Dư âm cũ và không gian mới

05:05, 06/05/2021

Trên đất nước mình, nếu lựa chọn một địa chỉ cho sự phù hợp để kiến tạo nên các không gian nghệ thuật, thì Đà Lạt sẽ là một trong những đô thị mà nhiều người nghĩ đến...

Trên đất nước mình, nếu lựa chọn một địa chỉ cho sự phù hợp để kiến tạo nên các không gian nghệ thuật, thì Đà Lạt sẽ là một trong những đô thị mà nhiều người nghĩ đến. Trên cái nền khác biệt về khí hậu, thiên nhiên, cảnh quan và kiến trúc nhuốm một vẻ u hoài miên viễn như là một thứ đặc sản tạo cho những người có năng lực sáng tạo nghệ thuật có cảm giác cần phải níu giữ những xúc cảm vốn hình thành từ trong hồi cố và trải nghiệm…
 
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (ngồi thứ hai, phải qua) cùng bạn bè nghệ sĩ trong triển lãm tranh Đinh Cường, mùa Đông năm 1965. Ảnh: Tư liệu
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (ngồi thứ hai, phải qua) cùng bạn bè nghệ sĩ trong triển lãm tranh Đinh Cường, mùa Đông năm 1965. Ảnh: Tư liệu
 
1. Hình như nghệ thuật phù hợp với những tiền đề khách quan vừa nói. Thực tế thì Đà Lạt từng hiện hữu như một nơi chốn nuôi dưỡng nguồn cảm hứng ban đầu cho những người đắm mình và dấn thân trong lĩnh vực sáng tạo cái đẹp. Tôi muốn bày tỏ điều đó, muốn lắng về một vùng ký ức xưa cũ của đô thị này. Nhưng trở về với những giá trị của thời đã qua không chỉ để tôn vinh hay tiếc nuối mà điều quan trọng hơn là nhằm kiếm tìm một lựa chọn phù hợp, mang một chiều sâu và hơi thở mới trong quá trình kiến tạo, bổ sung những không gian nghệ thuật đương đại. 
 
Ngày xưa, Đà Lạt vốn không xa Sài Gòn, đô thị lớn nhất miền Nam cũ. Vì vậy, nhiều tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật thời ấy đã lựa chọn thành phố cao nguyên với những núi đồi, rừng thông, sương mù, hồ thác liêu sơ này làm nơi chốn dừng chân một chặng trên hành trình dấn thân. Phố trong rừng giữa cao nguyên miền thượng từng là không gian giao cảm của tình mặc khách, ấm áp những cuộc hạnh ngộ của các tao nhân. Đôi bạn thơ tri kỷ Quách Tấn và Hàn Mặc Tử, trong một lần tương ngộ Đà Lạt đã lưu lại hai thi phẩm nổi tiếng diễn tả về cái đẹp của thiên nhiên hòa điệu cùng trạng thái cô đơn kiếp người. Người dân nơi này cũng hãy còn nhớ tên tuổi các văn nhân từng sống và sáng tác ở đây như Võ Hồng, Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Cao Hoàng, Lệ Khánh. Nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy hình thành sau này có bóng dáng một Đà Lạt quyến rũ, gợi tình trong ký ức những năm tháng hoa niên mà ông cùng gánh nhạc Đức Huy lăn lóc trong những phòng trà Đà Lạt. Từ cặp vợ chồng nghệ sĩ Lê Uyên và Phương (ghép nghệ danh chung là Lê Uyên Phương) đến các nhạc sĩ Từ Công Phụng, Hoàng Nguyên, Lam Phương hay các danh ca Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Thanh Tuyền cũng đã có những ký ức từ thuở ấu niên hay ít nhất là một phần đời gắn bó với Đà Lạt…
 
Cũng có người đã chọn Đà Lạt làm nơi ký thác đoạn cuối cuộc đời như nữ sĩ Tương Phố, thi nhân đã gối đầu lên ngọn đồi Tương Sơn phía chân thác Prenn để gửi nắm xương tàn sau những mùa “Mưa gió sông Tương”. Nhà văn Nhất Linh đã dành một chặng lên với xứ sương mù thổi hắc tiêu và nuôi những nhánh lan rừng thay cho những tham vọng chính trị bất thành và sau đó về lại Sài Gòn trút hơi thở cuối cùng trong một cuộc ra đi đầy bi cảm. Về sau, họa sỹ lãng tử Hoàng Lập Ngôn cũng chọn đất này để dừng bánh chiếc xe lăn Mê Ly từng lăn xuyên qua hai thế kỷ; họa sỹ Lưu Công Nhân gắn với Đà Lạt những ngày tận cuộc và gửi thân xác vào đất cao nguyên vĩnh viễn; điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thì rời quê nhà đến đây xây vườn tượng giữa một rừng thông cổ thụ… 
 
Lại nhớ về những năm tháng quê hương điêu tàn bởi chiến tranh, trong lòng Đà Lạt lạnh lẽo, có những nghệ sĩ trẻ hằng đêm ngồi bên nhau đàm luận và cầu mong cho một ngày hòa bình về trên đất mẹ. Họ là họa sĩ Trịnh Cung, họa sĩ Đinh Cường; là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly; là vợ chồng đạo diễn Hoàng Anh Tuấn - Ngô Thi Liên. Những “sa-lon nghệ thuật” của một thời tuổi trẻ đã góp phần hình thành nên sự nghiệp sáng tạo của họ sau này. Đặc biệt, những cuộc đàm luận triết học và nghệ thuật thường đi đến bế tắc khi cùng ví nhau như những chàng Sisyphe trong tác phẩm của Albert Camus, bị khổ sai bằng việc hằng ngày phải lăn một tảng đá lên núi rồi thả tay cho tảng đá lăn xuống núi. Đó là biểu cảm về một đời sống hoang hoải, ẩn ức và vô nghĩa của tuổi trẻ đương thời. Nhưng từ tâm trạng ấy đã trở thành xúc tác cảm hứng cho tập nhạc phản chiến mang tự tình dân tộc “Ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn ra đời, một sự chuyển hướng quan trọng trong âm nhạc của ông. “Ca khúc da vàng” bắt đầu từ mùa Hè 1966 bằng những đêm nhạc ở Trường tư thục Việt Anh (Đà Lạt) và Viện Đại học Đà Lạt, rồi sau đó mới cất lên trên giảng đường Đại học Văn khoa Sài Gòn, trên khắp miền Nam bởi tiếng hát Khánh Ly và những người Việt Nam tha thiết với giống nòi…
 
Hồi đó, chỉ là một góc căn biệt thự mang tên Rue Des Roses thuê theo tháng mà lại là nơi “quần hùng” của nhiều tài nhân lừng lẫy về sau. Chỉ là sân khấu sinh viên của giảng đường Spellman của Viện Đại học Đà Lạt mà đã tạo ra những tên tuổi lớn trong nền điện ảnh, kịch nghệ như đạo diễn Lê Cung Bắc, biên kịch Phạm Thùy Nhân, Lê Kim Ngữ hay diễn viên Thanh Lan. Chỉ là quán cà phê nhỏ như Tùng của ông bà Trần Đình Tùng - Lê Thị Giác cũng trở thành địa chỉ giao thiệp, đàm luận của hầu hết văn nghệ sĩ miền Nam khi đến Đà Lạt. Nhạc quán Lục Huyền Cầm của vợ chồng Lê Uyên Phương là tụ điểm sinh hoạt văn nghệ sang trọng, nơi tập hợp giới văn chương, âm nhạc và hội họa để bàn chuyện thời thế, tranh biện học thuật và kích thích cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Người ta còn nhắc đến Night Club, nơi khởi đầu định hình phong cách cho danh ca Khánh Ly, mà thời kỳ đầu đi hát còn mang tên Nguyễn Thị Lệ Mai…
 
Nhắc lại một vài tên tuổi, một vài chuyện để muốn nói nhiều hơn rằng, Đà Lạt từng một thời là nơi chốn của những cuộc tao ngộ nghệ thuật, từng làm điểm xuất phát cho sự tỏa sáng của nhiều tài danh. Ký vãng với những giá trị cũ, như là khẳng định Đà Lạt từng là một không gian của nghệ thuật, hiếm hoi và khác lạ giữa miền Nam đầy mùi thuốc súng.
 
Phố bích họa Dốc Nhà Làng. Ảnh: Hà Hữu Nết
Phố bích họa Dốc Nhà Làng. Ảnh: Hà Hữu Nết
 
2. Gần đây, chỉ trong một thời gian ngắn, công chúng Đà Lạt được chứng kiến nhiều cuộc “trở về”. Tôi muốn nhấn mạnh từ “trở về”, bởi lẽ, khi hình thành ý tưởng về việc tổ chức các sự kiện cá nhân ở phố núi trong đoạn sau cuộc đời, các văn, nghệ sĩ như muốn được trả món nợ ân tình xưa cũ và làm nguôi ngoai bớt nỗi nhớ về một thời tuổi trẻ. Trước ngày tạ thế, nhạc sĩ Phạm Duy đã dành cho công chúng Đà Lạt một đêm nhạc trọn tình và ướt đẫm nước mắt ký ức. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời lên Đà Lạt ngồi gõ đàn hát mộc với bạn bè một năm không ít hơn vài lần. Họa sĩ Đinh Cường mang từ Mỹ về Đà Lạt những bức tranh của một thời xa xưa mà ông còn lưu giữ để làm một cuộc triển lãm chung cùng bạn hữu ngập tràn cảm xúc hoài niệm. Khánh Ly về lại miền cố xứ và hát với người Đà Lạt để nhớ lại những năm tháng bập bùng theo tiếng guitar của Trịnh bên đồi thông lạnh lẽo. Tuấn Ngọc nhiều lần trở lại trả nợ ân tình với mảnh đất mà mình sinh ra và mở đầu sự nghiệp cầm ca. Các con của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu, người được coi là “phù thủy” của nghệ thuật phân sắc độ từ hơn năm mươi năm trước, đã mở một cuộc triển lãm đầy ấn tượng để tưởng nhớ cha mình. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, tác giả của nhiều bộ phim nổi tiếng, cũng đã chia sẻ với bạn bè cũ thời nhóm kịch sinh viên mang tên Thụ Nhân và công chúng Đà Lạt khi xuất bản cuốn sách “Con đường gai nhọn” của mình. Nhà thơ Hoàng Khởi Phong, họa sĩ Nguyễn Sông Ba cũng vậy, họ đã tổ chức giao lưu với công chúng Đà Lạt trong một quán cà phê bên thung lũng tràn đầy hoa dã quỳ… 
 
Những cuộc “trở về” với những sự kiện của các văn nghệ sĩ từng sống, từng gắn bó với Đà Lạt, tôi cảm nhận như là một cách trao gửi niềm kỳ vọng, cũng là góp phần hâm nóng và làm tươi mới đời sống nghệ thuật của phố núi hôm nay. Họ vừa có dịp hồi niệm những dư âm xa xưa vừa tạo cảm hứng kích thích sáng tạo mới mẻ của lớp người trẻ làm nghệ thuật hôm nay. Bởi lẽ, đó không chỉ là những sự kiện của những nhân vật cũ mà qua những câu chuyện họ kể bằng nghệ thuật, những người “trở về” đã tái hiện những dòng đáng nhớ trong không gian ký ức của đô thị. Người trẻ sinh ra trong một thời đại khác, tiếp nhận những trào lưu mới, chắc chắn sẽ có những tiếp nhận sâu sắc chuyện của cha ông, nhưng sự thể hiện sẽ khác hơn đối với thế hệ những nghệ sĩ của một thời đã qua và đang qua. Thật may, ở Đà Lạt, tôi cảm nhận dòng chảy nghệ thuật có sự tiếp nối và kế thừa, biểu hiện một sự liền mạch, không đứt đoạn.
 
Nhiều năm qua, những người trẻ đã kiến tạo những không gian nghệ thuật mới cho thành phố, dù chưa thực sự là những đột phá nhưng trong ý tưởng, nhưng trong cách làm đã thể hiện tình yêu và sự tâm huyết đối với xứ sở. Đó có thể là dự án nghệ thuật đương đại đa hình thái mang tên “Phố bên đồi” của một nhóm các nghệ sĩ trẻ, do Nguyễn Trung Hiền (sinh năm 1982) sáng lập. Rồi phố bích họa Dốc Nhà Làng. Đó là vườn tượng Đường Hầm Đất Sét, là khu trình diễn văn hóa bản địa Làng Cù Lần. Đó là những sân khấu nhỏ trong các khu du lịch, những nhóm nhạc trẻ biểu diễn trên phố đi bộ Hòa Bình những đêm cuối tuần và cả những ban nhạc truyền thống hằng đêm rộn rã dưới chân ngọn núi Lang Bian huyền thoại. Cũng ở Đà Lạt, nếu ngày trước, các cuộc triển lãm nhiếp ảnh và hội họa thường được tổ chức trong khán phòng khép kín, thì nay các nghệ sĩ lại phô diễn tác phẩm của mình trên các đồi thông, các đường phố đẹp hay bờ hồ khoáng đạt. Cuối năm 2020, công chúng thưởng lãm đã mãn nhãn với “Đà Lạt hòa điệu”, triển lãm ảnh của bốn tác giả: Lý Hoàng Long, Hoài Linh, Trúc Công và Đỗ Công Thành trên một con đường có nhiều hoa dại. Cũng cuối năm ngoái, nghệ sĩ M.P.K “thả” những bức ảnh về côn trùng của mình trên bãi cỏ bên hồ Tuyền Lâm để những người yêu thiên nhiên đến với cuộc trưng bày mang tên “Ồ” của anh, thì đầu năm nay, nhóm năm nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thương, Ngô Trung Dũng, Trần Bảo Hòa, Phạm Huy Trung, Đồng Lâm Thanh Tùng lại mượn một rừng thông bên đồi dinh Tỉnh trưởng làm nơi trưng bày cho triển lãm “Nơi tao ngộ”. Từ lâu, khách phương xa đến thường ít bỏ qua các phòng trà, quán cà phê nhạc từng tạo nên dấu ấn Đà Lạt với những cái tên dễ thương như Cung Tơ Chiều, Lục Huyền Cầm, Mộc, Tình Ca, Phố Xưa, Căn Nhà Xưa...sâu lắng và ấm áp. Nhưng bây giờ, người trẻ ít chọn các phòng trà với không gian trầm lặng để giải trí, nhiều sân khấu ca nhạc - cà phê giữa mênh mang thiên nhiên mà có người gọi tên là “những đêm nhạc trên mây” đã ra đời. Những tụ điểm ca nhạc mang hơi thở núi đồi như Mây Lang Thang, Lululola Coffee với phong cách mới đã thu hút đông đảo công chúng trẻ đến với các giọng ca của họ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Đan Trường, Quang Dũng, Hà Anh Tuấn…    
 
Sẽ còn nhiều điều để nói, có nhiều khiếm khuyết cần được điều chỉnh. Cũng sẽ có những ý tưởng mới lạ ra đời cho một không gian nghệ thuật phù hợp, hấp dẫn và mang lại mỹ cảm dành cho phố núi. Nhưng điều muốn nói là những người trẻ Đà Lạt dù kiến tạo cái mới nhưng vẫn tiếp nhận sâu sắc dòng cảm xúc của những ký ức xưa cũ. Đó là cách làm nghệ thuật mang nét riêng của người trẻ Đà Lạt, điều rất đáng ghi nhận và trân trọng.
 
UÔNG THÁI BIỂU