Tạo ra bước chuyển biến toàn diện về văn hóa

08:06, 12/06/2019

(LĐ online) - Ngày 12/6, đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của BCH TW Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...

(LĐ online) - Ngày 12/6, đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của BCH TW Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và huyện, thành.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận phát biểu chỉ đạo hội nghị
 
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, từ Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động 89-CTr/TU theo hướng toàn diện, vừa mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam vừa thể hiện nét riêng mang bản sắc văn hóa của Lâm Đồng. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc thực hiện nghiêm túc, chu đáo, chặt chẽ 6 nhiệm vụ về văn hóa cùng 4 giải pháp được nêu trong NQ 33. Đó là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; Hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bên cạnh đó, tổ chức thành công 2 lễ hội là Festival hoa Đà Lạt, Tuần Văn hóa Trà Bảo Lộc nhằm quảng bá, tôn vinh các ngành nghề đặc trưng, thế mạnh của tỉnh và các ngày hội văn hóa -thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình nghệ thuật dân gian của đồng bào dân tộc Cơho, Churu, Mạ…
 
Từ đó, nâng cao được nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng về tầm quan trọng của văn hóa nói chung, xây dựng đời sống văn hóa nói riêng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các chương trình, chính sách về văn hóa của Trung ương và địa phương được triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả; thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng các đề án văn hoá nâng cao chất lượng hiệu quả các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng đến các mục tiêu xây dựng văn hóa lành mạnh. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được thực hiện nghiêm túc; công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, nhất là bản sắc mang nét đặc trưng của người Lâm Đồng được thực hiện có hiệu quả; hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, hấp dẫn về nội dung đáp ứng nhiệm vụ chính trị-xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. 
 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
 
Tại hội nghị, các tham luận của các địa phương, đơn vị đã làm sáng tỏ những thành quả đạt được và những hạn chế trong 5 năm thực hiện NQ33.
 
Đồng chí Trần Đức Quận đã biểu dương những thành quả đạt được qua 5 năm thực hiện NQ 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh: đã làm thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng văn hóa, tạo sự chuyển biến trong hành động, việc làm nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đồng thời, Phó Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Việc nhận thức và thực hiện NQ 33-NQ/TW và Chương trình hành động 89-CTr/TU của Tỉnh ủy có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ; việc chăm lo xây dựng con người chưa được quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp cụ thể; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có nơi vẫn còn hình thức, chất lượng chưa cao; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội chưa nghiêm; công tác quản lý nhà nước về các hoạt động dịch vụ văn hóa còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến môi trường văn hóa. 
 
Đồng chí đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới: Xác định rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, Mặt trận, đoàn thể trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW; tiếp tục tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam nói chung, con người Lâm Đồng nói riêng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa cả bề rộng và chiều sâu; quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng, hệ thống chính trị, văn hóa doanh nghiệp... 
 
QUỲNH UYỂN