Dặm đời buồn vui giờ này lại kể

10:08, 27/08/2015

Cuối thu 1980, tôi vào Đà Lạt và làm việc tại Ty Văn hóa Thông tin Lâm Đồng theo sự điều động của Trường Âm nhạc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa Thông tin. Ban đầu tôi có ý muốn công tác tại Đoàn nghệ thuật nhưng điều kiện hoạt động chuyên môn thời điểm ấy chưa có tốp nhạc dân tộc, bởi tôi là người học tập và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống...

Cuối thu 1980, tôi vào Đà Lạt và làm việc tại Ty Văn hóa Thông tin Lâm Đồng theo sự điều động của Trường Âm nhạc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa Thông tin. Ban đầu tôi có ý muốn công tác tại Đoàn nghệ thuật nhưng điều kiện hoạt động chuyên môn thời điểm ấy chưa có tốp nhạc dân tộc, bởi tôi là người học tập và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Đầu năm 1981, tôi được tổ chức phân công về Phòng văn nghệ của Ty, đơn vị mà trước đó tôi có nghe nói toàn giới “Hảo hớn Lương Sơn”. Qua tìm hiểu mới biết, sau ngày giải phóng 1975  một số anh chị nghệ sĩ gồm họa sĩ, đạo diễn sân khấu, nhà thơ, biên đạo múa, xuất bản miền Bắc chi viện giúp đỡ ngay những ngày đầu. Tôi thật hạnh phúc khi được hợp tác trao đổi cùng với nhà thơ Hà Linh Chi, đạo diễn sân khấu Lê Văn Tĩnh, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Định…
 
Tổng Bí thư Lê Duẩn với Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng những năm sau giải phóng 1975
Tổng Bí thư Lê Duẩn với Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng những năm sau giải phóng 1975
 
Chân tình mà nói, tôi bị hớp hồn và chinh phục bởi tính cách và tài năng của các bậc “anh hùng” thuở ấy. Bước đầu công việc hơi mông lung, không rõ ràng như khi tôi còn trong dàn nhạc cung đình Huế hay học tập ở Trường Âm nhạc Viêt Nam. Rồi công việc dần dần cũng quen, có khi làm nhiệm vụ bán vé cho một chương trình ca nhạc Sài Gòn lên; đôi lúc là hướng dẫn viên cho nhiều đoàn cải lương miền Tây đến...Ngoài ra, tôi còn đi các vùng miền xa xôi, hẻo lánh xây dựng phong trào, luyện tập ca hát cho các đội văn nghệ quần chúng, nông, lâm trường, nhà máy xí nghiệp, học đường, thôn, buôn, kể cả phường xã… Ban giám đốc thường động viên khuyến khích tôi đi sâu nghiên cứu vốn dân ca, dân vũ, dân nhạc sẵn có của các dân tộc bản địa như: K’Ho, Mạ, Cil, Lạch, Churu... để lồng vào trong sáng tác và biểu diễn. Nhân dịp chào mừng ngày thành lập Đoàn (26/3), Ty tổ chức một chương trình văn nghệ ngay trước công sở, anh Đỗ Văn Bàn lúc ấy là bí thư thanh niên, kêu gọi, hô hào, huy động lực lượng trẻ toàn ngành biểu diễn ca nhạc với đủ đầy sắc màu và ấn tượng. Hôm ấy cũng là lần đầu tiên tôi ra mắt cây đàn nhị tại Đà Lạt. Tôi mơ màng diễn tấu trong một không gian trầm tĩnh lắng đọng trào dâng. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng con gà rừng gọi giấc mơ xa. Tiếng lá tiếng chim vút cao nhập nhòa bức tranh làng quê bình an thanh thản, giữa chiều muộn cánh cò, cánh vạc vỗ trắng chao nghiêng về phía mặt trời ước mơ. Tôi không ngờ vừa xong phần độc tấu, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc vội lên bắt tay chúc mừng và cầm micro dõng dạc nói lớn trước đám đông với chất giọng chan chát hào sảng, mang âm hưởng miền Trung miệt biển: “Nguồn cội là đây, dân tộc là thế này. Tôi yêu cầu thanh niên ngành văn hóa phải nằm lòng nắm lấy, quyết tâm phát huy và gìn giữ…”. Tiếng vỗ tay vọng lại bên kia trời, chao đảo gốc thông già, ngả nghiêng dốc phố Hồ Tùng Mậu. Ban giám đốc ngày ấy có một người nữa mà tôi ấn tượng từ giây phút đầu gặp gỡ, bởi vóc dáng thanh cao, nhẹ nhàng lịch thiệp, đó là họa sĩ Vũ Long. Ngoài tác phẩm “Đánh chiêng” nổi tiếng bằng chất liệu gò nhôm, ông còn có bức phù điêu “Chiến thắng” với hình tượng cô gái nâng vạt áo dài dịu dàng, cụm hoa trên tay diễm lệ, nòng súng choàng vai uy nghi, kiêu sa rất lạ. Sau này, tôi băn khoăn chợt nghĩ, giá như rơi đúng thời điểm thích hợp tác phẩm ấy sẽ là Tượng đài phụ nữ Đà Lạt. Ông còn là giọng ca không chuyên đầy nội tâm khi giao lưu kết bạn với anh chị em nghệ sĩ, nhân dịp lễ hay ngày kỷ niệm. Mỗi lần như thế, ông hát đầy tự tin và xúc cảm “Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng”. Và còn bất ngờ hơn khi ông ngẫu hứng thể hiện “Cô gái Dariam” ca khúc của tôi. “Hế … con suối hiền hòa… Như làn mây chiều. Hế… Daria… ria… riam…” đẫm chất Yal yau - Tâm pât…
 
Đầu năm 1982, văn phòng và các đơn vị chung quanh Ty dịch chuyển qua khu Hoàng Văn Thụ làm việc. Thời điểm này, có sự thay đổi, Đại tá Phạm Văn Lý được tỉnh điều động về giữ chức giám đốc. Gốc gác ông là cán bộ tuyên giáo đoàn văn công quân khu cho nên ông rất chặt chẽ, soi rọi từng câu, từng từ khi đánh giá hay phán xét một tác phẩm nghệ thuật, thậm chí ông còn đọc rành mạch do, mi, sol, si giáng, ca khúc mới sáng tác. Cùng thời điểm, ông Phan Vũ từ dưới huyện lên được bổ nhiệm chức Phó Ty phụ trách mảng sự nghiệp. Công tâm mà nói, ngày ấy khó khăn nhưng vui lắm! Chuyện gì lạ, bất chợt hay đột xuất, tất cả từ cán bộ, công nhân viên đến ban giám đốc ai ai cũng nhiệt tình hưởng ứng, tham gia văn nghệ. Nổi bật nhất phải kể đến ông Phan Vũ, người có giọng hát ấm trầm quyến luyến, lần nào ông cũng “giành” lĩnh xướng. Ông yêu cầu các đơn vị điều động diễn viên hợp thành dàn đồng ca hát bè chồng, bè đuổi, phụ họa cho ông biểu diễn y như bản hợp xướng chuyên nghiệp. Cứ mỗi lần như vậy, ông say sưa diễn đạt quên hết mọi âu lo muộn phiền. Ông đoạt Huy chương Vàng Văn nghệ quần chúng toàn tỉnh với bài hát “Tình ca lâm trường” của nhạc sĩ Nguyễn Tánh mà tôi là người dàn dựng và chỉ huy. “Xanh một màu xanh em ơi xanh một màu xanh. Rừng xanh bạt ngàn em ơi xanh một màu xanh”. Rồi đến ca khúc “Áo mùa đông” sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, có lẽ vì gắn kết đời mình với cách mạng từ ngày còn non trẻ cho nên khi hát, ông giọt từng chữ, nhả từng lời, ánh mắt, cử chỉ điệu đà, đáo để, như dòng sông thi ca trầm ngâm vào giấc mộng. Khi diễn đạt, ông uốn tròn câu, lượn đều nhịp, khơi gợi đục trong, da diết đến nao lòng. Là trưởng ban giám khảo, ông đánh giá tại chỗ rất chân thành, sâu sắc, anh em nghệ sĩ chúng tôi khi “chùm 5 nhịp 4” cụng chén nhấp ly kháo với nhau rằng “Phan Vũ lắm tật nhưng cũng thiệt nhiều tài trong đó có tính hùng biện”. Còn nhớ năm ấy, Bộ Văn hóa Thông tin gửi công văn thông báo về việc “Liên hoan giọng ca hay hát về Bác Hồ” nhân ngày sinh của Người được tổ chức tại Nghệ Tĩnh. Lâm Đồng quyết tâm thành lập một đội gồm nhiều ca sĩ không chuyên mà chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số địa phương: Krazãn K’Dick, Krazãn Sap, Păng Ting Mút (Lạc Dương), K’Bliêm  (Đơn Dương), K’Brine, K’ Sen (Tà Nung - Đà Lạt), K’ Nghiêm, Lệ Phước (Xí nghiệp Chè Bảo Lộc),  K’Ninh, Ka Brẻo và đội cồng chiêng Đinh Trang Hòa (Di Linh). Dàn nhạc: Đỗ Quang (Drum), Anh Dũng (Bass - âm thanh), Lương Sỹ Tư Hoài (Guitare chante), Nguyễn Tánh (Guitre acco), Đình Nghĩ (Violin - đàn nhị). Sáng tác chủ yếu là những ca khúc nổi tiếng ngợi ca Bác của nhiều tác giả trong nước. Ngoài ra còn có một số tác phẩm mới của các nhạc sĩ địa phương như: Madagoui quê hương tôi, Giã gạo đêm trăng (Hà Huy Hiền), Khúc nhạc ngàn thông, Chúng em đi trồng cây gây rừng (Trọng Thủy), Tà  Nung ta đó (Chế Trung), Dậy đi em con suối ngủ ngày (Bửu Ấn), Di Linh đất nặng tình em (Nguyễn Tánh),  Mùa xuân buôn làng, Hoa Langbian, Chiều quê em (Phan Minh - Đình Nghĩ). Chúng tôi luyện tập gần hai tháng ròng rã đến ngày chuẩn bị lên đường thì có lệnh hoãn. Ban giám đốc nhanh nhẹn chuyển đổi thành đội văn nghệ xung kích đưa đi phục vụ vùng sâu vùng xa các huyện, xã trong tỉnh và cử nhà thơ, nhà biên kịch Phan Minh - Trưởng phòng Thông tin cổ động làm Trưởng đoàn theo suốt hành trình lưu diễn, đi đến đâu được bà con ủng hộ đến đó. Chúng tôi xuyên đất đỏ dạt bụi hồng, bắt đầu từ xã vùng xa rồi ra huyện, lên tỉnh, băng qua rừng già tre nứa Madagoui, Đạ Huoai, Đạ Tẻh rồi Phước Cát (Cát Tiên), va vào đâu ngủ ở đấy, chạm nơi nào thì ăn tại chỗ. Khi cháo cá Đồng Nai, lúc măng rừng Đạ Kộ, khi lá bép Lộc Bắc, lúc củ sắn Đinh Trang Hòa, khi cơm trắng Lộc An, lúc phở xào Bảo Thuận, rồi ngược lên Đa Sar - Đa Chais vít cong cần uống rượu dưới trăng vàng mờ sáng. Biểu diễn xong đâu đó, đoàn mới trở về Đà Lạt mộng mị phố sương. Chúng tôi hồn nhiên vui vẻ, trong trẻo cười tươi, trên chiếc xe hơn 16 chỗ gồm cả âm thanh, máy nổ, đèn chiếu, dàn nhạc, bon bon trên đường hơn hai tháng bồng bềnh phiêu dạt, xô bạt thời gian, cuốn cuộn theo mưa, theo nắng, theo mây trắng, rồi tan nhòa thành dòng chảy, dòng chảy thiêng liêng, vi lượng, từ bi, rót tận cùng hơi ấm, trút đáy ngực trái tim, trái tim hồng rọi soi của người chiến sĩ văn hóa. Sau đó, đạo diễn Phù Chí Hoàng từ Hà Nội trở về, anh tích cực tổ chức các hoạt động. Khu Hoàng Văn Thụ lúc ấy mới thật sự bừng sáng bởi các lớp học: Âm nhạc, múa, kịch câm, kịch nói, võ thuật. Tôi tham gia giảng dạy lý thuyết, ông Hà Huy Hiền ca hát luyện thanh, diễn viên Lan Hoa hướng dẫn múa; nhạc sĩ Nguyễn Tánh phụ trách Guitare cổ điển... Đạo diễn Phù Chí Hoàng ngoài công việc chung, anh còn là tác giả kiêm diễn viên kịch nói, kịch câm. Phải công nhận đội kịch ngày ấy rất mạnh gồm các nghệ sĩ như: Thầy giáo Nhiên (Bùi Thị Xuân), phát thanh viên Hương Sen (Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng), kiến trúc sư Trần Đức Lộc (Sở Xây dựng), Hà Quang Chính kịch câm... Học viên đến rất đông, đêm nào cũng sáng đèn hòa nhịp. Phong trào văn nghệ quần chúng sôi động và có nhiều đội mạnh: Xí nghiệp Chè, Dâu tằm tơ, Xí nghiệp xe tải, Công an tỉnh, Nhà thiếu nhi, Chữ thập đỏ, nhóm ca khúc chính trị thị trấn Dran, cồng chiêng N’thôl Hạ... Mỗi lần có các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước vào Đà Lạt thăm, làm việc và nghỉ dưỡng như các đồng chí: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Nước Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng..., chúng tôi luân phiên tuyển chọn diễn viên với đầy đủ thành phần: Nghệ nhân, già làng, thiếu nhi, phụ nữ, cơ quan, công sở, trường học... Tất cả đều thuận tình và tự hào mình là người được chọn tham gia biểu diễn. Chương trình phục vụ có khi cả tháng ròng rã... Chúng tôi không ai yêu cầu đòi hỏi, không chế độ ưu tiên, không tiền bồi dưỡng.
 
Phòng văn nghệ của Ty có nhà nghiên cứu văn học dân gian (Folklore) Lâm Tuyền Tĩnh, nhà văn Huỳnh Chính, biên tập viên Hoàng Thị Lợi. Ty đã xuất bản nhiều ấn phẩm văn, thơ, nhạc, họa rất chuyên nghiệp, rất đẹp. Mục “Gương người tốt việc tốt” do chị Hoàng Mai, Võ Thị Lệ Hồng đảm trách, được nhiều độc giả ủng hộ mến yêu. Người đọc không thể quên, các tập sách “Hoa thắm cao nguyên” cái tên mà ông Phan Vũ là người đặt tiêu đề khi đang là Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bảo Lộc, ở Ty lúc bấy giờ, Đội thông tin lưu động vỏn vẹn có 4 người: Cầm, Quang, Hoa, Nhuận rất tài năng vừa đàn vừa hát, vừa tuyên truyền viết kịch bản. Mảng tranh ảnh có nghệ sĩ Bùi Á, nhiếp ảnh gia lừng danh với những bức chân dung chụp các bậc lãnh tụ, rồi các anh Võ Trần Phú, Vi Quốc Hiệp, Nguyễn Văn Lại, Lê Chai, Đình Hồng, Bùi Phương. Phía Đoàn Văn công ngoài những tên tuổi gạo cội như: Trần Phạm Lợi, Lương Mạnh Hùng, Ái Liên (kịch), Võ Mạnh Hùng, Duy Thoán (nhạc), Phan Hậu (múa), Hoài Thương, Hoàng Phúc Dùng, Anh Dũng (ca), còn có một dàn diễn viên nam nữ trẻ, đẹp, xinh; nhất là đội múa. Các em chỉ mới là học sinh cấp 2, 3 phổ thông có năng khiếu, yêu nghề đành chấp nhận bỏ học theo nghệ thuật. Tiết mục “Anh vẫn hành quân”,“Trên đường chiến thắng”, để lại ấn tượng trong lòng công chúng thời ấy, anh Dương Thành Đồng phó đoàn là người trình tấu, mà cây sáo luôn ngả phía tay trái. Xúc động hơn, tối 30 tết nguyên đán, nghệ sĩ của Đoàn về Hương Lâm - Đạ Lây biểu diễn cho bà con Thừa Thiên vào xây dựng vùng kinh tế mới, sau đó ở lại trắng đêm cùng thanh niên Huế bên triền dốc “Mạ ơi” đón giao thừa ôm nhau khóc nức nở…
 
Muôn trùng vạn nẻo, chia ngọt sẻ bùi, mới đó mà đã hơn 35 năm trên xứ lạnh cao xanh, tôi quan niệm ở đâu, nơi đâu, dưới ánh mặt trời, hoa nắng vẫn kết thành chùm rung reng, bủa tràn mơ ước. Chính vì lẽ đó nên tôi một dạ cùng âm nhạc, sắt son nhấn ngón đàn, thuận chiều phiêu diêu cung đường hòa điệu. Từng phút từng giây chắt chiu gìn giữ, đau đắng trải lòng đồng hành cùng gia đình lưu truyền nghệ thuật truyền thống, gom góp nâng niu để cho mỗi âm giai tiết nhạc là phiên bản phong trần giao hưởng, lãng du diệu vợi, nắn nót đưa những cung bậc bổng trầm thăng giáng, mang thông điệp tình yêu, hướng giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Quãng đường đi qua, tuy gập ghềnh biến động, đôi khi tủi hờn chênh vênh, dầm dề nước mắt nhưng vẫn lý thú, hấp dẫn, diệu kỳ. Tôi tiếp xúc nhiều người, nhiều cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhiều ông bà chánh phó giám đốc, qua mỗi thời kỳ, từng giai đoạn. Ký ức ấy không thể nào quên, không bao giờ quyên. Tôi cúi xin trời đất cho mình luôn luôn mạnh khỏe, dồi dào trí lực, còn sức sáng tạo cống hiến, để mùa sau… Dặm đời buồn vui lần lữa tôi lại kể.
 
NS ĐÌNH NGHĨ