Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ giản dị, gần gũi nhân dân

08:05, 17/05/2018

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, ở Người còn toát lên hình ảnh một con người rất đỗi giản dị, khiêm tốn, gần gũi nhân dân mà ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành người cách mạng, người công dân tốt trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, ở Người còn toát lên hình ảnh một con người rất đỗi giản dị, khiêm tốn, gần gũi nhân dân mà ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành người cách mạng, người công dân tốt trong xã hội.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954.
Ảnh: Tư liệu
Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh có quyền được hưởng thụ vật chất cao sang theo vị thế tối cao của mình, nhưng Người đã không làm điều đó, để sống một cuộc đời hết sức thanh bạch, bình dị: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người từng tâm sự là Chủ tịch của một nước nghèo nên không thể có một cuộc sống khác. 
 
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, từ Chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước mời Người ra ở tòa nhà lớn sang trọng của Phủ toàn quyền Đông Dương trước đây, nhưng Bác đã từ chối và chọn ngôi nhà của người thợ điện trong khu vực Phủ Chủ tịch để ở và làm việc. Khi có ngôi nhà sàn, Bác dùng tầng dưới làm nơi họp Bộ Chính trị và làm việc với cán bộ các ngành, tiếp khách, bạn bè đồng chí gần gũi hoặc các cháu thiếu niên, nhi đồng, còn chỉ dành cho mình hai phòng nhỏ ở tầng trên để làm việc và ngủ. Phòng làm việc cũng như phòng ngủ của Bác hết sức đơn giản: chiếc giường đơn trải chiếu cói, cái tủ nhỏ, bộ bàn ghế, chiếc máy thu thanh, cái quạt nan và những quyển sách. 
 
Phải nói rằng, giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị, chu đáo với mọi người là những đặc tính nổi bật trong đạo đức, lối sống và phong cách Hồ Chí Minh. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khái quát phong cách sống của Hồ Chí Minh: “Giản dị - lão thực - hiền minh”, thật cô đọng, thấm thía, sâu sắc. Sự giản dị ở Hồ Chí Minh là sự giản dị một cách tự nhiên vốn có của một vị lãnh tụ thiên tài, bậc vĩ nhân, hiền triết; nó hoàn toàn trái ngược với những người tỏ ra giản dị để lấy lòng dân. Có thể nói: Giản dị là nỗ lực cao nhất và cuối cùng của bậc thiên tài (danh ngôn) hoàn toàn đúng với trường hợp Hồ Chí Minh, một con người đã trải qua một quá trình phấn đấu không mệt mỏi cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân; trải nghiệm cuộc sống vô cùng phong phú, sâu sắc, thành ra cốt cách, bản lĩnh văn hóa. 
 
Cuộc sống bình dị, gần gũi, khiêm nhường của Hồ Chí Minh được biểu hiện một cách sinh động, đầy thuyết phục thông qua những việc làm cụ thể của Người và những lời nhận xét, đánh giá của người khác về Người.
 
Lúc sinh thời, vào ngày Tết Nguyên Đán, Bác Hồ thường rất quan tâm đến người nghèo, những người gặp hoàn cảnh éo le trong cuộc sống. Trước tết ba tháng, Bác thường nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị tết cho dân. Với Bác, dù công việc vô cùng bận rộn nhưng Người vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian để đến thăm hỏi, chúc tết đồng bào, đồng chí. Bác đến với mọi người trong ngày tết bằng tất cả trái tim yêu thương, bằng tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất. 
 
Mùa xuân độc lập đầu tiên, Xuân Bính Tuất năm 1946, vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa, Hồ Chủ tịch đã đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng... để được chính mắt nhìn thấy cảnh tết của người dân, tết nghèo của bà con lao động Hà Nội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến. Chính trong cuộc “vi hành” đêm ba mươi tết mùa xuân năm ấy, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô “tết mà không có tết” ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết.
 
Tối 30 Tết năm Nhâm Dần (1962), trời Hà Nội mưa phùn, rét buốt, Bác tới thăm gia đình chị Chín làm nghề gánh nước thuê, một gia đình có nhiều khó khăn, chồng mất sớm, để lại ba đứa con nhỏ dại. Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Các con chị reo lên: “A! Bác Hồ, Bác Hồ!” rồi chạy lại quanh Bác… Chị Chín cảm động, mừng rơi nước mắt. Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và ôn tồn nói: Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai? Câu chuyện Bác đến thăm và chúc tết gia đình chị Chín thật xúc động, đã xóa đi khoảng cách giữa một vị Chủ tịch nước với một người dân lao động bình thường trong xã hội. Hai câu chuyện đầy cảm động trên đây đã khắc họa đậm nét hình ảnh của một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, nhưng rất đỗi bình dị, mộc mạc, thân tình, thương dân, lo cho dân. 
 
Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn sống một cuộc sống hết sức bình dị, thanh cao. Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể rằng, lúc ở chiến khu, Người sống chung với anh em trong một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở, sinh hoạt đều như anh em. Người thích đi bộ, tắm sông, hút thuốc lá và thỉnh thoảng uống một ly rượu thuốc trong bữa cơm. Lúc ở rừng, Hồ Chí Minh chủ trương tránh ăn no, không ngủ trưa và vận động nhiều. Buổi sáng thể dục, buổi chiều làm vườn, lúc cần thì đi vác củi cho đồng bào (…). Khi về Hà Nội, Chủ tịch nước có phòng làm việc, phòng tiếp khách, nhiều khi chủ tọa những bữa tiệc long trọng, nhưng bình thường ngày hai bữa, Chủ tịch nước cùng nhân viên đều ăn chung. Nhiều lần, vì đến quá trễ, thức ăn không còn gì, Hồ Chí Minh vẫn vui cười ăn đủ mấy bát cơm như thường lệ.
 
Cuộc sống giản dị của Bác như một lẽ tự nhiên, hồn nhiên làm xúc động lòng người. Bữa ăn hàng ngày của Bác thường chỉ có canh cua, tương, cà, dưa muối, cá kho với lá gừng... Bác có thói quen khi đã ăn là ăn hết, không để thừa, tránh lãng phí. Nếu biết ăn không hết, Bác thường san ra trước khi ăn, phần người khác hoặc để lại cho bữa sau. Khi làm việc ở nhà, Bác thường mặc bộ quần áo bà ba màu nâu, đi guốc mộc. Khi tiếp khách, đi công tác, Bác hay mặc bộ quần áo ka ki bốn túi và đi dép cao su. Bác sống bình dị như mọi người dân. 
 
Nhà nghiên cứu Ê-len Tuốc me rơ, trong tác phẩm Trở thành người Bác như thế nào? xuất bản ở Béc-lin, Đức, đã viết: “Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình… Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”.
 
Hồ Chí Minh thanh cao, giản dị chứ không hề giản đơn, bởi suốt đời, Người không màng danh lợi, mà “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì vậy, Người sẵn sàng hy sinh tất cả để lo cho dân, cho nước; Người “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Người nói với nhân dân của Người bằng cả trái tim và tấm lòng: từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào thì từ nay về sau, mãi mãi tôi vẫn thuộc về đồng bào. Bởi phong cách sống thanh cao, nên Người tự rèn luyện cho mình một lối sống giản dị, giản dị đến hồn nhiên, an nhiên, tự tại, luôn vui vẻ lạc quan, để động viên, an ủi, cổ vũ mọi người. 
 
Có thể nói, sự giản dị, gần gũi ở Hồ Chí Minh hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới có được. Sự giản dị của Bác hết sức tự nhiên, không siêu thực mà ở ngay trong lòng dân, trong cuộc sống của nhân dân, do đó ai cũng có thể học tập và làm theo đức tính giản dị của Người. Bởi như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương mẫu mực về sự giản dị, khiêm tốn. Do đó, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất thiết phải học tập và làm theo đức tính khiêm tốn, giản dị của Người. Đó là một việc làm vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì nó không phải là những gì quá cao siêu, nhưng lại rất khó đối với những người lòng dạ chưa thật trong sáng. Do đó, đòi hỏi mỗi người chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên phải vượt qua mọi cám dỗ của quyền lực, tiền tài, danh vọng…, thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện theo các đức tính quý báu của Bác Hồ kính yêu.
 
LINH NHÂN