Ghi nhận từ mô hình trồng rau hữu cơ ở Đạ Tẻh

06:03, 22/03/2021

Bên vườn rau tươi non, anh Vũ Danh Long (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) say sưa kể tôi nghe: "Vườn rau này có được là nhờ phần lớn sự khuyến khích và hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh...

Bên vườn rau tươi non, anh Vũ Danh Long (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) say sưa kể tôi nghe: “Vườn rau này có được là nhờ phần lớn sự khuyến khích và hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh. Rau hữu cơ khác với rau sạch và rau an toàn. Nó đòi hỏi rất nghiêm ngặt về đất trồng, nước tưới, giống, phân bón, quy trình canh tác”. 
 
Anh Vũ Danh Long bên vườn rau hữu cơ của gia đình
Anh Vũ Danh Long bên vườn rau hữu cơ của gia đình
 
Mặc dù được đánh giá là xu hướng và là thị hiếu của người tiêu dùng trong tương lai nhưng ở thời điểm hiện tại, rau hữu cơ nói riêng và thực phẩm hữu cơ nói chung là luôn hướng đến việc thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học.
 
Đi quanh vườn rau rộng 3.000 m2, nhìn từng luống rau, từng loại: Cải ngọt, mồng tơi, rền đỏ, rau muống, rau lang, cải cúc...  đều xanh tốt mà chúng tôi thấy vui lây, lòng trào dâng một cảm xúc khó tả...
 
Từ mảnh đất Quốc Oai - Hà Tây (nay là Hà Nội), năm 1977, bố mẹ anh Long xung phong vào xây dựng vùng kinh tế mới tại Nông trường Hà Lâm (Lâm Đồng). Một năm sau, anh ra đời từ tình yêu của bố mẹ trên vùng đất mới, khi đất nước thống nhất, quy về một mối được ba năm. Hai mươi năm sau, năm 1998, anh lập gia đình rồi sinh cơ lập nghiệp ở Thôn 1 (Thạch Thất, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh bây giờ).
 
Ba mươi năm, từ 1998 đến 2018, anh Long bươn trải kiếm sống bằng nhiều công việc khác nhau. Từ làm thuê, trồng lúa, lên rừng, khai thác vật liệu xây dựng... rất vất vả nhưng chỉ giúp gia đình anh đủ ăn. Anh Long nghĩ, mình có đất, làm gì trên mảnh đất ấy để cho sinh hoa đậu quả? Từ ý chí vươn lên làm giàu, lại gặp được chương trình khuyến nông của Nhà nước, anh như mở cờ trong bụng. Sau khi bàn với vợ, anh quyết định tập trung trồng rau theo hướng sạch, an toàn. 
 
Như sợ tôi không hiểu giữa rau sạch, rau an toàn và rau hữu cơ, anh cho hay, rau hữu cơ phải đáp ứng bắt buộc năm tiêu chí: Không phân bón hóa học; Không chất diệt cỏ; Không thuốc trừ sâu độc hại; Không chất biến đổi gen; Không chất kích thích sinh trưởng. Riêng chuyện phân chuồng, được chuyển từ bên ngoài trang trại về, anh Long phải ủ nóng trước khi dùng bón lót và bón thúc cho rau.
 
Từ khi rau cho thu hoạch, nhiều ngày trong tháng vợ anh không phải ra chợ mà rau vẫn bán hết. Người tiêu dùng biết chuyện, một truyền mười, mười truyền trăm, nên đến tận vườn để mua. Có ngày nhà anh như một chợ rau thu nhỏ. Với giá bán của các loại rau hiện nay, bình quân một tháng trừ chi phí còn cho gia đình anh Long thu lãi từ 15-20 triệu đồng.
 
Để có vườn rau như mong đợi, anh Long đã không ngại đầu tư công sức, tiền của. Ngoài việc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ phân bón và giống rau, anh mua hàng trăm mét vuông lưới nilon, cột sắt làm lồng bảo vệ, quây quanh vườn. Lắp đặt hệ thống phun sương trị giá gần một trăm triệu đồng. 
 
Anh Long chia sẻ: Việc sử dụng hệ thống máy phun sương để tưới rau, không chỉ giúp làm giảm nhiệt độ một cách an toàn, mà nó còn tăng độ ẩm không khí trong điều kiện thời tiết nóng nực như ở Đạ Tẻh. Mặt khác, nó rất tốt cho sức khỏe vì những hạt sương li ti sẽ gom các hạt bụi lại, thanh lọc và làm sạch không khí. Không những vậy nó còn tiết kiệm chi phí, thời gian và lao động rất nhiều.
 
Anh Long cho biết, vườn rau hữu cơ được khai thác ba năm nay. Mỗi năm trừ chi phí còn thu hơn hai trăm triệu đồng. Số tiền đủ trang trải cho một cháu đang học Đại học Tài chính - Ngân hàng tại Hà Nội, một cháu đang ôn luyện, quyết tâm đạt ước mơ thi đỗ đại học ngành Công an Nhân dân.
 
Ngoài vườn rau hữu cơ, với phương châm sản xuất “đa cây, đa con”, cái nọ hỗ trợ cái kia, vợ chồng anh Long lập trang trại trồng sầu riêng và bơ. Trong diện tích gần 7 ha, anh trồng ba trăm cây sầu riêng Moon thon (Thái Lan); 4,5 ha trồng bơ 34, loại bơ cho năng suất, chất lượng cao. Năm 2020 cho thu vụ đầu tiên, với 8 tấn quả, bình quân mỗi quả nặng từ 700 gram đến 1 kg, giá bán 60 ngàn một kg, đã thu về 480 triệu đồng.
 
Cùng với trồng rau hữu cơ, mở trang trại cây ăn trái, anh Long còn chăn nuôi heo rừng - thực phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng hiện nay. Để chủ động về giống, anh nuôi một cặp heo bố, mẹ. Điều ít người biết mà anh Long làm được là làm sao trong môi trường không có rừng mà cặp heo vẫn sinh sản bình thường.
 
Từ 3 năm nay, cặp heo rừng bố mẹ cứ mỗi năm đều đều cho hai lứa, mỗi lứa từ 11 đến 16 con. Anh Long chia từng chuồng nuôi heo con và heo thịt. Heo trưởng thành từ 20 kg đến 30 kg là cho xuất chuồng. Mỗi kg hơi giá 150 ngàn đồng. Một con heo giống từ 5 đến 6 kg giá 1,5 triệu đồng. Gia đình lại có thêm khoản thu không nhỏ.
 
Ông Đặng Văn Đĩnh, ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, người cùng huyện, được anh Long chia sẻ lợi ích của việc trồng rau hữu cơ, đã lập 6.000 m2 vườn. Mặc dù mới cho thu hai vụ, nhưng hiệu quả về kinh tế gắn với cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn sinh học thì không chê vào đâu được.
 
Việc trồng rau hữu cơ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống và đối với thiên nhiên. Hàm lượng dinh dưỡng trong rau hữu cơ cao hơn các loại rau cùng loại, không độc hại cho sức khỏe con người, mang lại lợi ích cho môi trường và có lợi cho sức khỏe đến những người mua để sử dụng. Với những lợi thế hơn hẳn, chắc chắn trong tương lai gần, huyện Đạ Tẻh sẽ có rất nhiều người trồng rau hữu cơ như anh Vũ Danh Long (xã Đạ Kho) và anh Đặng Văn Đĩnh (xã Mỹ Đức).
 
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM