Hội nghị trực tuyến tổng kết 12 năm thực hiện Luật BV&PTR

08:08, 25/08/2016

Chiều ngày 25/8, Hội nghị trực tuyến do Trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh...

Chiều ngày 25/8, Hội nghị trực tuyến do Trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh; các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, BQL rừng, Vườn quốc gia, các đơn vị nghiên cứu khoa học và chuyển giao giống lâm nghiệp… cùng lãnh đạo UBND của 12 huyện, thành phố và đơn vị liên quan tại các đầu cầu trực tuyến.
 

Hội nghị trực tuyến tại UBND tỉnh
Hội nghị trực tuyến tại UBND tỉnh


Lâm Đồng có diện tích rừng 532 ngàn ha đất có rừng, độ che phủ rừng 53,1% (đứng thứ 2 trong 5 tỉnh Tây Nguyên). Sau 12 năm thực hiện Luật BV&PTR, các chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác QLBV&PTR, nhiều quy định của Luật đã được triển khai đem lại những kết quả tích cực, đặc biệt là công tác bảo vệ rừng; khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đã có nhiều tiến bộ và từng bước đi vào nề nếp; ý thức của người dân trong công tác BV&PTR được nâng cao.

Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn đã đánh giá sơ bộ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân về công tác BV&PTR trên nhiều mặt như: Ban hành các văn bản pháp quy, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra thi hành Luật; Phân loại rừng, quy hoạch, kế hoạch BV&PTR; Giao (cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng) rừng; Đăng ký quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; Thống kê, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; Định giá rừng; Bảo vệ rừng; Phát triển rừng, sử dụng rừng…

Hội nghị cũng được nghe một số đại diện các ngành, địa phương báo cáo một số mặt cụ thể liên quan đến thực hiện Luật BV&PTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt các ngành như Công an, Sở TN&MT, Tư pháp, Thanh tra đã đóng góp nhiều ý kiến sát thực nhằm làm rõ hơn công tác thực hiện Luật BV&PTR của tỉnh, trong đó đánh giá cụ thể tình trạng mất rừng, nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể và cá nhân…

Kết luận Hội nghị trực tuyến, ông Phạm S cho rằng, đây là năm đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ mức độ các vụ vi phạm lâm luật giảm cao nhất. Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ thực hiện Luật BV&PTR là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong công tác chỉ đạo. Từ thực tế, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo công tác BV&PTR từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Căn cứ tính pháp lý của Luật BV&PTR tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hành động có hiệu quả trong công tác QL&BVR nói riêng và trên nhiều mặt liên quan hữu cơ khác như du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, xét xử các hành vi vi phạm quyết liệt… Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn còn lúng túng trong quá trình thực thi pháp luật ở một số lĩnh vực liên quan, ví dụ như quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, công tác bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường… Ông Phạm S đã chỉ ra 10 vấn đề cụ thể đang nẩy sinh tính bất cập trong quá trình thực thi của thực tiễn so với các văn bản pháp quy của Nhà nước. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo một số nội dung cụ thể liên quan đối với các ngành, các địa phương trong tỉnh…

(Báo Lâm Đồng sẽ có bài phản ánh cụ thể vào kỳ xuất bản sau).

MINH ĐẠO