Tâm ta có sáng, lòng ta có trong, bút ta có sắc?

05:06, 21/06/2021

Ngày 21/6/1925, Báo "Thanh niên" - tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã chính thức ra đời...

Ngày 21/6/1925, Báo “Thanh niên” - tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã chính thức ra đời. Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 52 lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam. Tiếp theo, ngày 21/6/2000, Bộ Chính trị chính thức đổi tên thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. 
 
Phóng viên Báo Lâm Đồng và các đồng nghiệp tác nghiệp ở Trường Sa. Ảnh: Hải Đường
Phóng viên Báo Lâm Đồng và các đồng nghiệp tác nghiệp ở Trường Sa. Ảnh: Hải Đường
 
Trải qua 96 năm với nhiều khó khăn, thử thách, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, bản lĩnh vững vàng, xứng đáng là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Trong 2 cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, những người làm báo cách mạng đã xông pha trong làn tên, mũi đạn, để lại nhiều bài báo làm lay động lòng người. Hơn 400 nhà báo đã ngã xuống trên khắp các chiến trường để những tác phẩm của họ trở thành chứng nhân sống động trong dòng lịch sử hào hùng của dân tộc.
 
Từ sau ngày giải phóng thống nhất đất nước đến nay, dù phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng Đảng, đất nước, dân tộc. Đặc biệt, hơn 35 năm đổi mới, báo chí luôn tiên phong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ thực tiễn, báo chí đã phát hiện, nhân rộng, làm lan tỏa những việc làm hay, những mô hình tốt, những tấm gương sáng trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội. Báo chí cổ vũ mọi phong trào, tạo thành hành động cách mạng, góp phần đem lại những thành quả to lớn trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Nổi bật nhất là thành quả xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, sự công bằng trong thụ hưởng của Nhân dân vùng nông thôn và thành thị mà minh chứng rõ ràng nhất là chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam được xếp vị trí thứ 5 toàn thế giới và đứng vị trí thứ 2 khu vực châu Á. Báo chí đã góp phần quan trọng trong phát huy dân chủ, đảm bảo công bằng xã hội; cổ vũ sức mạnh toàn dân trong giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, thông qua công tác tuyên truyền, báo chí đã làm nên hào khí Việt, cả nước đồng lòng thực hiện lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, góp phần đem lại hiệu quả cao trong phòng, chống dịch, được thế giới ngợi ca. 
 
96 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam là lực lượng tiên phong, đi đầu phê phán những thói hư, tật xấu; kiên cường đấu tranh với tệ quan liêu, hách dịch, thói vòi vĩnh, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, bệnh thành tích, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm cùng sự tha hóa, biến chất của một phận cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Báo chí đã trở thành cánh tay đắc lực của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Báo chí cũng đã thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc và có trách nhiệm về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và pháp luật. 
 
Thành quả của báo chí cách mạng trong 96 năm qua là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, có một bộ phận nhà báo đã không giữ được mình, đánh mất niềm vinh dự, tự hào của một nghề cao quý được Đảng vinh danh, xã hội trân quý. Mà minh chứng là chuyện nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình (Báo Thương hiệu và Công luận) bị bắt khi đang nhận hối lộ 70.000 USD của một công ty nước ngoài. Chuyện nhà báo Văn Thành - Trưởng Văn phòng thường trú Báo Kinh tế Nông thôn tại Nghệ An sa chân vào vòng lao lý, vì tội ép một doanh nghiệp phải đưa 20 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng. Chuyện Võ Thanh Tùng - phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM bị bắt giữ khi đang nhận tiền hối lộ từ đại diện một chủ quán bar ở Đồng Nai để làm ngơ những sai phạm của quán bar này. Hay chuyện nữ nhà báo Phạm Lê Hoàng Uyển (Văn phòng đại diện phía Nam của Báo Hòa nhập và Phát triển) lãnh án 4 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”… Không phủ nhận rằng, mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động tiêu cực vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội và sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền đã làm tha hóa đạo đức, đưa chân một số nhà báo vào vòng lao lý. 
 
Đáng mừng, đến nay báo chí Lâm Đồng đã không vướng vào vòng xoáy của thế lực đồng tiền. Người làm báo Lâm Đồng luôn thực hiện 10 điều quy định đạo đức người làm báo, dùng ngòi bút của mình phục vụ lợi ích Nhân dân, cộng đồng, xã hội; phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng bộ và công tác quản lý của chính quyền địa phương. Người làm báo Lâm Đồng nhận thức rõ tác hại của cái gọi là “quyền lực thứ tư” nên tránh được sự lạm quyền, tùy tiện, vô trách nhiệm; đã cơ bản tránh được các căn bệnh trầm kha mà các nhà báo thường biện minh rằng đó là “bệnh nghề nghiệp” như: bệnh thiếu kỷ luật, trịch thượng, ba hoa, qua loa, hời hợt, háo danh, “mượn cá chém thớt”; suy diễn chủ quan. Nhìn chung, người làm báo Lâm Đồng đã cơ bản giữ được cốt cách của người làm báo cách mạng: bản lĩnh, trung thực, đẩy lùi cám dỗ và tham vọng; nhận diện đúng, sai tỏ tường, phân minh; ứng xử hài hòa trên tinh thần tôn trọng sự thật và xây dựng; không ngại phản biện những chủ trương, chính sách xa rời thực tiễn; dũng cảm phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thể hiện rõ trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, địa phương, công chúng, bổn báo và đối với ngòi bút của chính mình.
 
Kỷ niệm 96 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam là dịp để mỗi một nhà báo Lâm Đồng tự hào với truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, đồng thời cũng là dịp để mỗi một nhà báo Lâm Đồng nhận diện rõ những điểm tối màu về đạo đức của người làm báo và nghiêm túc tự hỏi: tâm ta có sáng? lòng ta có trong? bút ta có sắc? như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và là người thầy vĩ đại của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. 
 
VĂN TÒA