Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

08:05, 17/05/2018

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP). Năm 1927, trong cuốn "Đường kách mệnh", phần mở đầu nói về tư cách của người cách mạng, Người viết: "Tự mình phải cần, kiệm". Người nhấn mạnh: "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP). Năm 1927, trong cuốn “Đường kách mệnh”, phần mở đầu nói về tư cách của người cách mạng, Người viết: “Tự mình phải cần, kiệm”. Người nhấn mạnh: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”. Lời kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và vẫn còn tươi nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay.
 
Về THTK, Hồ Chí Minh dạy “nếu ta khéo tiết kiệm sức người, sức của và thời giờ, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cùng tăng gấp bội. Đó là một sự thực chắc chắn, chứ không phải lý luận cao xa. Kinh nghiệm của các nước bạn đã tỏ rõ như vậy”. Đi đôi với THTK là CLP. Về lãng phí, Người chỉ rõ là tiêu dùng bừa bãi. Lãng phí tập trung vào 3 loại: lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của của nhân dân, đất nước. “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”.
 
Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Người, ngày 11/5/2018 UBND tỉnh ra Quyết định số 877/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động về THTK, CLP năm 2018. Theo đó, Lâm Đồng đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh THTK, CLP, ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH. Tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KT-XH.
 
Thực hành các giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả THTK, CLP nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực, góp phần hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và công dân về chủ trương THTK, CLP của Đảng, Nhà nước...
 
Thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh, các cấp và các ngành, các địa phương cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 8,5-8,7% so với năm 2017; GRDP bình quân đầu người từ 58,5-59 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 630 triệu USD, tăng 14,1% so với năm 2017. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, chuyển giá. Động viên hợp lý các nguồn lực, phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 12% so với thực hiện năm 2017; trong đó, thu từ thuế, phí tăng 14%. Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Quản lý chặt chẽ và hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán chi ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, chọn lọc các dự án thực sự cần thiết, trọng điểm, có tác động lan tỏa tới nền kinh tế mà khu vực tư nhân không thực hiện được để ưu tiên tập trung vốn (bao gồm cả vốn vay). Thực hiện huy động, phân bố, sử dụng vốn vay gắn với các ưu tiên chiến lược của nền kinh tế, trách nhiệm hoàn trả nợ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả... Thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định; CLP trong mua sắm tài sản nhà nước. Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phấn đấu huy động tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-33,5% GRDP... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về THTK, CLP; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. 
 
Để Chương trình hành động đạt hiệu quả cao, những giải pháp được UBND tỉnh đề ra là chú trọng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP tại các sở, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị và các tổ chức đoàn thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong THTK, CLP... Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn kết THTK, CLP với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong THTK, CLP.
 
LAN HỒ