dự thảo luật phải thể chế hóa rõ chính sách liên thông giữa nguồn nhân lực ở trong khu vực công và khu vực tư; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”. 
 
Về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, Đoạn 3 Khoản 5 Điều 84 dự thảo quy định hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm”, tôi thấy quy định này chưa hợp lý. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng không nên quy định hình thức xử lý kỷ luật “xóa tư cách chức vụ” mà thay vào đó là các hình thức xử lý tác động trực tiếp vào các lợi ích hiện hữu họ đang được hưởng, như tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách hiện đang được hưởng bao gồm cả lương hưu, các danh hiệu, huân, huy chương… Đồng thời, cũng cần quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, khả thi.
 
NGUYỆT THU