Chống ''hỏa mù'' rao bán đất qua mạng

06:09, 16/09/2020

Diện tích, có sổ, đã đóng thuế phi nông nghiệp, view đẹp, giá cả thích hợp nghỉ dưỡng, homstays, đầu tư sinh lời, địa chỉ..., số điện thoại...

Diện tích, có sổ, đã đóng thuế phi nông nghiệp, view đẹp, giá cả thích hợp nghỉ dưỡng, homstays, đầu tư sinh lời, địa chỉ..., số điện thoại... Những từ ngữ này được giới bán đất tại Đà Lạt tung “hỏa mù” công khai trên mạng. Nhằm hạn chế nhiều người mắc bẫy, UBND một số địa phương ở Đà Lạt đã vận dụng ngay mạng xã hội để cảnh báo. 
 
Chính quyền Phường 7 cắm biển cảnh báo ngay tại lô đất
Chính quyền Phường 7 cắm biển cảnh báo ngay tại lô đất
 
Những lời mồi chài 
 
Lướt qua mạng xã hội như facebook, “trang thông tin điện tử cá nhân”, hiển thị hàng loạt lời rao bán kèm theo hình ảnh lô đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, họa đồ phân lô, hóa đơn thu thuế. Loại thông tin kiểu này là: “Gia đình cần bán lô đất có sẵn nhà nhỏ và có view hồ, rừng thông ngay giữa đèo Mimoza Phường 10, TP Đà Lạt. Giá 2,9 tỷ; diện tích 1.950 m 2, mặt tiền 200 m, đường ô tô…” của facebook Ngô Tân gắn qua trang “Bất động sản Đà Lạt”. Tại “Mua bán nhà đất Đà Lạt”, người có tên Van Thanh Tran Loan: “Anh chị về quê cần bán lại lô đất tặng kèm căn nhà nhỏ xinh, đèo Mimosa. Pháp lý. Đất đã đóng thuế phi nông nghiệp. Diện tích 240 m 2… thích hợp nghỉ dưỡng, homstays, đầu tư sinh lời. Liên hệ: 0918823711. 0979309566”. Facebook Tran Ngoc Trung rao: “sổ riêng nông nghiệp 1.112 m 2, sang tên dễ dàng, đóng thuế từ 1989… điện thoại 0942810212…”. Rất nhiều lô ở các đường trên địa bàn thành phố Đà Lạt như Hoàng Hoa Thám, Lê Văn Tám, Khởi Nghĩa Bắc Sơn, Trần Quang Diệu, Ngô Quyền, Cao Thắng…; trong đó có những lô rao diện tích 12.600 m 2 ở Măng Lin của người có tên Thanh Tung. 
 
Phản hồi từ phường 
 
Trong số những UBND phường, xã ở Đà Lạt, UBND Phường 7 và Phường 10 hai năm nay phát huy “trang thông tin điện tử nội bộ”. Ngoài tuyền truyền, phổ biến nội dung về kinh tế - xã hội và trật tự an ninh còn dành phần quan trọng, khá thường xuyên về lĩnh vực quy hoạch đất đai. Trong đó, phản bác thông tin rao bán từng lô đất cụ thể của giới đầu cơ. Phường 7 mở chuyên mục “Góc cảnh báo” với những thông tin đăng tải: “Qua nắm bắt thông tin và kiểm tra quy hoạch, UBND Phường 7 khuyến cáo hiện nay trên địa bàn phường có nhiều khu vực (như hình) thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, không được mua bán, sang nhượng”; “Hiện nay, trên địa bàn Phường 7, TP Đà Lạt tiếp tục rao bán đất tặng giấy phép xây dựng giá rẻ, diện tích từ 60-70 m 2. Phường 7 chỉ có 1 khu vực duy nhất là nhà liên kế sân vườn, còn lại là kiến trúc biệt lập. Do đó, khả năng xây dựng sai phép là rất cao”. (Gửi kèm hình ảnh 4 lô đất của fb Ngọc Mai gần đường Ngô Quyền). Hoặc: “UBND Phường 7 xin khuyến cáo: hiện nay tình trạng bán đất theo hình thức đồng sử dụng (1 lô đất bán cho 3, 4 người đứng tên trên 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đang được rao phổ biến. Bà con lưu ý những trường hợp này ai mua những lô bên ngoài khi xây dựng rất dễ sai phép (sai ranh đất)...”. Cuối thông báo luôn kèm “xin liên hệ UBND Phường 7, số 270 Xô Viết Nghệ Tĩnh để được hướng dẫn hoặc qua số điện thoại 0912263020”. Còn ở Phường 10 thông tin: “Khu đất đăng bán trong bài thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ không được phép xây dựng”; “Khu đất đăng bán trong bài thuộc quy hoạch đất công viên cảnh quan, UBND Phường 10 đã nhiều lần cưỡng chế công trình xây dựng không phép tại khu vực”; “Khu đất đăng bán trong bài là đất quy hoạch công viên cảnh quan không được phép xây dựng”... Và cũng luôn có thêm nhắc nhở: “Bà con cần tìm hiểu kĩ. Mọi chi tiết liên quan có thể tìm hiểu trực tiếp tại UBND Phường 10 địa chỉ số 05 Hùng Vương. Xin trân trọng cảm ơn”. 
 
Cả hệ thống chính trị cùng cảnh báo  
 
Trước tình hình Đà Lạt “sốt đất”, nhu cầu người sử dụng nhiều, giới đầu cơ đất càng ráo riết tung “hỏa mù” bằng các hình thức rao bán. Nhiều người mua đã chịu cảnh “tiền mất tật mang”. Những người lao động ít tiền hoặc người ở tỉnh, thành ngoài Lâm Đồng phải “ngậm đắng nuốt cay”. Trước thực trạng đó, UBND Phường 7 và Phường 10 vào cuộc hỗ trợ bằng nhiều việc làm thiết thực. Thành lập tổ bao gồm lãnh đạo UBND, các bộ phận như địa chính, tư pháp, Đoàn thanh niên, phường đội, công an, văn phòng,... Những cuộc họp giao ban các tổ chức đoàn thể đều thông tin 2 chiều. Tổ dân phố cũng giữ vai trò nắm bắt thông tin. Mỗi khi phát hiện lô đất có biểu hiện sang nhượng trái pháp luật, phường xác minh và công bố ngay lên “trang thông tin điện tử nội bộ”. Ngoài ra, Phường 7 còn cắm biển báo ngay tại lô đất với nội dung “Khu vực quy hoạch đất nông nghiệp, nghiêm cấm phân lô, chuyển nhượng để xây dựng nhà ở trái phép. Vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. 
 
Phường 7 và Phường 10 là những địa bàn “sốt” đất ở. Hiện tổng diện tích tự nhiên Phường 7 là 3.412 ha; trong đó đất nông nghiệp 1.127 ha, đất lâm nghiệp hơn 1.700 ha, đất phi nông nghiệp 750 ha. Phường 10 diện tích đất tự nhiên hơn 1.372 ha; trong đó, đất nông nghiệp gần 552 ha, đất lâm nghiệp gần 469 ha, đất phi nông nghiệp 351 ha. Chủ tịch UBND Phường 7 Nguyễn Viết Quyền cho biết: Trên địa bàn hiện có 56 thửa đất thuộc 16 khu vực, tổng diện tích 97.714 m 2; hiện trạng đất đã phân lô, làm đường đi, bán nền. UBND phường đã gửi báo cáo cụ thể từng lô đến UBND thành phố Đà Lạt và kiến nghị Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp cung cấp hồ sơ chuyển nhượng để có cơ sở xử lý vi phạm hành chính. Nhưng chưa có phản hồi để triển khai thực hiện. “Khó khăn nhất là hồ sơ bán qua nhiều chủ nên không nắm được. Trong lúc người mua không biết, nghe theo lời gạ gẫm bảo kê xây dựng của đối tượng đầu cơ nên họ mua làm nhà”, ông Quyền nói. 
 
Phương pháp cảnh báo của UBND Phường 7 và Phường 10 đã mang lại nhiều hiệu quả. Nhiều người mua trực tiếp đến phường hoặc gọi điện thoại để được tư vấn. Trên “trang thông tin” khá nhiều sự tương tác, trong đó có những lời khen khích lệ việc làm của chính quyền. Chủ tịch UBND Phường 10 Tôn Thất Thanh Vũ cho biết, phường phân công đích danh Chủ tịch và một Phó Chủ tịch trả lời trên trang này sau khi đã xác minh cụ thể và thống nhất nội dung. Sự phối hợp không chỉ hệ thống chính trị trong phường mà cần nhiều đơn vị chức năng khác của thành phố và các phường bạn, trong đó có Ban Quản lý bảo vệ rừng. Phó Chủ tịch UBND Phường 7 Hồ Công Định, người trực tiếp duyệt thông tin và đăng tải nói: “Quan trọng nhất là thông tin, càng rộng rãi càng có hiệu quả và xử lý kịp thời”.
 
MINH ĐẠO