Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về "Nói đi đôi với làm" trong giai đoạn hiện nay

06:05, 17/05/2018

(LĐ online) - Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, "Nói đi đôi với làm" là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng: nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Trong bối cảnh hiện nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải đặc biệt chú trọng đến "Nói đi đôi với làm". 

(LĐ online) - Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, “Nói đi đôi với làm” là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng: nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Trong bối cảnh hiện nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải đặc biệt chú trọng đến “Nói đi đôi với làm”. 
 
QUÁN TRIỆT, THẤU SUỐT QUAN ĐIỂM “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM” CỦA HỒ CHÍ MINH
 
Quan điểm “Nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nguồn gốc sâu xa từ mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn đã được đề cập từ thời cổ đại, được chủ nghĩa Mác - Lênin phát triển nâng lên thành khái niệm thực sự khoa học về mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn; nó không chỉ giải thích về mặt lý luận, mà còn vạch ra con đường, những phương tiện cải tạo thế giới bằng thực tiễn trên cơ sở lý luận. Từ những quan điểm lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông". Từ đó, Người đã dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau để mọi người dễ hiểu: "Lý luận đi đôi với thực tiễn", "Lý luận kết hợp với thực hành", "Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”, "Lý luận phải liên hệ với thực tế”… Đặc biệt, điều cốt lõi nhất mà Người muốn nhấn mạnh về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, chính là "Nói thì phải đi đôi với làm”. 
 
Từ năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, trong 23 điều phải có về tư cách của người cách mệnh thì điều thứ 10 là “Nói thì phải làm”. Trong cuốn Sửa đổi lối làm việc (1947), nói về mối quan hệ phải có giữa “lý luận và thực hành”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”, mà “Lý luận phải đem ra thực hành”, “học thì phải hành”…Có thể nói, “miệng nói tay làm”, “nói ít làm nhiều” là sự biểu hiện minh triết Hồ Chí Minh. 
 
“Nói thì phải làm” theo tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với việc làm, đòi hỏi mỗi người phải vừa có nhận thức đúng, vừa phải có sự cố gắng, bền bỉ và quyết tâm vượt qua sự cám dỗ của lợi ích cá nhân; nếu không sẽ dẫn đến nói không đi đôi với làm và công việc sẽ không hoàn thành. Theo Bác, nói đi đôi với làm phải được thể hiện bằng kết quả công việc, bằng những sản phẩm cụ thể; kết quả công việc là thước đo đánh giá phẩm chất của mỗi người. Người phê phán những cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít: Trong Đảng ta, có một số người…chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế…
 
Giữa nói và làm, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào “làm”: … miệng nói, tay làm… Phải thật thà nhúng tay vào việc. Nói ít, làm nhiều. Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được. Nói miệng, ai cũng làm được. Ta cần phải thực hành. Theo Người, về bản chất, “Nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người. Từ đó, Người yêu cầu: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện “Nói đi đôi với làm” vừa dễ, vừa khó. Dễ là đối với những người thấu hiểu tầm quan trọng của nó, luôn lấy đó là nguyên tắc sống, là kim chỉ nam trong mọi hành động. Còn khó là đối với những người chưa thấy hết tầm quan trọng của “Nói đi đôi với làm”, dẫn đến thiếu ý thức rèn luyện, phấn đấu. Điều đó đồng nghĩa với việc nói mà không làm, hoặc nói xong để đấy theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.
 
Tựu trung lại, “Nói đi đôi với làm” theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở ba nội dung rất căn bản, đó là  (1) “Nói” phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai. Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thường xuyên nghiên cứu, học tập lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững những nội dung cơ bản, cốt lõi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… 
 
(2) Không được “nói một đằng làm một nẻo”, bởi nói một đằng làm một nẻo có hại cho công việc, cho sự nghiệp cách mạng. Để chống việc nói một đàng làm một nẻo, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể và cá nhân. Khi giao nhiệm vụ phải thật cụ thể, chi tiết, không chung chung, đại khái, ai hiểu thế nào cũng được, như vậy rất khó thực hiện. 
 
(3) Tránh nói, tránh hứa mà không làm. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. Để tránh việc hứa mà không làm, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên đã nói thì phải làm, “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Cán bộ lãnh đạo làm gương cho nhân viên; cấp trên làm gương cho cấp dưới; cán bộ, đảng viên làm gương cho nhân dân. 
 
TẤM GƯƠNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM” 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhiều đến vai trò, tác dụng của đạo đức, nêu ra những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức cho cán bộ và nhân dân thực hiện. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh thực hành đạo đức còn nhiều hơn những điều Người nói, hoặc chỉ lặng lẽ, kiên trì nêu gương mà không nói. Với Người, từ việc nhỏ tới việc lớn, từ việc riêng tới việc chung, bao giờ cũng “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”. Nói đi đôi với làm là một trong những phẩm chất sáng ngời của Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.
 
Ở Hồ Chí Minh luôn có sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức với thực hành đạo đức, Người nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. Trước khi qua đời, Người còn viết trong Di chúc: "Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".
 
Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh là lời nói luôn luôn đi đôi với việc làm và tự mình làm gương trước. Người quan niệm: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước..”.; “tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính, mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được...”. Tấm gương nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ quan niệm của Người, từ lòng dạ trong sáng, thật sự nêu gương của Người.
 
Trong suốt cuộc đời, Bác đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ “Nói đi đôi với làm”. Nhiều câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói đi đôi với làm, tự mình làm trước của Bác để cho chúng ta học tập: Năm 1945, cứ 10 ngày Bác nhịn ăn một bữa, đem gạo đó để cứu dân nghèo; những năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, khi kinh tế đất nước khó khăn, Người đề nghị nhà bếp nấu cơm độn cho Người giống như cán bộ, nhân dân; những chuyến đi thăm các địa phương trong ngày, Bác thường mang theo cơm nắm với muối vừng vì không muốn phiền hà cơ sở; Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng của Toàn quyền Ðông Dương trước đây để ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ; đi dép lốp, mặc áo vá vai, dùng chiếc ô tô cũ, mùa hè nóng bức, dùng chiếc quạt lá cọ, “để dành điện phục vụ cho sản xuất, dành điện phục vụ sinh hoạt cho nhân dân” … Người coi đó là “cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi”. Khi ăn cơm, không bao giờ Người để rơi cơm, Bác bảo một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ không để rơi một hạt cơm. Bởi vì, Cụ quý và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ đức lớn hài hòa ở một con người.
 
Phẩm chất “Nói đi đôi với làm” của Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta về lẽ sống “thật”, đối lập với giả dối như Người đã cảnh báo: “Có những người miệng thì nói: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”.
 
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM” TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY 
 
Soi vào các chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh cho thấy tình hình “Nói đi đôi với làm” hiện nay trong Ðảng và trong xã hội đang bị tha hóa, biến chất nghiêm trọng. Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, nghĩ và nói không thống nhất với nhau,…vv và vv đang diễn ra ở nhiều nơi, ở không ít người, trong đó có cả không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao. Bệnh nói dối, làm sai, dối cấp trên, dối dân, bao che khuyết điểm cho nhau, hình thành phe phái, cánh hẩu, lợi ích nhóm để thực hiện hành vi tham nhũng…đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân. Vì lẽ đó, việc thực hiện “Nói đi đôi với làm” theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang đặt ra một cách cấp thiết và quyết liệt, nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay. 
 
Việc thực hiện “Nói đi đôi với làm” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, mà còn góp phần thực hành đạo đức cách mạng. Nói đi đôi với làm thuộc phạm trù đạo đức, do đó biện pháp thực hiện phải hết sức đồng bộ, vừa coi trọng sự giáo dục lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, tính tự giác, chống chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người; vừa sử dụng các biện pháp về hành chính như: Thực hiện công khai minh bạch các chế độ, chính sách, chủ trương, chương trình, dự án…để các tổ chức, nhân dân thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát; xóa bỏ các cơ chế quản lý lỗi thời, căn nguyên tạo ra các tiêu cực trong xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm minh, không đề bạt, bố trí những cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm…Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc thực hiện nói đi đôi với làm muốn đạt được kết quả thiết thực, trước hết yêu cầu yêu cầu cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo các cấp cần phải tích cực, tự giác và gương mẫu làm trước để quần chúng nhân dân làm theo. Theo đó phải làm từ trên xuống dưới, từ người lãnh đạo cấp cao đến cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở.  
 
Để “Nói đi đôi với làm” có hiệu quả và khắc phục được tình trạng nói không đi đôi với làm, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo…, đòi hỏi mỗi người cần thấm nhuần sâu sắc truyền thống văn hóa phương Đông “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyền truyền”, bởi tư tưởng của Bác cũng có nguồn gốc sâu xa từ đấy. Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã nhận xét: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể”. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng được thể hiện trong từng việc làm cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Nói đi đôi với làm phải gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm và chống chủ nghĩa cá nhân. Chỉ trên cơ sở đó, cán bộ, đảng viên mới thu phục được quần chúng, mới cảm hóa, lôi kéo họ tham gia các phong trào. 
 
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó, coi trọng việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của đảng viên về “Nói đi đôi với làm” và chấp hành kỷ luật phát ngôn. Để Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 đạt được yêu cầu đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và mỗi cá nhân cần chú trọng thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau đây:
 
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp phải thực sự trở thành tấm gương sáng cho nhân dân noi theo, phải thực sự đi trước, làm trước để nhân dân làm theo. Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở: muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức giữ gìn và nêu gương về mặt đạo đức, nếu không thì rồi sẽ hỏng cả. Nếu lãnh đạo các cấp tự giác nêu gương về đạo đức, lối sống, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí; không để gia đình mình, con cái mình lợi dụng để làm những điều sai trái…thì sẽ củng cố và nâng cao được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào tính ưu việt của chế độ ta. 
 
Thứ hai, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp cũng như trong nhân dân về tầm quan trọng của việc “Nói đi đôi với làm”. Chú trọng hơn nữa việc nêu gương, nhân rộng những tấm gương sáng, điển hình về “Nói đi đôi với làm” để cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo; bởi phạm trù đạo đức những “tấm gương sống” luôn có sức cảm hóa và hiệu quả giáo dục hết sức to lớn. Sinh thời, Hồ Chí Minh rất coi trọng biểu dương “người tốt, việc tốt”. Đồng thời với nêu gương, cần phải nhắc nhở, kiểm điểm, phê bình, thậm chí kỷ luật những cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm trong việc “Nói đi đôi với làm”. 
 
Thứ ba, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần vận dụng quan điểm “Nói đi đôi với làm” vào sửa đổi lề lối, tác phong làm việc; thực hiện phương châm sâu sát cơ sở, gần dân, thân dân, học dân, đồng cảm với nhân dân, lắng nghe tiếng nói của người dân"; việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh".  Phải xem "Nói đi đôi với làm" không chỉ là nguyên tắc, đạo đức, lẽ sống mà còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trong sáng của mỗi con người…Các cơ quan lãnh đạo, các tổ chức Đảng tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc; đổi mới cách ra nghị quyết, tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết; tiếp tục “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế, cơ sở; nói đi đôi với làm”…
 
Thứ tư, đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, đảng viên; đánh giá, sử dụng cán bộ phải “lấy hiệu quả thực tế của công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những biểu hiện sai lệch của cán bộ, đảng viên trong phong cách làm việc nói chung, trong việc thực hành phương châm “Nói đi đôi với làm” nói riêng; kiên quyết đưa ra khỏi các cương vị lãnh đạo, quản lý những cán bộ “Nói không đi đôi với làm”... 
 
Thứ năm, kiên quyết đấu tranh với những bệnh tham ô, lười biếng, háo danh, cửa quyền, nói một đằng, làm một nẻo hoặc nói không đi đôi với làm; khắc phục tình trạng “Dĩ hòa vi quý”, chủ nghĩa bình quân , cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút ý chí chiến đấu, sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm; thực hiện làm đúng những gì đã nói, làm tốt những việc cần làm, đáng làm. 
 
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó có tấm gương về phong cách làm việc “Nói đi đôi với làm” của Người”, gắn với tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó, coi trọng việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của đảng viên về “nói đi đôi với làm” và chấp hành kỷ luật phát ngôn. Kiên quyết thực hành trong toàn Đảng phong cách nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm; kiên quyết không được để xảy ra tình trạng thất hứa với nhân dân dù là việc nhỏ nhất. Các cán bộ có chức vụ càng cao thì càng phải làm gương thực hiện. Mỗi đảng viên phải tự mình phấn đấu thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng viên làm bất kỳ việc gì cũng phải gương mẫu”.
 
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi  Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện phương châm “Nói đi đôi với làm” của Hồ Chí Minh có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn. Mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp nỗ lực thực hiện tốt những biện pháp trên sẽ góp phần thực hành phong cách làm việc “Nói đi đôi với làm” đạt hiệu quả thiết thực. Đó cũng là tấm lòng trong sáng của chúng ta kính dâng lên Bác Hồ Kính yêu nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh nhật của Người.
 
NGUYỄN VĂN HƯƠNG