Từ mùa thu ấy (truyện ngắn)

10:08, 27/08/2015

Cu Ròm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Thân hình nó còm cõi, gầy nhom, tong teo như trái mướp héo. Nếu nó cởi bỏ quần áo thì "bộ xương cách trí" của nó lồ lộ, có thể đếm từng rẻ xương một, vì thế mọi người mới đặt cho nó cái tên cu Ròm.

(Nhân kỷ niệm 70 năm CM tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2015)
 
Cu Ròm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Thân hình nó còm cõi, gầy nhom, tong teo như trái mướp héo. Nếu nó cởi bỏ quần áo thì “bộ xương cách trí” của nó lồ lộ, có thể đếm từng rẻ xương một, vì thế mọi người mới đặt cho nó cái tên cu Ròm.
 
Bà con lối xóm ví nó có bộ xương cách trí, là do lũ trẻ trong làng nhìn thấy hình vẽ bộ xương người trong sách giáo khoa lớp ba (trước 1945) để minh họa cấu tạo xương của cơ thể con người, đem ra trêu nó. Nhà nghèo lại phải lo nuôi mẹ già, cha mất sớm, côi cút nên nó thường bị kẻ khác bắt nạt, nhất là đám trẻ con trong làng. Mới mươi tuổi đầu nó đã phải sống tự lập: mò cua bắt ốc, mót lúa khoai, chăn trâu bò… Việc gì vừa sức nó cũng làm, miễn là có mấy chén cơm bỏ bụng và chút tiền công mang về cho mẹ. Nó có được học hành đến nơi đến chốn gì đâu. Lúc cha nó còn sống cũng chỉ lo cho nó học đến bậc “sơ học yếu lược” là cố gắng lắm rồi. Thấy đám trẻ con nhà giàu được cắp sách ra tỉnh, ra thành học đến cái “thành chung” (lớp 7 bây giờ), nó cảm thấy tủi thân và uất: Tại sao nó lại được sinh ra và chẳng được như đám trẻ kia? Bọn trẻ lại còn cố ý khinh khi, trêu chọc, khoe mẻ:
 
- Ròm! Mày có biết quả đất đang quay quay không?
 
- Quay, quay cái mẹ gì? Tao chẳng thấy nó quay cái gì cả. Ngọn núi Chóp Chài làng mình vẫn đứng đấy, nó có quay ngược, quay xuôi gì đâu. Con sông sau làng có chảy ngược đâu. Bọn  bay chỉ láo toét. Bay chỉ ra coi, nó quay ở chỗ nào? Chúng bay chỉ bịp thôi. 
 
Cu Ròm không tin quả đất quay là phải, vì, khung trời của nó chỉ giới hạn bởi ngọn núi Chóp Chài trước mặt, phía sau là dòng sông, đông tây giới hạn bởi mương nước và cái cầu bến Bè. Cái làng của nó đang sống lại quá nhỏ, dân cư thưa thớt mà nó cũng chưa bước ra khỏi cái làng, khỏi cái khung trời nhỏ nhoi nó đang sống bao giờ. Thi thoảng nó mới ra khỏi làng, vì có người thuê nó khuân vác một thứ hàng hóa gì đó ở thị xã. Nó nhìn thấy nhiều điều mới lạ: Người đông hơn, hàng hóa nhiều hơn, người qua kẻ lại nhộn nhịp… Tháng năm, miền Trung trời nắng nóng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại thấm ướt cả áo quần, nó khát nước. Có người thương tình mua cho nó que cà-rem. Cầm que kem ngắm nghía thấy bốc hơi, nó lấy làm lạ. Xưa nay nó chỉ biết nước nóng mới bốc hơi thôi. Nó đưa que kem vào miệng, cắn một miếng, phun phì phì ra tức thì: Ối cha! Sao lạnh quá vậy, lạnh tê cả lưỡi, buốt cả răng. Nó ném ngay que kem xuống đất, đưa tay áo quẹt miệng và nghĩ: người kia lừa nó, chơi khăm nó, chứ ngon ngọt quái gì cái thứ ấy. Nó đứng dưới bóng râm cây ngô đồng chờ ráo mồ hôi rồi quay về làng, thì bỗng, có người vẫy tay, gọi:
 
- Ê! Cu-li! Nó ngơ ngác, chắc người kia đang gọi ai chứ không phải gọi nó, nó định bỏ đi thì người nọ vẫy tay về phía nó, sừng sộ gọi lớn:
 
- Ố nàm chảy! Thằng Ố nàm chảy!
 
Ố nàm chảy là thằng An-nam, cách gọi của mấy anh chệch lai gọi người Việt chúng ta lúc bấy giờ với cái ý xách mé, coi thường.
 
- Ố nàm chảy cái mả mẹ mày. Ông đi về đây! Nó lẩm bẩm chửi thề, tỏ thái độ chẳng ưa gì mấy chú chệch hống hách. Cái khung trời thị xã mới hé mở cho nó như đã bị khép lại bởi những chuyện vừa xảy ra. Cuộc sống của nó như chỉ còn quẩn quanh giữa ngọn núi Chóp Chài, dòng sông với cánh đồng làng bé xíu…
 
Bỗng, sáng hôm ấy cu Ròm ngơ ngác, bởi sự việc xảy ra quá đột ngột, quá to tát xưa nay nó chưa từng nghe thấy bao giờ. Ôi chao! Biết bao, cơ man là người. Một biển người, rừng người: cả trai lẫn gái, cả già lẫn trẻ tay cầm gậy gộc và cờ đỏ sao vàng, bước đi rầm rập, khí thế hừng hực, miệng hô vang: Việt minh muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm! Đả đảo đế quốc - phong kiến!
 
Thật là điều mới lạ. Lúc đầu cu Ròm thấy sợ, nhưng sau đó nó cũng nhập cuộc, nó cũng tung hô Việt minh muôn năm như mọi người. Đám người rần rần kéo về thị xã ngày càng đông. Họ đứng kín cả sân vận động lan ra cả ngoài đường. Tiếng loa oang oang: Ta đã giành được chính quyền từ tay bọn phát xít. Nước Việt Nam độc lập muôn năm. Tiếng chiêng, tiếng trống vang vang như tiếng trống thúc trận. Cu Ròm chẳng hiểu người ta đang nói  những gì, nó nghĩ: chắc được đổi đời rồi đây. Hôm ấy các ông Tây bà đầm trốn tiệt đâu mất. Bọn làng lý, quan lại cũng trốn như rắn mối tháng năm. Đổi đời thật rồi. Khung trời mới trên đầu nó như vỡ òa. Nó nhìn thấy bao nhiêu điều mới lạ: Một ủy ban hành chính lâm thời lo liệu việc làng việc nước được thành lập, mọi người gọi nhau, xưng hô với nhau bằng đồng chí. Thật là mới mẻ, nghe khoái cái lỗ tai, sướng cái bụng. Từ nay chẳng ai bắt nạt được nó nữa, nó nghĩ vậy.
 
Minh họa: HT
Minh họa: HT
 
Đó là ngày 23 tháng 8 năm 1945 ở quê nó. Năm ấy cu Ròm đã mười sáu, mười bảy tuổi đời. Nó hưởng ứng lời kêu gọi của ủy ban hành chính lâm thời tự nguyện gia nhập vệ quốc đoàn. Nó cầm súng bảo vệ nền độc lập non trẻ. Nó được học quân sự: lăn lê, bò toài, tì súng, áp vai, nín thở, bóp cò… Đơn vị nó hành quân qua làng này xã nọ. Nó tham gia những trận đánh nhỏ rồi trận đánh lớn. Rừng Trường Sơn âm u trùng điệp chở che cho đơn vị nó. Lần đầu nó sống với rừng đại ngàn, những đại thụ hàng trăm năm tuổi da mốc xì, thân cây to vài người ôm không xuể. Trong rừng, cu Ròm thấm thía câu ngạn ngữ: “Rừng vàng biển bạc”. Rừng cho người rau quả để ăn, thuốc để uống. Rừng nuôi sống muông thú và con người. Khung trời trên đầu nó rộng bao la.
 
Đơn vị nó đánh thắng các trận Mang đen, Mang cụt, Tú lê, đèo An-Khê… thu nhiều chiến lợi phẩm. Trong hội nghị thi đua tổng kết chiến dịch, cu Ròm được bình bầu là chiến sĩ thi đua của trung đoàn. Thật là điều nó chưa mơ tưởng bao giờ. Đơn vị nó đánh trận nào thắng trận ấy. Lúc bấy giờ quân dân Liên khu V đánh thắng giặc như chẻ tre. Quân giặc chỉ còn vắt chân lên cổ mà chạy. Chiến thắng thật giòn giã. Thắng lợi ngày càng đến gần. Quân ta thắng lớn. Ấy thế mà… có lệnh từ trên ban xuống: Đình chiến! Hòa bình! Đơn vị tập trung nghe chính ủy trung đoàn phổ biến hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève). Tai nó cứ lùng bùng, ù ù cạc cạc nên nghe tiếng được tiếng không, lúc nó nghe Giơ-ne-vơ, lúc lại Giơ neo. Neo, niếc cái gì? Nó tiếc: Chỉ đánh một chập nữa là bọn Tây phải vãi đái ra quần, đầu hàng thôi. Tiếc thật! Nhưng mà, quân lệnh như sơn: Tập trung đơn vị, bao gói vũ khí… Đi tập kết. Đó là vào tháng 5/1954.
 
Biển! Lần đầu cu Ròm nhìn thấy biển. Biển to lớn mênh mông quá. Nó vui sướng: Biển của ta, trời đất của ta… Nó reo to: Ôi! Biển! Biển!... Nó lên tàu Ba Lan to đùng có thể chở hàng ngàn người. Tàu chạy băng băng, sóng to gió lớn, tàu lắc lư, nó bắt đầu say sóng, nôn mửa đến mật xanh mật vàng. Nó như nhìn thấy ngọn Chóp Chài ở quê đang quay quay và, dòng sông sau làng đang chảy ngược… Khung trời trên đầu nó thật bao la. Mỗi ngày nó lại thấy thêm nhiều điều mới lạ. Nó lên bờ tại bến Quý Cao, Hải Dương. Nghỉ dưỡng ở đó vài tuần thì trung đoàn được lệnh tập trung nghe phổ biến lệnh mới. Nó được chuyển ngành ngay và được cho đi học văn hóa. 
 
… Tốt nghiệp phổ thông, Ròm xin thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội vì nó mê nghề “gõ đầu trẻ” từ lúc nhỏ. Nó học chuyên lý - hóa và thuộc loại giỏi của trường. Chủ  nhật nào nó cũng lang thang khắp nơi. Nó chỉ mua vé 5 xu ngồi tàu điện chạy Cầu Giấy - Bờ Hồ, nó cứ ngồi lì trên tàu, mặc, xe chạy xuôi chợ Mơ, đến Bưởi hay chạy về phía Hà Đông, chỉ khi ngồi chán nó mới nhảy xuống. Nó mê tiếng chuông leng keng của tàu điện như người nghiện mê thuốc lào thuốc phiện. Chủ nhật nào không được đi tàu điện thì nó nhớ như người đang yêu nhớ người yêu. Bầu trời Hà Nội còn bao la gấp trăm lần những khung trời mà nó đã đi qua.
 
Nó tốt nghiệp đại học sư phạm môn vật lý, sau bốn năm đèn sách. Tốt nghiệp loại ưu, Ròm được chọn sang Liên Xô học tiếp. Nhận được quyết định đi học tiếp, bạn bè nó hớn hở vui mừng còn nó, rất bình thản chẳng biểu lộ vui hay buồn. Nó nghĩ đến mẹ nó trong Nam. Mẹ đang làm gì, sống hay chết…? Lần đầu tiên nó ngồi tàu lửa, đi xa. Tàu chạy qua Bắc Kinh - thủ đô Trung Quốc, chạy quanh mép hồ Ban - Căng, qua Iếc - Cút, đến Mạc Tư Khoa - thủ đô của Liên bang Xô Viết. Nó được nhận vào học và nghiên cứu tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxốp, một trường đại học nổi tiếng của Liên Xô.
 
Khung trời trên đầu cu Ròm bây giờ đã được mở rộng bao la hơn, bát ngát hơn. Năm đầu, nó đánh vật với tiếng Nga, tiếng nói của Lênin, nhưng cu Ròm là đứa thông minh sáng dạ, nên nhanh chóng nắm bắt được thứ ngôn ngữ ấy. Sau ba năm nghiên cứu học tập, nó đã có năm ba bài báo được đăng trên các tạp chí Khoa học - kỹ thuật có uy tín trên thế giới. Do đó, nó được đặc cách làm luận văn tiến sĩ về vật lí. Những năm tháng ấy vùi đầu vào sách vở, các phòng thí nghiệm, nó tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về Vật lý lý thuyết mặc dù đất nước Liên Xô và ngay tại Mạc - Tư - Khoa có bao nhiêu đền đài cung điện, bảo tàng nổi tiếng, nhiều phong cảnh thơ mộng tuyệt vời mà nó chưa thể chiêm ngưỡng.
 
Bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ trước hội đồng khoa học Liên bang, cu Ròm được công nhận ngay học vị tiến sĩ khoa học. Nó được phép nghỉ  “xả hơi” một tháng trước khi về nước để đi thăm thú nơi này nơi khác trên đất nước Liên Xô rộng mênh mông. Nó đã đến Stalingrad, Lenin grad, qua Belarus, Ukraina, Tiệp Khắc… đến thăm các viện Bảo tàng để mở rộng hiểu biết về nền văn hóa Nga - Liên Xô vĩ đại.
 
Hành trang mang theo về Tổ quốc của nó là những thùng sách báo kĩ thuật với “con ngựa sắt” Nga (xe đạp) và chiếc quạt tai voi cánh cao su. Về nước, cu Ròm được bổ nhiệm ngay làm giảng viên và, sau đó là chủ nhiệm Khoa lý của một trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội. Sau bốn năm giảng dạy nó được phong hàm giáo sư.
 
Ngày thống nhất đất nước, năm 1975, cu Ròm về thăm lại làng quê nghèo lúc nó ra đi. Nó về làng với vai thằng cu Ròm khiêm tốn, giản dị và lễ phép với mọi người. Nó buồn vì mẹ nó đã qua đời. Nó thắp mấy nén hương ở mộ mẹ, lầm rầm khấn vái như để tạ tội với mẹ rằng, khi mẹ qua đời nó không có mặt để lo cho mẹ được mồ yên mả đẹp.
 
Có thể nói dòng họ cu Ròm và bà con xóm giềng đón chào nó như đón chào một “đại gia” về làng. Thằng cu Ròm ngày xưa, thằng cu li Ố nàm chảy đã mang vinh quang về cho làng nước, xứ sở, quê hương, nên mọi người trong làng ai cũng ngưỡng mộ.
 
Giờ thì không thể gọi mãi cái tên cu Ròm, bà con lối xóm gán ghép cho nó được nữa. Đến lúc nên trả lại tên chính thức cho nó, cu Ròm chính là Lê Văn Dũng ở thôn Lộc An, xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi. Gia phả dòng họ Lê đã ghi rõ ràng như vậy. 
 
Từ thân phận thằng cu ly, thằng Ố nàm chảy của một làng quê nghèo dưới chân núi Chóp Chài thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, giờ là một giáo sư - tiến sĩ khoa học, giảng viên một trường đại học danh tiếng, Lê Văn Dũng luôn biết ơn Cách mạng, ơn Đảng. Nếu không có Cách mạng tháng 8/45, không có mùa thu ấy, không có Đảng và Bác Hồ đem lại độc lập, tự do cho đất nước thì nhân dân Việt Nam mãi mãi vẫn là thằng dân nô lệ, thằng Anamit, thằng Ố nàm chảy, cu li cu lít mà thôi và, cũng chẳng có cuộc sống như hiện nay, mặc dù còn điều này điều nọ chưa được như mong muốn. Và trên đầu cu Ròm cũng chỉ là những đám mây xám trôi bồng bềnh với những ngôi sao nhỏ xíu, le lói một khoảng sáng mờ nhạt. 
 
Trong những lần về thăm quê sau này, tiếp xúc với lớp con cháu dòng họ và cả dân làng, Lê Văn Dũng thường nhắn nhủ: Hãy làm theo lời Bác Hồ dạy: sống có ích cho đời, hãy luôn là một công dân tốt, một công dân có trách nhiệm với dân tộc mình, với Tổ quốc mình. Con cháu hãy chăm chỉ học hành, vươn lên!
 
Khung trời của cu Ròm giờ là một vũ trụ bao la.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU