Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc trong phát triển du lịch Đà Lạt

09:06, 25/06/2015

Một trong những đặc trưng cơ bản tạo nên sắc thái văn hóa Đà Lạt có nét đặc thù là do sự khác biệt về cấu trúc địa hình ở độ cao trên 1.500m, khí hậu quanh năm mát mẻ và phân bố dân tộc, dân cư tạo nên sự hội tụ giữa văn hóa người dân bản địa với văn hóa người dân các vùng, miền về đây sinh cơ lập nghiệp

Từ đầu thế kỉ XX, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành đầu tư nhằm biến Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ dưỡng của cả Đông Dương. Kết quả của những tác động vào hệ sinh thái mang nhiều giá trị đặc sắc của vùng đất trên cao nguyên Langbian ngày nay vẫn còn hiện diện đây đó khắp thành phố. Từ đó, Đà Lạt từng bước trở thành một địa danh du lịch quen thuộc đối với du khách không chỉ trong nước mà cả quốc tế. 
 
Một trong những đặc trưng cơ bản tạo nên sắc thái văn hóa Đà Lạt có nét đặc thù là do sự khác biệt về cấu trúc địa hình ở độ cao trên 1.500m, khí hậu quanh năm mát mẻ và phân bố dân tộc, dân cư tạo nên sự hội tụ giữa văn hóa người dân bản địa với văn hóa người dân các vùng, miền về đây sinh cơ lập nghiệp, đồng thời có sự ảnh hưởng của người Pháp thế kỷ 19, phương Tây thế kỷ 20 và toàn cầu hóa hiện nay.  
 
Từ góc độ văn hóa có thể thấy, những giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của Đà Lạt đã được hình thành, tiếp biến, giao thoa, đan cài và có sự điều chỉnh qua từng giai đoạn phát triển của thành phố. Do đó, việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và khai các giá trị văn hóa trong môi trường tự nhiên - xã hội mặc nhiên đã tồn tại. Từ góc độ khoa học quản lý, bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề: Phương thức khai thác các giá trị đặc sắc về văn hóa Đà Lạt để phát triển du lịch.
 
Một góc Đà Lạt trong sương sớm. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Một góc Đà Lạt trong sương sớm. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Từ trước đến nay, nói du lịch Đà Lạt người ta thường nói nhiều, luận bàn nhiều về rừng, thác, hoa, biệt thự, khí hậu… nhưng  về “cái gạch nối” giữa các giá trị ấy là những gì lại chưa được bàn luận, nghiên cứu một cách hệ thống. Thực tế cho thấy, con người gắn bó với môi trường sống, vừa tiếp nhận vừa tạo cho mình một phương thức tác động riêng vào môi trường tự nhiên đó; kết quả của những tác động này đã hình thành nên cung cách ứng xử, tập tính sinh hoạt, giao tiếp… đó chính là những giá trị nhân văn sâu sắc. Với ưu thế về môi trường tự nhiên - nhân văn, Đà Lạt đã trở thành điểm thu hút dân cư từ mọi miền đất nước về đây sinh sống, làm việc, đặc biệt là điểm đến quen thuộc của du khách không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Vì vậy, thành phố Đà Lạt ngoài những tác động nội tại của cộng đồng cư dân tại chỗ, còn chịu sự tác động từ hoạt động du lịch - du khách; từ đó, tạo nên một phong cách riêng, có thể nói là đặc trưng. Vì vậy, phát triển du lịch Đà Lạt nếu chỉ chú trọng khai thác lợi thế về mặt sinh thái tự nhiên mà không chú ý đến những lợi thế về mặt sinh thái nhân văn sẽ khó có thể kiểm soát, định hướng được sự phát triển bền vững trong tương lai. 
 
Sở dĩ nêu lên điều này bởi lẽ, sinh thái tự nhiên có mối tương tác hữu cơ với sinh thái nhân văn và kết quả của mối tương tác này là các giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư. Do đó, một trong những thuộc tính cơ bản của một địa danh bao giờ cũng gồm hai yếu tố cộng hưởng: Đặc điểm nổi bật, đặc trưng về sinh thái tự nhiên và về sinh thái nhân văn (của cộng đồng dân tộc trên vùng, lãnh thổ đó).
 
Mức độ tồn tại cũng như việc bảo tồn, khai thác của nhiều giá trị văn hóa vật thể ở Đà Lạt hiện nay cho thấy khía cạnh giá trị phi vật thể trong đó chưa được quan tâm đúng mức, hoặc quan tâm không đồng bộ. Đặc biệt, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, yếu tố quan trọng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch, loại hình du lịch và môi trường du lịch có tính đặc trưng bền vững lại chưa được thấm sâu vào đời sống xã hội, kể cả những người quản lý, kinh doanh du lịch. Đây là một trong những lý do ảnh hưởng đến sự hấp dẫn và sức cạnh tranh của du lịch Đà Lạt.
 
Vấn đề này có liên quan đến khía cạnh nhận thức về giá trị văn hóa, nhất là các yếu tố văn hóa đặc trưng. Các giá trị văn hóa vật thể như nhà cửa, trang phục, món ăn, thức uống… vừa chứa đựng giá trị sinh tồn (kiếm cái ăn, cái mặc), vừa chứa đựng giá trị văn hóa (quan niệm về tự nhiên, phương thức tác động vào tự nhiên,…). Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn nhận vấn đề từ nhãn quan truyền thống sẽ khó có thể bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong tình hình hiện nay, nhất là sử dụng các giá trị văn hóa vào phát triển du lịch. Trước sức ép ngày càng gia tăng của cuộc sống hiện đại, ngày nay phương thức sống, nhận thức và tư duy thẩm mỹ của đại bộ phận cư dân Đà Lạt, nhất là thế hệ trẻ đã có nhiều thay đổi. Do đó, giữ gìn di sản văn hóa - bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể cần những phương thức và bước đi phù hợp; nhất là đối với khu vực có sự đan xen, cộng cư, chịu tác động của dân cư từ nhiều địa phương khác nhau. Vì vậy, nhận thức về giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch không chỉ dừng lại ở việc hình thành các thiết chế, các hoạt động, các sản phẩm, loại hình du lịch; mà còn phải được nhìn nhận từ góc độ chủ thể: sự tham gia của các cộng đồng dân cư địa phương ở Đà Lạt.
 
Từ những vấn đề nêu lên, thiết nghĩ việc khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc trong hoạt động du lịch cần quan tâm hơn đến: Việc định hướng quy hoạch và phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch cần chú trọng sử dụng, khai thác các yếu tố văn hóa, nhất là văn hoá bản địa, cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của địa phương tạo môi trường lành mạnh để phát triển du lịch bền vững; Quy hoạch du lịch và quy hoạch thiết chế văn hóa - thể thao thành phố Đà Lạt phải có sự gắn kết một cách hữu cơ, vừa phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa - thể thao, vừa là những sản phẩm, loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Do đó, cần chọn lọc những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phù hợp để đầu tư hình thành cơ sở vật chất về thiết chế văn hoá; phát triển sản phẩm du lịch, loại hình du lịch đặc trưng, giàu bản sắc trên cơ sở điều tra, phân loại, đánh giá được giá trị của các loại hình văn hóa của Đà Lạt. Mặt khác, thông qua hiện trạng giá trị của văn hóa (cả truyền thống và tiếp biến) sẽ có cơ sở để đánh giá nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hoạt động đối với chủ thể văn hóa và môi trường tự nhiên - xã hội. Phát huy yếu tố cộng đồng và cộng cảm nhằm tạo ra sự đồng thuận, huy động được sự tham gia tự nguyện của cộng đồng chủ nhân văn hóa nhằm tạo ra môi trường văn hóa ổn định; duy trì được khả năng tái hiện, sáng tạo ra sản phẩm du lịch bằng các mô hình hoạt động văn hóa - thể thao; làm mới sản phẩm du lịch thông qua các hoạt động đó.
 
Sản phẩm và loại hình du lịch Đà Lạt hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào sự ưu đãi của sinh thái tự nhiên, trong khi sinh thái nhân văn, nhất là các giá trị văn hóa bản địa ngày càng mờ nhạt. Tầm vóc về thương hiệu du lịch gắn với các giá trị của địa danh Đà Lạt rất cần có những định hướng cung cầu bền vững dựa trên các giá trị đặc trưng về con người, văn hóa, bao hàm văn hóa bản địa và văn hóa đã được tiếp biến, nhằm tăng thêm giá trị đặc trưng của thành phố Đà Lạt, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
 
KHÁNH LINH