Nước thải - vấn đề nóng bỏng

09:03, 23/03/2017

Theo dự báo của Liên hợp quốc (LHQ), đến năm 2050, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới sống trong các đô thị (con số này hiện nay là 50%). Vì vậy, LHQ cho rằng, có nhiều cơ hội để khai thác tài nguyên nước (TNN) thải. Nước thải được quản lý hiệu quả sẽ là nguồn TNN, năng lượng, dinh dưỡng có chi phí hợp lý và bền vững.

Theo dự báo của Liên hợp quốc (LHQ), đến năm 2050, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới sống trong các đô thị (con số này hiện nay là 50%). Vì vậy, LHQ cho rằng, có nhiều cơ hội để khai thác tài nguyên nước (TNN) thải. Nước thải được quản lý hiệu quả sẽ là nguồn TNN, năng lượng, dinh dưỡng có chi phí hợp lý và bền vững.
 
Nước ngày càng khan hiếm
 
Năm 2017, LHQ lấy chủ đề “Nước thải” (Waste water) cho Ngày Nước thế giới (22/3), nhằm tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Cùng đó là hành động thiết thực về tiết kiệm nước và tái sử dụng nước thải; coi nước thải là một nguồn tài nguyên. Hiện trên toàn cầu, hơn 80% nước thải xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý và không được tái sử dụng. Thống kê của LHQ cũng cho con số giật mình: hiện đến 1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước uống có chứa vi khuẩn gây ra các bệnh như tiêu chảy, kiết lị, thương hàn... Do ảnh hưởng của các căn bệnh này, mỗi năm có tới 842.000 người chết; có 663 triệu người chưa được tiếp cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh. 
 
Theo cảnh báo của giới khoa học, thế giới có thể sẽ thiếu 40% nước sạch trong 20 năm tới. Trong 2 thập niên tới, 1/3 dân số toàn cầu sẽ chỉ có được một nửa lượng nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sẽ thiếu nước trầm trọng. Các biện pháp bổ sung nguồn nước thiếu hụt trên toàn cầu cần chi phí 124 tỷ Euro hàng năm. Các dự báo về tình hình cạn kiệt TNN trên thế giới hàng năm vẫn liên tiếp được đưa ra. 
 
Trong lúc đó, chi phí cho quản lý nước thải không đáng kể so với các lợi ích về sức khỏe, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; đồng thời mang lại cơ hội nghề nghiệp và tạo ra nhiều việc làm “xanh” cho xã hội. Do vậy, vấn đề tái sử dụng nước thải, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm nguồn nước và môi trường đang trở thành thách thức cần sớm được giải quyết trong tiến trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội...
 
Tái sử dụng nguồn nước thải
 
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có gần 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị với tổng công suất xử lý đạt 890.000 m 3/ngày (chiếm 12-13%). Hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, thoát nước chung cho tất cả các loại nước thải và nước mưa. Nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, việc phát triển kinh tế “nóng” đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường năm 2016, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m3 nước thải/ngày và 615 cụm công nghiệp, nhưng chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500 ngàn cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 45.000 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hằng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m 3 nước thải y tế...
 
Rõ ràng, áp lực từ phát triển kinh tế đã đè nặng lên vấn đề môi trường, đòi hỏi phải đưa công nghệ mới vào kiểm soát ô nhiễm, kiểm soát nguồn nước và tái sử dụng phục vụ cho phát triển. 
 
MINH ĐẠO (Tổng hợp)