Chuyện già K'Bông

06:09, 17/09/2020

Ở thôn Preteing II có già K'Bông uy tín, hàng chục năm gắn bó với việc thôn và cần mẫn gõ từng nhà vận động con em đi học.

Ở thôn Preteing II có già K’Bông uy tín, hàng chục năm gắn bó với việc thôn và cần mẫn gõ từng nhà vận động con em đi học.
 
Già K'Bông trao đổi với các thầy giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở R'Teing về số lượng học sinh ra lớp đầu năm học 2020 - 2021
Già K'Bông trao đổi với các thầy giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở R'Teing về số lượng học sinh ra lớp đầu năm học 2020 - 2021
 
Nặng lòng với việc thôn 
 
Preteing II là thôn đặc biệt khó khăn của xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà. Gần 300 hộ dân nơi đây chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Già K’Bông năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông được công nhận già làng, người uy tín từ năm 2011. Từ nhiều năm làm an ninh thôn trước đó, hay từ lúc trở thành già làng, người có uy tín đến nay, già làng K’Bông vẫn luôn nặng lòng với việc buôn, việc thôn. Tiếng nói của già vẫn luôn đầy uy tín với những con người ở Preteing II.
 
Nhắc đến già K’Bông, ông Hoàng Quốc Hòa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Sơn bảo rằng: “Hơn 10 năm làm công tác an ninh thôn lại là người tâm huyết với các hoạt động ở thôn, nên già K’Bông nắm rõ từng nóc nhà không chỉ ở buôn Đạ Đờn của ông mà cả ở buôn Ya Lu. Mỗi khi xã có việc ở thôn, già K’Bông luôn là người không thể vắng mặt. Việc lớn, việc nhỏ, cán bộ xã đều tham khảo ý kiến của già làng và thông qua tiếng nói uy tín của già làng để có được sự ủng hộ của bà con trong thôn. Già K’Bông là cầu nối để chính quyền địa phương và bà con nhân dân đồng thuận trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”. Và đúng như nhận định của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, trong các cuộc họp của thôn, sau nội dung phổ biến của lãnh đạo thôn, già K’Bông sẽ sử dụng ngôn ngữ của mình để truyền tải một lần nữa các nội dung đến bà con. Và ngược lại, thông qua già làng, bà con cũng gửi gắm những nguyện vọng của mình. Còn nhớ năm 2018, để triển khai thực hiện việc xây dựng đường bê tông trong thôn, Ban Nhân dân thôn đã tổ chức họp để lấy ý kiến đóng góp từ người dân. Bởi việc thực hiện mở rộng và xây dựng con đường sẽ liên quan đến đất đai của nhiều hộ dân. Gương mẫu đi đầu, già làng K’Bông đã tự nguyện hiến đất làm đường, sẵn sàng chặt bỏ 50 gốc cà phê đang cho thu hoạch trên diện tích đất ấy. Không dừng lại ở đó, già K’Bông còn cùng Ban công tác mặt trận thôn đến từng nhà để vận động nhiều bà con khác trong thôn về lợi ích của việc xây dựng đường bê tông. Lý lẽ của vị già làng cũng vô cùng đơn giản, rằng “Có đường bê tông rồi, bà con mình chở cà phê cũng dễ dàng hơn. Ngày mưa con cháu tới trường không bị té ngã lấm lem quần áo”. Chính nhờ những lý lẽ thiết thực, gần gũi mà đầy sức thuyết phục ấy của già K’Bông mà bà con Preteing II đồng lòng góp của, góp công xây dựng con đường. Ngày khánh thành con đường ấy, bà con Preteing II vui như mở hội. Nhưng có lẽ người vui nhất chính là già làng K’Bông. Và hôm nay, nhìn con đường bê tông chạy qua trước ngõ và nhắc nhớ câu chuyện năm ấy, già K’Bông bảo rằng “chỉ cần là việc làm tốt cho buôn làng, bà con sẽ không ngần ngại tham gia. Những người già như già cũng không ngại ngần đi trước”. Đôi mắt già K’Bông vẫn lấp lánh vẹn nguyên niềm xúc động như ngày khánh thành con đường năm ấy. Trong đôi mắt ấy giờ còn thu trọn hình ảnh những đứa trẻ mặc áo trắng, tung tăng cắp sách đến trường. 
 
Già làng khuyến học
 
Ở Preteing II, cứ vào đầu năm học, vào vụ thu hoạch cà phê, sau dịp Noel, Tết Nguyên đán… là những thời điểm có nhiều học sinh nghỉ học. Ngoài ra, những lý do khác nhau của từng gia đình cũng khiến các em nghỉ học giữa chừng. Thầy cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở R’Teing thường xuyên đến từng nhà để vận động các em ra lớp. Nhưng khác biệt về ngôn ngữ và những hạn chế về thời gian tiếp xúc đã gây khó khăn cho các thầy cô khi vận động phụ huynh và các em học sinh trong việc đến trường. Nhận thấy điều đó, nhiều năm qua, dù nắng hay mưa, chỉ cần nhà trường báo có học sinh nghỉ học, già K’Bông lại cùng thầy cô giáo đến “gõ cửa từng nhà”.
 
Ở Phú Sơn nhiều người gọi già K’Bông là già làng khuyến học. Bởi liên tục nhiều năm qua, ông cần mẫn trong việc vận động học sinh tới trường.

Nhận thức rõ giá trị của việc học - con đường ngắn nhất và bền vững nhất để thoát nghèo, để buôn làng ngày càng phát triển, già làng K’Bông luôn nặng lòng với việc vận động con em tới lớp. Bà con lúc nào cũng lấy sự nghèo làm lý do, nhưng già K’Bông bảo rằng: “Muốn thoát nghèo phải chăm cà phê tốt, làm rẫy tốt, rảnh rỗi đi làm công, tiết kiệm chi tiêu mới thoát nghèo được. Còn nếu cứ nhận được tiền giao khoán bảo vệ rừng về ăn nhậu hết, cứ vay nợ quán tạp hóa rồi thu cà phê về trả thì làm sao thoát nghèo được. Học sinh hộ nghèo có Nhà nước hỗ trợ, nhưng bà con cũng phải góp sức vào chứ Nhà nước sao lo hết được. Mình không cố gắng thì ai muốn giúp mình nữa”. Cũng từ lý do cái nghèo, bà con đã từng đặt cho vị già làng câu hỏi rằng: Học có ra lúa, ra bắp cho vào bụng, ra tiền đỡ đói không? “Câu hỏi ấy lần đầu tiên đã làm mình ngập ngừng nhưng sau khi suy nghĩ mình quả quyết rằng có. Và để chứng minh, mình động viên con cháu chăm lo học hành để có tri thức, có công ăn việc làm, biết ghép cà phê tăng năng suất”, già K’Bông nói. Nói được, làm được, gia đình già K’Bông là một trong những người đi đầu trong tiến hành ghép chồi non để cải tạo vườn cà phê già nhằm tăng năng suất cây trồng. Con cái gia đình già K’Bông được học hành đầy đủ. Có người học hết phổ thông, có người tốt nghiệp đại học và quay trở về công tác ở thôn hay làm cán bộ trường học. Và giờ đây các cháu của già K’Bông cũng đến trường đầy đủ. Gia đình già là gia đình hiếu học tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS ở xã Phú Sơn.

 
Cần mẫn năm này qua tháng nọ, mưa dầm cũng thấm đất, những năm qua đã có rất nhiều đứa trẻ quay lại trường học nhờ tiếng nói của già K’Bông. Nhưng già vẫn luôn đau đáu làm sao để trong thôn không có cháu nào bỏ học: “Mình không thể bắt ép, yêu cầu, mà chỉ có thể tâm tình, phân tích rõ hậu quả của việc không biết chữ, từ đó giúp bà con hiểu ra để đưa các cháu đến trường”. Thầy Nguyễn Thái Dương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở R’Teing, người đã nhiều năm liền cùng già K’Bông vận động học sinh đi học bảo rằng: “So với những năm trước đây, lượng học sinh bỏ học đã giảm rất nhiều, song chưa hết hẳn. Bởi vậy, các thầy cô vẫn rất cần tiếng nói của già K’Bông”.
 
Già K’Bông không chỉ là “bóng cả” của Preteing II, ông còn là một trong những cầu nối quan trọng giữa xã Phú Sơn và bà con trong thôn, là điển hình trong xây dựng khối đại đoàn kết của huyện Lâm Hà. Già K’Bông cũng đã nhiều lần góp mặt trong đoàn các già làng, người có uy tín của huyện ra thăm Thủ đô Hà Nội.
 
HOÀNG MY