Kỷ vật mùa thu (truyện ngắn)

09:08, 20/08/2015

Ông nội tôi người Đà Lạt. Nói cho đúng ông quê gốc Quảng Nam nhưng vô Đà Lạt làm ăn sinh sống từ ngày còn nhỏ. Đầu tiên, ông sống cùng cha nuôi tại Suối Cát Nam Thiên một thời gian ngắn, sau ông chuyển lên ấp Cao Bá Quát làm vườn mà hồi đó người ta hay gọi là trồng la ghim...

Ông nội tôi người Đà Lạt. Nói cho đúng ông quê gốc Quảng Nam nhưng vô Đà Lạt làm ăn sinh sống từ ngày còn nhỏ. Đầu tiên, ông sống cùng cha nuôi tại Suối Cát Nam Thiên một thời gian ngắn, sau ông chuyển lên ấp Cao Bá Quát làm vườn mà hồi đó người ta hay gọi là trồng la ghim. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như nhiều người Đà Lạt ông tham gia cướp chính quyền từ tay chính quyền bù nhìn của “bọn Nhựt lùn” như cách ông gọi. Hồi tôi còn nhỏ, ông hay kể cho tôi nghe chuyện người Đà Lạt đi cướp chính quyền buổi sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945. Với một đứa trẻ con hiếu động là tôi, tôi không biết thế nào là cướp chính quyền và tại sao lại cướp… tôi hay hỏi ông nhiều câu khiến ông không thể trả lời (sau này, tôi mới hiểu có nhiều chuyện vượt quá tầm hiểu biết của một thằng nhỏ lên mười và nhiều khi cũng quá tầm hiểu biết của một người làm vườn chân chất như ông nội tôi). Ông hay kết luận một câu khi thấy “bí” trước câu hỏi của tôi:
 
- Sau này lớn lên con sẽ biết!
 
Trầm ngâm một chút rồi ông nói tiếp:
 
- Nhưng mà con phải học cho thiệt giỏi, chỉ có sự học mới mở mang được đầu óc con à.
 
Cảnh tượng một đoàn người khổng lồ trong một buổi sáng mùa thu kéo nhau đi trong không khí se lạnh, “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm” để cướp chính quyền qua lời kể của ông nội tôi là một nỗi ám ảnh tự hào. Tôi có khiếu viết văn từ hồi còn nhỏ, tôi chỉ đơn giản là viết thôi chứ không để ý gì đến chuyện “văn chương, chữ nghĩa”. Năm tôi mười lăm tuổi, một hôm tôi tự nhủ với mình rằng tại sao lại không thử viết một bài về “Cách mạng mùa thu” của người Đà Lạt để cho ông nội xem. Nghĩ là làm, tôi viết:
 
“Mùa thu trời se lạnh. Buổi sáng sương mù dày đặc phủ lên vạn vật một màu sữa đục. Ở dưới lòng những thung lũng trồng rau sương mù khiến ta không thể phân biệt được những dò (luống) khoai tây, tần ô hay bắp sú, còn trên đường, sương mù tuy có mỏng hơn nhưng không vì thế mà ta có thể nhìn rõ được cảnh vật ngoài ba mét. Gió nhẹ thổi, sương mù có dạt ra một chút nhưng lại chỉ một lát sau thôi, đâu lại vào đấy. Thỉnh thoảng, trên đỉnh một quả đồi, một cây thông hiện ra ngạo nghễ. Trên ấy, sương mù không vươn tới, trong thinh lặng, một tiếng chim non kêu chíp chíp như chào ngày mới bắt đầu.
 
Minh họa: P.N
Minh họa: P.N
Đoàn người không hiểu bắt đầu từ lúc nào ở khắp các nẻo đường kéo về khu chợ Đà Lạt ngày một đông. Không biết ai đã thúc giục họ thức dậy sớm trong cái se sắt lạnh của mùa thu để tụ tập về đây. Trên tay họ là những thứ vũ khí thô sơ nhưng gần gũi với cuộc sống của những người lao động. Anh thanh niên có khuôn mặt đầy râu chưa cạo tay giơ cao chiếc nĩa làm vườn. Bên cạnh anh, một người đàn ông đứng tuổi tay thủ một lưỡi gươm trong chiếc bao da trông cũ kỹ nhưng gương mặt ông lộ ra vẻ tự tin cùng với đôi tay gân guốc đang nắm chặt cán gươm. Một thiếu nữ tay cầm con dao thái rau heo hăm hở cùng đoàn người đang leo dốc, chị cố vượt lên phía trước để nhìn mấy anh tự vệ mặc đồng phục đang đứng trước chợ, tay lăm lăm mã tấu, một quả lựu đạn đeo bên hông như cổ vũ mọi người? Lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong gió sớm như thôi thúc đám đông tiến lên. Trong đám đông hừng hực khí thế đó, ai đó bỗng hô to:
 
 - Đả đảo đế quốc chủ nghĩa!
 
 Đám đông lập lại:
 
 - Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
 
 Một rừng cánh tay giơ lên, một rừng vũ khí thô sơ cùng vung lên theo tiếng hô một cách nhịp nhàng như đã được diễn tập từ trước. Cảnh trí hùng tráng quá, nó lay động mọi con tim, nó hướng tâm hồn mọi người cùng hướng về phía trước. Không biết bằng một mệnh lệnh bí mật nào, đoàn người với gậy gộc, giáo mác rùng rùng kéo về dinh Tỉnh trưởng. Đó là một tòa nhà hai tầng quét vôi màu vàng ngạo nghễ trên một triền đồi. Mấy tên lính lệ mặc đồ màu vàng lăm lăm khẩu súng trường trong tay, mắt la mày lét khi phát hiện đoàn người cướp chính quyền ùn ùn kéo về dinh mỗi lúc một đông. Chúng co cụm lại và rút vào trong dinh khi nghe âm thanh ầm ầm của cả vạn người cùng hét vang:
 
 - Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim!
 
 Đám đông lặp lại vang dội như sấm:
 
 - Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
 
 - Mặt trận Việt Minh muôn năm!
 
 - Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
 
 Cánh cổng dinh bật ra, một tên lính lệ khép nép nói:
 
 - Ngài tỉnh trưởng xin được giao ấn tín và sổ sách!
 
 Một nhóm bảy người, có lẽ là những người tổ chức khởi nghĩa cướp chính quyền đi vào trong dinh, trước và sau họ là những cận vệ tay lăm lăm súng lục, mắt nhìn bao quát bốn phương.
 
 Đó là một ngày lịch sử không thể nào quên của nhân dân Đà Lạt, ngày hai mươi ba tháng tám năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm, ngày chính quyền về tay nhân dân.
 
Trương Thái đi theo đoàn người cướp chính quyền trong buổi sáng mùa thu năm Ất Dậu với một cái xà gạc đã theo anh nhiều năm qua. Bây giờ cái tay cầm của chiếc xà gạc đã lên nước đen bóng, nhưng lưỡi thép vẫn tỏa ra một màu xanh xanh như thể sẵn sàng chiến đấu với chủ nhân. Nhưng Trương Thái không có dịp sử dụng vũ khí này, đơn giản vì trước khí thế của hàng vạn người, những tên nô bộc cho bọn quân phiệt Nhật đã đầu hàng. Trương Thái hiểu rằng, trong lúc này không có một ai, không có một lực lượng nào có thể cản trở được bước tiến của người Đà Lạt. Hình như toàn thể người dân Đà Lạt đã xuống đường sáng nay. Trương Thái thấy mấy bác ở ấp Cao Bá Quát tay cầm nĩa giơ lên trời một cách hăng hái khi ai đó hô to khẩu hiệu “đả đảo” hay “hoan hô”. Bên cạnh những người làm vườn, đó là những người đồng nghiệp ở ấp Hà Đông và Nghệ Tĩnh, họ là những người tiên phong cho nghề làm rau “la ghim” đang phát triển. Bên cạnh họ là những “thày, chú” qua cách ăn mặc của người công chức và các chị tiểu thương buôn bán ở chợ Đà Lạt cũng hăng hái tham gia đoàn người cướp chính quyền.
 
 Sáng hôm nay, Trương Thái thấy trong lòng mình rộn ràng, cảm xúc này từ trước đến giờ anh chưa từng trải qua. Anh hít căng vào lồng ngực vạm vỡ của mình một làn không khí trong veo của buổi sáng mùa thu. Làn không khí trong lành quá, nó chạy rần rật trong thân thể khôi vĩ của Trương Thái, thấm tận buồng gan lá phổi của anh và lạ lùng làm sao, anh cảm thấy ngất ngây với thứ không khí thấm đẫm mùi nhựa thông trong cánh rừng trước dinh Tỉnh trưởng Ưng An. Không, bây giờ ông ta không còn là Tỉnh trưởng nữa rồi, Trương Thái nhủ thầm như vậy. Sắp tới chính quyền cách mệnh gọi là gì Trương Thái không biết, nhưng anh cảm giác rõ ràng là có một sự thay đổi một cách tận cùng, không còn những cái cũ kỹ tàn dư ngự trị trong thành phố. Đó là sự linh cảm và cũng là nỗi khát khao tự do trong tâm hồn Trương Thái. Phải rồi, cảm xúc khi nghe hàng vạn tiếng hô “đả đảo” cùng phát ra xuất hiện trong lòng Trương Thái đó chính là tự do. Tự do cho anh, tự do cho người con Đà Lạt.
 
 Ngày hôm qua có một người đàn ông vào ấp Hà Đông, lúc đó, Trương Thái ghé thăm ông Bồng, một người bạn già của ông Ba Phong, cha nuôi anh. Gặp ai ông cũng niềm nở chào hỏi như thể thân quen đã lâu, ông nói:
 
 - Đã đến lúc chúng ta vùng lên lật đổ chính quyền thực dân quân phiệt. Ngày mai “đoàn thể” tổ chức khởi nghĩa, bà con ta cùng tập trung ở chợ, chúng ta cướp chính quyền về tay nhân dân. Ai có nĩa mang theo nĩa, ai có dao mang dao, có súng mang súng… Bà con ơi thời cơ đã đến rồi, nhất định ta sẽ làm chủ vận mệnh mình! 
 
 Một niềm tin mãnh liệt xuất hiện trong lòng Trương Thái, anh mơ hồ cảm nhận rằng đây không chỉ là thời cơ của đất nước, của người Đà Lạt, mà còn cả của bản thân anh. 
 
 Sáng nay, anh theo dòng người đi cướp chính quyền, niềm tin đổi đời vẫn còn hằn trong trái tim Trương Thái. Đúng lúc Trương Thái hít một hơi thanh khí cũng chính là lúc ông Tỉnh trưởng hoàng thân Ưng An dâng ấn tín và sổ sách cho Ủy ban khởi nghĩa. Điều này ngay lúc ấy Trương Thái không biết, anh chỉ hỏi giờ một người trong đoàn cướp chính quyền như thể ghi nhớ thời khắc thiêng liêng đó, phải nhiều năm sau anh mới biết rằng mình đã cảm nhận được vận mệnh của toàn dân tộc trong giờ phút mở ra một kỷ nguyên mới cho những người con nước Việt. Lúc ấy là chín giờ kém năm phút ngày hai mươi ba tháng tám năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm.
 
 Một giờ khắc lịch sử trong một ngày lịch sử!”.
 
 Khi tôi đưa “bản thảo” bài văn cho ông nội xem, ông chăm chú đọc, nét sững sờ hiện rõ trên gương mặt có nhiều vết nhăn của ông. Cảm xúc trên gương mặt của ông nội khiến tôi hồi hộp, tôi nghĩ thầm trong đầu không hiểu mình viết có lố không? Một chặp sau ông nội mới khẽ khàng nói:
 
- Sao con lại viết được như vậy?
 
Tôi đáp:
 
- Dạ con ghi nhớ lời kể của nội, con đọc thêm sách và vận dụng trí tưởng tượng của mình… Mà nội ơi con viết có… đúng không hả nội?
 
Ông nội tôi trầm ngâm một chút như để ôn lại dĩ vãng choáng ngợp một thời rồi mới trả lời tôi:
 
- Con sinh sau sự kiện Cách mạng mùa thu nhiều năm nhưng con viết bài văn như thể con đang sống trong những ngày tháng ấy. Sự kiện hàng chục ngàn người dân Đà Lạt từ “ngũ lộ” và các ấp Tân Lạc, Hà Đông, Đa Lợi, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Bạch Đằng… kéo nhau đi cướp chính quyền là một cảnh nội không thể nào quên, giờ tuy trí nhớ nội cũng bị lãng nhiều rồi nhưng buổi sáng hôm đó nội đi cạnh một thiếu nữ cầm con dao thái rau heo… sao con biết mà viết vậy?
 
Tôi cười:
 
- Thì chính nội kể cho con nghe mà!
 
Ông nội cười xòa:
 
- Cái đầu này lú lẫn rồi… Rồi ông nội tôi tủm tỉm cười nói tiếp:
 
- Mà con biết người thiếu nữ đó là ai không?
Tôi ngạc nhiên hết sức, tôi, một thằng nhỏ tuổi mười lăm làm sao có thể biết được chuyện của mấy mươi năm trước? Cùng lắm là tôi mạo muội viết về ông nội tôi, chàng trai Trương Thái tham gia cướp chính quyền tháng tám năm bốn lăm. Tôi trả lời ông nội:
 
- Làm sao con biết được hả nội?
 
- Vậy con thử đoán xem?
 
Tôi cho trí tưởng tượng mình “phi” trong mọi tình huống, một tia sáng lóe lên trong đầu tôi, tôi quả quyết nói:
 
- Con đoán đó là bà nội con hồi còn trẻ phải không ông nội?
 
Ông nội tôi cười to:
 
- Con đoán đúng, đó là bà nội con thời con gái. Ông gặp bà nội con trong ngày cướp chính quyền và đi theo bà nội con về nhà bà ở Saint Jean sau khi mọi người giải tán.
 
Bây giờ thì tôi đã hiểu, ngoài ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền đã mang lại hạnh phúc rất đỗi riêng tư cho ông bà nội tôi. Nhờ vào ngày lịch sử đó ông nội tôi mới có dịp gặp gỡ bà nội và cũng từ ngày đó dòng họ Trương mới kế tục ở vùng đất cao nguyên này. Tôi chạy đi tìm bà nội với ý nghĩ đó bỏ lại sau lưng nét cảm xúc vẫn còn đọng lại trên gương mặt ông nội tôi. Tôi hỏi bà nội tôi có tấm ảnh nào thời con gái, chắc hồi con gái bà tôi đẹp lắm, bà có đẹp gái ông nội mới bị “tiếng sét ái tình” làm cho ông “điên đảo thần hồn” trong ngày lịch sử của người Đà Lạt? Bà nội tôi móm mém nhai trầu, gương mặt bà hồng hào khi nghe tôi hỏi chuyện cướp chính quyền, cái ngày mà bà gặp ông. Bà nói:
 
- Ông nội mi dai như đỉa cứ đi theo “tau” hoài, người ta đi cướp chính quyền còn ông nội mi đi… theo gái!
 
Bà nói vậy chứ tôi thấy trong mắt bà niềm hạnh phúc, hạnh phúc ngời ngời y như tình cảm tôi đọc được trong đôi mắt ông nội tôi. Đến khi tôi hỏi bà còn giữ lại tấm hình nào không, bà cười nói:
 
- Bộ con tưởng bà là con vua cháu chúa mà giữ được tấm hình thời thiếu nữ sao? Bà theo bà cố nội con vô Đà Lạt làm bếp phụ cho Khách sạn Palace, đến khi lấy ông nội con bà về làm vườn tại ấp Cao Bá Quát, sau ra chợ buôn bán tới khi về già chưa bao giờ bà có ý định chụp một tấm hình. Chỉ sau ngày cưới, bà và ông nội con chụp chung một tấm hình “xít nớp”, giờ chắc cũng thất lạc mất rồi!
 
Tôi ngạc nhiên hỏi bà xít nớp là gì, bà trả lời:
 
- Xít nớp là phiên âm chữ six - neuf, tiếng Pháp chỉ cỡ hình một chiều là 6 xăng ti mét, một chiều là 9 xăng ti mét. 
 
Bây giờ ông bà nội tôi đều mất lâu rồi, mộ của hai người nằm song song bên nhau nhìn về hướng Thung lũng Tình Yêu, ở cõi vĩnh hằng chắc hai người vẫn yêu nhau như thời cùng nhau đi cướp chính quyền.
 
Bác Hai tôi gọi về nhà giúp ông một tay dỡ ngôi nhà ván gỗ thông ra để ông xây lại ngôi nhà gạch khang trang hơn làm nơi thờ tự ông bà nội, khi dỡ đến la phông, một hộp gỗ cũ kỹ rơi xuống. Bác Hai tôi gỡ cái hộp, bên trong là một cái xà gạc cũ kỹ, ông lẩm bẩm trong miệng “cái này chắc là của ông già”.
 
Tôi xin bác Hai cái xà gạc, ông vui vẻ cho tôi. Tôi mang về nhà mình để cái xà gạc trong tủ kính cạnh bộ ấm chén trà có hình đắp nổi con rồng ba móng ôm quanh thân chén. Bên ngoài tủ kính tôi khóa đàng hoàng, đó là những vật quý giá vượt qua sự thử thách của thời gian.
 
Riêng cái xà gạc dưới cán bằng gốc mây đen bóng có một hàng chữ lờ mờ nhưng vẫn còn đọc được: “23 - 8. NTT”. 
 
Thời con gái bà nội tôi tên là Nguyễn Thị Thêm.
 
Truyện ngắn: VÕ ANH CƯƠNG