Dòng sông dừng chân…

09:06, 19/06/2015

Cách đây chừng 7 năm, chợt nghe tiếng giày nhẹ bước leo cầu thang và dừng trước cửa phòng, ngước lên tôi sửng sốt: - Ô, anh Chuyển! Xin chào nhà báo! Cơn gió nào đưa "rồng ghé nhà tôm thế này"? Sau cái bắt tay nồng nhiệt, Võ Ngọc Chuyển với giọng trầm ấm: - Đổi nghề mấy năm rồi, giờ chuyển sang làm kinh doanh! Lên Đà Lạt có công chuyện, nhớ "bồ" nên ghé thăm! 

Cách đây chừng 7 năm, chợt nghe tiếng giày nhẹ bước leo cầu thang và dừng trước cửa phòng, ngước lên tôi sửng sốt: - Ô, anh Chuyển! Xin chào nhà báo! Cơn gió nào đưa “rồng ghé nhà tôm thế này”? Sau cái bắt tay nồng nhiệt, Võ Ngọc Chuyển với giọng trầm ấm: - Đổi nghề mấy năm rồi, giờ chuyển sang làm kinh doanh! Lên Đà Lạt có công chuyện, nhớ “bồ” nên ghé thăm! 
 
Giám đốc đầu tiên (bên trái) và Giám đốc thứ 12
Giám đốc đầu tiên (bên trái) và Giám đốc thứ 12
 
Trong câu chuyện hàn huyên, Võ Ngọc Chuyển cho hay, từng gắn bó với nghề báo trước năm 1975 - sau giải phóng anh tham gia ê kíp báo chí ngồi bàn nội dung số đầu tiên của Báo Sài Gòn Giải phóng… mấy năm nay, chuyển sang làm du lịch và được điều động lên phụ trách Khu Du lịch Rừng Madagui - Đạ Huoai. Làm báo chuyên nghiệp, rẽ sang lĩnh vực mới, anh cũng chưa tự tin lắm, nhất là lại phải xa thành phố Hồ Chí Minh lên sống với núi rừng heo hút. Thế nhưng, Hội đồng Quản trị sớm nhận ra tư chất dám nghĩ, dám làm và đam mê, theo đuổi đến cùng ý tưởng sáng tạo nên Hội đồng bảo “thì ông cứ lên và cho ông 3 năm làm quen, học nghề điều hành du lịch… sau tính tiếp”. Ai ngờ, chỉ 7 tháng sau Võ Ngọc Chuyển được Hội đồng Quản trị tin tưởng giao nhiệm vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Madagui và được ủy nhiệm trực tiếp làm Giám đốc đời thứ 12 Khu Du lịch Rừng Madagui. 
 
Một ngày đầu hè 2015, trên đường công tác từ thành phố Hồ Chi Minh về Đà Lạt, ngang qua Khu Du lịch Rừng Madagui (Forest City Madagui) kìn kìn từng đoàn xe du lịch xuôi ngược tấp vào, tôi nhớ và quyết định ghé thăm ông bạn cao niên đã ngoài lục tuần nhưng vẫn rừng rực lửa đam mê… 
 
Không hẹn mà gặp nên Tổng Giám đốc Võ Ngọc Chuyển vui lắm, anh kéo chúng tôi lên xe điện làm một vòng khám phá “vương quốc” của mình. Anh say sưa thuyết minh: Ngày xưa, vùng đất này chủ yếu cư dân Mạ cư trú dọc theo lưu vực sông Đa Đờng, giáp ranh cao nguyên Bảo Lộc, Di Linh và cao nguyên đất đỏ miền Đông Nam bộ. Xung quanh địa bàn Khu Du lịch hiện còn các buôn B’Kẻh, buôn B’Lú, buôn Cây Chanh... Người Mạ quan niệm mọi hành động trong đời sống thường ngày đều do các lực lượng siêu nhiên (gọi là Yang) chi phối. Đồng bào thờ cúng rất nhiều Yang như: Yang Bri (Thần Rừng), Yang Bơnơm (Thần Núi), Yang Hìu (Thần Nhà), Yang Koi (Thần Lúa), Yang Lú (Thần Đá)…Trong đó, Thần Núi là một trong những vị thần được người Mạ tôn kính và tin tưởng. Điều này gợi cho các nhà quản lý ý tưởng xây dựng Công viên Thần Núi với tượng Thần Núi rất uy nghi. Tại nơi đây còn thường xuyên tổ chức những đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng, thưởng thức rượu cần…
 
Không chỉ tôn vinh văn hóa truyền thống của người Mạ, Khu Du lịch còn được thiết kế, xây dựng những công trình hấp dẫn du khách bởi yếu tố tâm linh. Thiên Phúc Sơn Động là một trong những điểm nhấn tạo nên sự kỳ thú vì gợi lại sự tích liên quan đến Đức Phật. Theo lịch sử Phật giáo, buổi đầu đi tu của Thái tử Sỹ Đạt Ta có giai đoạn lên Núi Tuyết diện bích 49 ngày trước khi ngộ đạo. Các hình tượng đá quần tụ ở bãi đất bằng chung quanh Thiên Phúc Sơn Động lấy bối cảnh thời điểm Đức Phật ngộ đạo ở Tuyết Sơn đang ngồi giảng kinh cho muôn loài, đó là thời khắc thống nhất vũ trụ Thiên - Địa - Nhân. Trong tín ngưỡng Á Đông, Dơi và Voi tượng trưng cho Phúc thần đem ấm no, hạnh phúc cho loài người. Do vậy, trên các khối đá hoa cương tự nhiên đồ sộ quần tụ xung quanh tượng Đức Phật ngồi có chạm 5 đầu Voi và 5 đầu Dơi (tượng trưng cho Ngũ Phúc), Nhất Ngưu, Song Tượng, Tam Đại (Đại Hùng - Sư tử, Đại Lực - Hổ và Đại Bi - Gấu), Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phượng)… cùng tụ họp nghe Phật giảng kinh. Phù điêu hình bầy Dơi 9 con bay về hướng Đông chỉ đường cho du khách vào cửa chính của Thiên Phúc Sơn Động. Trước động có hai khối đá được chạm khắc thành hai đầu voi phục mang tên Song Tượng Triều Phục. Qua vòm cửa chính, du khách chứng kiến đàn Dơi đá 18 con trong tư thế bay xuống mâm ngũ quả được dâng tiến lên Phúc Thần. Ý tưởng này thể hiện đạo lý Nhân - Quả hay Phúc - Quả theo thuyết lý nhà Phật. Để thể hiện những tác phẩm nghệ thuật sinh động, tinh tế tạc trên các khối đá lớn các nhà điêu khắc tài ba, nổi tiếng của Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã bền bỉ lao động sáng tạo trong 2 năm… Tiến vào trong hang Dơi ta bắt gặp hình ảnh Dơi Thần từ bên ngoài bay về treo mình trên vòm động ban nước thần (Phúc đáo) cho du khách thành tâm cầu phúc. Hang Dơi là nơi hội tụ của hàng ngàn con dơi rừng. Dơi chỉ sinh sống ở nơi có môi trường tự nhiên thuận lợi, vì thế nơi đây chứng tỏ có môi trường sinh thái hoàn hảo và trong lành. 
 
Khu Du lịch Rừng Madagui nằm trên địa bàn huyện Đạ Huoai, cửa ngõ của tỉnh Lâm Đồng - miền đất Nam Tây Nguyên thơ mộng và kỳ bí. Khu Du lịch rộng khoảng 1.200ha nằm trong vùng đồi núi có khí hậu mát mẻ, trong lành với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn được bao quanh bởi một hệ thống sông suối và hang động liên hoàn, cùng với thảm thực - động vật phong phú. 
 
Trượt cáp
Trượt cáp
 
Đến với Khu Du lịch rừng Madagui, du khách có cơ hội nghỉ dưỡng, tổ chức các hoạt động vui chơi, cắm trại, dã ngoại và khám phá sự kỳ thú pha chút mạo hiểm của núi rừng hoang sơ. Ở đây du khách có thể hài lòng với gần 30 dịch vụ vui chơi, giải trí. Đặc biệt còn được đáp ứng nhu cầu trải nghiệm với các trò chơi cảm giác mạnh như câu cá sấu, cưỡi ngựa, xe đạp địa hình, leo núi, trượt cỏ, bay theo cáp treo nghiêng, mô tô nước, du thuyền, chèo thuyền kayak, bắn súng đạn nước sơn, là điểm du lịch duy nhất ở Việt Nam được tổ chức bắn súng đạn quân dụng. 
 
Tài xế Trần Văn Trung lái xe điện kiêm hướng dẫn viên tận tình, sành sỏi khi đưa chúng tôi đi tham quan các điểm. Hỏi chuyện, gia đình Trung ở Hà Lâm, vợ tham gia cấp ủy của xã. Hai bố con anh đều “đầu quân” cho Khu Du lịch. Trung phấn chấn: Ở đây có những điểm tham quan, nghiên cứu khá độc đáo như: Hồ Thác Voi nằm sâu trong rừng với nhiều khe đá gập ghềnh dài khoảng 1km. Theo người bản địa nơi đây, xưa nằm trong lộ trình di chuyển của đàn voi rừng dừng chân uống nước. Làng Tre sưu tập trồng được 200 giống thuộc các chi, loài khác nhau. Vườn sưu tập các loại cây ăn trái nhiệt đới với diện tích 40ha, trong 3 năm qua đã trồng 36 loại cây thuộc 80 giống khác nhau từ các vùng miền trong cả nước và Đông Nam Á.
 
Không chỉ kiến tạo những điểm tham quan hấp dẫn mà cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách cũng được đầu tư khá bài bản. Khu Du lịch có Nhà hàng Muông Xanh mô phỏng kiến trúc nhà rông được xây dựng giữa cảnh quan thiên nhiên xanh tươi, với sức chứa 1.200 khách. Nhà hàng nổi tiếng với những món ẩm thực đặc sản của suối - rừng như cá lăng, cá leo, cá trạch lấu, đọt đủng đỉnh, rau nhíp, măng rừng… Cũng lối kiến trúc Tây Nguyên nhưng được thiết kế trên một độ cao hợp lý, sự liên kết giữa phong cách kiến trúc hiện đại và dân tộc đã tạo nên nét riêng cho nhà hàng Trà My Vàng. Trà My Vàng là loài hoa đặc hữu của vùng rừng núi Đạ Huoai. Nhà hàng có sức chứa 800 chỗ phục vụ khách lưu trú tại khu phòng nghỉ tập thể và khu villa… 
 
 Khu Du lịch Rừng Madagui có được hình hài như hôm nay, thế nhưng cũng ít ai hay những bước thăng trầm qua 1/4 thế kỷ về trước. Đó là vào năm 1990, huyện Đạ Huoai cũ được chia thành 3 huyện: Đạ Huoai ngày nay và huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên. Huyện ủy Đạ Huoai đã nghĩ đến chuyện làm kinh tế. Trên cơ sở là vùng đất cửa ngõ từ TP. HCM, Đồng Nai lên Đà Lạt - Lâm Đồng có những yếu tố thuận lợi về khí hậu, cảnh quan, bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mạ nên huyện đã sát nhập nông trại Chí Lập và vườn cây ăn quả Nam Nhi thành cơ sở du lịch. Sau với sự đầu tư của Saigontourist, Liên doanh du lịch Suối Tiên ra đời. Tưởng rằng con đường phát triển của Liên doanh sẽ xuôi chèo mát mái nhưng do huyện Đạ Huoai thay nhân sự và Saigontourist cũng liên tục đổi cán bộ quản lý nên Khu Du lịch Rừng Madagui nhiều năm dài mới chỉ là trạm dừng chân của khách trên quốc lộ 20. Đến năm 2004, Khu Du lịch Rừng Madagui cổ phần hóa thành Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Madagui với đội ngũ cổ đông là những doanh nhân tâm huyết việc đầu tư bền vững lâu dài cho tương lai. Vào năm 2007, ông Võ Ngọc Chuyển - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Madagui trực tiếp lên Madagui làm Giám đốc đời thứ 12. Ông Chuyển tâm sự: Khi cổ phần hóa, Khu Du lịch được định giá 12 tỷ đồng, sau đó, tiếp tục được tăng vốn đầu tư lên 27,39 tỷ đồng. Thời Tổng Giám đốc Võ Ngọc Chuyển tăng lên 78 tỷ đồng. Năm 2010, Đại hội cổ đông quyết định tăng vốn lên 200 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng vốn điều lệ tới 500 tỷ đồng trong năm 2015. 
 
Có sự đầu tư quyết liệt với tầm nhìn sâu xa, Khu Du lịch Rừng Madagui đã hình thành rõ nét hai khu chức năng: Mặt tiền là trạm dừng chân khang trang, lịch sự; bên trong là khu ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chất lượng cao. Khu Du lịch không còn là điểm dừng chân mà đã trở thành điểm đến, điểm lưu trú hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước. Năm 2014, Khu Du lịch đã đón trên 400 ngàn lượt khách tham quan, lưu trú. 
 
Chinh phục vách núi cao gần 30m
Chinh phục vách núi cao gần 30m
 
Theo Tổng Giám đốc Võ Ngọc Chuyển, sở dĩ có bước chuyển mình ngoạn mục như vậy là trong giai đoạn I vừa qua, Khu Du lịch đã đầu tư được hai công trình đột phá khẩu để đánh thức tiềm năng của vùng rừng bên kia dòng sông Đạ Huoai. Đó là xây dựng cây cầu bê tông vắt qua sông và đắp đập tạo Hồ Thác Voi rộng 24ha để giữ nguồn nước sạch, cải thiện môi trường, phục vụ du lịch. Bước sang giai đoạn 2 từ 2016 đến 2020, Khu Du lịch hoàn thiện và sẽ có sân Gofl trên diện tích 150ha, 100 căn biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp ven hồ.
 
Trong thời gian chúng tôi lưu lại, Tổng Giám đốc Chuyển đã ân cần phôn mời ông Khuất Thanh Chiểu đang sống ở Bảo Lộc: “Ừ thì cũng anh em báo chí, văn nghệ cả, mai ông cứ nhảy tắc xi về chơi nhé”! Hóa ra không đâu xa xôi cả, ông Khuất Thanh Chiểu làm thơ và cũng là hội viên Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Gặp nhau, ông Chiểu trầm ngâm kể: Khi Huyện ủy chấp thuận giao cơ sở này để phát triển du lịch, với tầm nhìn cho 20 năm, lúc đó, tôi vốn kỹ sư lâm nghiệp nguyên là Chánh Văn phòng Huyện ủy được điều về làm Giám đốc. Tôi đã mạnh dạn thuyết phục tỉnh ra chủ trương giao cơ sở quản lý 1.000ha rừng. Ngày ấy, mình hăm hở lên xe ủi để bạt rừng vẽ những nét quy hoạch sơ khai hình hài Khu Du lịch. Với số vốn liếng ít ỏi được đầu tư chỉ 1,2 triệu đồng, phải tính tới chuyện phát huy ngoại lực. Do vậy, tôi tìm tới Saigontourist và nhanh chóng được đơn vị đầu đàn của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh quyết định vào cuộc. Cùng với đầu tư phát triển 2 điểm du lịch mà nay rất nổi tiếng là Khu Du lịch Suối nước nóng Bình Châu và Làng Du lịch Bình Quới, Saigontourist đã đầu tư lên Đạ Huoai và Liên doanh Du lịch Suối Tiên đã ra đời. Là giám đốc đầu tiên, nay nhìn lại thấy thành quả mà Khu Du lịch Rừng Madagui tạo dựng tôi thấy quá lớn, thật có ý nghĩa với vùng đất này!
 
Khu Du lịch Madagui như nàng công chúa bừng thức tỉnh sau giấc ngủ ngàn năm, đã và đang là điểm đến của du khách. Sở dĩ có hấp lực đó là bởi có những quyết sách đúng đắn, chiến lược và tâm huyết của tập thể cổ đông, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Madagui. Hội đồng đã đeo bám ý tưởng xây dựng một khu du lịch có hàm lượng văn hóa cao, chất lượng dịch vụ sẽ không thua kém các điểm du lịch nổi tiếng ở vùng Đông Nam Á. 
 
Không chỉ giữ gìn và góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng của du khách, Khu Du lịch Rừng Madagui còn tạo lập và lan tỏa một môi trường văn hóa tác động tích cực tới nhận thức của nhân dân huyện Đạ Huoai và các huyện phía Nam Lâm Đồng cũng như các huyện giáp ranh của Đồng Nai, Bình Thuận… Với tâm thế ấy, Khu Du lịch Rừng Madagui đã là một trong những biểu tượng tốt đẹp của sự liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. HCM và tỉnh Lâm Đồng. 
 
Madagui theo đồng bào dân tộc bản địa có nghĩa là “Dòng sông dừng chân của người Mạ”- Khi chia tay, Tổng Giám đốc Vũ Ngọc Chuyển “bật mí” với tôi. Cười tươi, anh hào hứng tiếp: - Chính vì vậy, Khu Du lịch Rừng Madagui đã nỗ lực thực hiện ước mơ của đồng bào để nơi đây luôn luôn là điểm đến kỳ thú đối với du khách!
 
Bút ký: ÐAN THANH