Từ chủ trương hỗ trợ kinh phí cho 100% thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2016

08:06, 24/06/2016

Chỉ còn đúng một tuần nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Hiện các đơn vị chức năng đang có nhiều nỗ lực để tạo được những điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Trong đó, việc Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương hỗ trợ kinh phí với mức hỗ trợ 25.000 đồng/ môn thi/ thí sinh đang tạo được sự đồng thuận từ dư luận xã hội.

Chỉ còn đúng một tuần nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Hiện các đơn vị chức năng đang có nhiều nỗ lực để tạo được những điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Trong đó, việc Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương hỗ trợ kinh phí với mức hỗ trợ 25.000 đồng/ môn thi/ thí sinh đang tạo được sự đồng thuận từ dư luận xã hội.
 
Theo Văn bản số 2427/BGDĐT-KHTC ngày 26/5/2016 về việc hướng dẫn định mức chi lệ phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn nội dung, quản lý và sử dụng chi phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ, nội dung và định mức chi tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia đối với các cơ sở giáo dục được giao chủ trì cụm thi. Trong đó, yếu tố rất đáng chú ý là hỗ trợ kinh phí cho tất cả thí sinh. Theo đó, nguồn ngân sách Nhà nước Trung ương hỗ trợ căn cứ trên số lượng thí sinh đăng ký thi tại các cụm thi tổ chức cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng do các trường ĐH chủ trì (gọi là cụm thi ĐH). Mức hỗ trợ là 25.000 đồng/môn thi * bình quân 5 môn thi = 125.000 đồng/thí sinh. Như vậy, mỗi thí sinh chỉ phải nộp phí dự thi, dự tuyển 35.000 đồng/môn (trước là 60.000 đồng/môn). 
 
Theo TS Lê Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, chính sách hỗ trợ của Bộ GD-ĐT không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh mà còn giúp các cụm thi ĐH giải quyết phần nào khó khăn. TS Lê Hồng Phong cho biết, thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các thí sinh nhưng vẫn giữ mức phí dự thi, thì nguồn ngân sách Nhà nước sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi để hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị tổ chức. Theo đó, phí dự thi, dự tuyển của thí sinh sẽ được giảm xuống, trong khi đó, các cụm thi ĐH cũng không bị rơi vào tình cảnh khó khăn. Cách làm này tiện lợi hơn cho cả thí sinh và các cụm thi.
 
Từ góc độ của người trực tiếp thực hiện các công tác liên quan đến tài chính, bà Phạm Thị Hoa Hạnh, Trưởng Phòng Tài chính Trường ĐH Đà Lạt cho biết, trong các năm trước, các trường ĐH phải tự cân đối thu chi trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH và phần lớn rơi vào trường hợp “thu chẳng bù chi” vì không đủ chi phí cho công tác tổ chức tuyển sinh. Thế nên, chính sách hỗ trợ của Bộ GD-ĐT góp phần không nhỏ giúp cụm thi ĐH Đà Lạt nói riêng và các cụm thi ĐH nói chung giải quyết khó khăn, từ đó tổ chức tốt hơn kỳ thi THPT Quốc gia cho mỗi năm.
 
Ngoài hỗ trợ cho thí sinh, ngân sách Trung ương cũng hỗ trợ tiền công tác phí cho cán bộ, giảng viên, học viên về các tỉnh để tổ chức thi tại các cụm thi ĐH theo điều động của Bộ GD-ĐT. Nguồn ngân sách địa phương chi trả cho các học sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2016, nhưng tham gia dự thi tại cụm thi ĐH. Mức kinh phí ngân sách địa phương chi trả 60.000 đồng/ môn thi/ thí sinh.
 
Ngoài ra, năm 2016, Bộ GD-ĐT cũng quy định không thu lệ phí phúc khảo đối với các thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia. 
 
Những chính sách được công bố trước thềm kỳ thi năm nay như làm dịu bớt áp lực trước một kỳ thi vốn được đánh giá là có “độ nóng” cao và nhận được  sự quan tâm của toàn xã hội.                      
 
VIỆT QUỲNH