Giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

05:09, 15/09/2020

Không bị cách ly với gia đình, cộng đồng dân cư, cai nghiện tại gia đình - cộng đồng không chỉ giúp người nghiện ở Đức Trọng giảm được sự mặc cảm, tự ti mà còn phát huy được vai trò trách nhiệm của gia đình với bản thân, từ đó giúp họ ý thức và quyết tâm từ bỏ ma túy.

Không bị cách ly với gia đình, cộng đồng dân cư, cai nghiện tại gia đình - cộng đồng không chỉ giúp người nghiện ở Đức Trọng giảm được sự mặc cảm, tự ti mà còn phát huy được vai trò trách nhiệm của gia đình với bản thân, từ đó giúp họ ý thức và quyết tâm từ bỏ ma túy.
 
Đội công tác xã hội đi tuyên truyền không sử dụng ma túy trong cộng đồng ở Đức Trọng
Đội công tác xã hội đi tuyên truyền không sử dụng ma túy trong cộng đồng ở Đức Trọng
 
Những năm gần đây, tình trạng nghiện ma túy đang trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đức Trọng, hiện nay tình hình nghiện ma túy trên địa bàn càng ngày càng phức tạp. Toàn huyện có 280 đối tượng có hồ sơ quản lý người nghiện ma túy với độ tuổi từ 14 tuổi trở lên, còn lại rất nhiều đối tượng nghiện chưa được quản lý.
 
Trước tình hình đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kiên quyết phòng, chống tệ nạn ma túy; trong đó, UBND huyện đã ban hành nhiều kế hoạch về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình thí điểm cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở 15 xã, thị trấn.
 
Trên cơ sở số người nghiện quản lý, UBND các xã, thị trấn tổ chức phân loại tình trạng nghiện, tư vấn người nghiện đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp. Trong đó, quan tâm vận động người mới nghiện ma túy lựa chọn hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy; động viên người nghiện, thân nhân người nghiện ma túy chọn các hình thức cai nghiện tự nguyện. Bởi các hình thức này phù hợp với người mới sử dụng ma túy, tạo tâm lý không mặc cảm, tự ti, nâng cao trách nhiệm bản thân, gia đình và người nghiện; đồng thời huy động trách nhiệm của cộng đồng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện.
 
Mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có nhiều ưu điểm, như: góp phần thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện vì có sự tham gia của hệ thống chính trị, đoàn thể tại địa phương; tạo điều kiện cho những người nghiện tiếp cận với các hình thức, biện pháp cai nghiện tại cộng đồng; giúp người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội, không gián đoạn học tập, việc làm; giảm sự kỳ thị và tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy rất lớn...
 
Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, huyện cũng đã quan tâm về chế độ miễn giảm, hỗ trợ kinh phí trong thời gian cai nghiện tập trung cắt cơn tại cơ sở điều trị đối với người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Cụ thể, miễn 100% các khoản đóng góp cho người nghiện thuộc hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người chưa thành niên, thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật, bị nhiễm HIV/AIDS, người không có nơi cư trú nhất định; hỗ trợ 50% các khoản đóng góp cho các người nghiện còn lại. Đây là mức hỗ trợ cho các chi phí về tiền ăn, tiền thuốc điều trị cắt cơn nghiện, chi phí khám sức khỏe, các xét nghiệm khác. Ngoài ra, người hoàn thành cai nghiện được tư vấn về vấn đề tâm lý, sức khỏe, thăm nắm nhu cầu về dạy nghề, vay vốn kinh doanh sản xuất, tạo việc làm ổn định, đã góp phần hạn chế người tái nghiện.
 
Giai đoạn từ 2016 - 2020, Đức Trọng đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 354 lượt người nghiện với nhiều hình thức, đạt trên 80% số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn; trong đó, cai nghiện tại gia đình - cộng đồng 27 người (cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng 6 người và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng 21 người).
 
Bên cạnh những thuận lợi, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như: gia đình người nghiện không tự giác khai báo tình trạng nghiện của người thân, không đăng ký các hình thức cai nghiện. Thậm chí, có gia đình dù đã đăng ký cho con em cai nghiện, song chỉ một thời gian ngắn lại nản chí, vì chưa xác định được việc cai nghiện đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn không chỉ của chính bản thân người nghiện, sự hỗ trợ từ địa phương mà còn rất cần sự chăm sóc, theo dõi, quản lý, giám sát từ phía gia đình trong suốt quá trình cai nghiện. Mặt khác, công tác phối hợp của các đơn vị trong quản lý, giáo dục người nghiện ma túy chưa được quan tâm đúng mức, môi trường cộng đồng ở Đức Trọng còn nhiều phức tạp, không đảm bảo tốt các điều kiện thuận lợi để người nghiện ngưng tiếp xúc, ngưng sử dụng ma túy và tiến đến cai nghiện thành công. 
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng cho biết: Nhìn chung việc triển khai công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Mặc dù số lượng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng vẫn còn ít so với người nghiện trên địa bàn; song bước đầu cho thấy các xã, thị trấn đã có nhiều cố gắng trong việc vận động người nghiện tham gia hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được các đoàn thể, thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện, ban nhân dân tổ dân phố, thôn cùng chung tay, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình và người nghiện tự nguyện khai báo tình trạng nghiện ma túy và đăng ký hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyên cho biết thêm, trong thời gian tới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê người nghiện, tổ chức cập nhật thường xuyên hơn để quản lý và tổ chức hình thức cai nghiện phù hợp. Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, thị trấn tích cực phân công cụ thể thành viên trong việc vận động, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên người nghiện khai báo nghiện và đăng ký cai nghiện; đồng thời, tham gia quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
 
HOÀNG YÊN - NGỌC NGÀ