Có công chăm sóc, đất sẽ trả ơn 

VIẾT TRỌNG 00:07, 27/03/2024

Từ những khoảnh vườn điều cho thu nhập thấp, một nông dân ở Đạ Lây - Đạ Tẻh đã không tiếc bao công sức qua nhiều năm miệt mài biến vườn mình thành một mảng xanh tươi tốt rợp bóng sầu riêng cho thu nhập cao hơn nhiều với một niềm tin rằng: “Có công chăm sóc thì rồi đất sẽ trả ơn mình”.

Ông Cao Tấn Mãnh trong vườn sầu riêng của mình
Ông Cao Tấn Mãnh trong vườn sầu riêng của mình

Người nông dân với niềm tin mãnh liệt đó chính là ông Cao Tấn Mãnh, 70 tuổi (sinh 1954) người thôn Hương Thanh, xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh - một vùng đất thuần nông của Lâm Đồng. 
Ông Mãnh quê Chợ Gạo - Tiền Giang, từng tham gia bộ đội từ năm 1971. Ông ra quân sau khi đất nước thống nhất một thời gian rồi cùng cả gia đình theo lời giới thiệu của người quen, lên lập nghiệp trên quê mới Đạ Tẻh - Lâm Đồng năm 1999.
 
Thời điểm đó, ông dồn hết tiền bạc gia đình mua được 1,5 ha đất tại thôn Hương Thanh, xã Hương Lâm, nay là xã Đạ Lây để trồng điều. Bằng sức lao động cần cù của mình và cả nhà, dần sau đó gia đình ông dần mở rộng khu vườn lên chừng 7 ha đất.
 
Như bao người dân ở thôn Hương Thanh này, trong suốt nhiều năm, ông Mãnh chỉ độc trồng điều. “Ngày đó biết trồng gì đâu. Nhìn quanh tới lui trong thôn và cả xã nhà nào cũng trồng điều. Cũng có người thử trồng cà phê nhưng vùng đất này có vẻ không thích hợp với cây cà phê nên cũng quanh đi quẩn lại với cây điều” - ông Mãnh nhớ lại. 

Vườn điều của ông cũng như vườn điều của bao gia đình nơi đây, mỗi năm một mùa trái, có năm được, có năm mất mùa, thu nhập cũng phập phù theo từng năm. Cây điều cỗi dần theo năm tháng nên năng suất khá thấp, nhiều gia đình trong vùng trong đó có nhà ông, đến mùa thu hoạch chẳng bao nhiêu. 

Năm 2014, hưởng ứng phong trào chuyển đổi cây trồng của huyện trong đó có việc vận động người dân chuyển đổi các vườn điều già cỗi, năng suất kém sang trồng các loại cây trồng có giá trị hơn, ông Mãnh bắt đầu để ý đến cây sầu riêng. Sầu riêng thì nhiều nơi đã trồng nhưng không biết đất vườn ông có phù hợp không? Ông cất công lặn lội, học hỏi nhiều nơi, tìm hiểu kỹ trước khi bắt đầu mua cây giống trồng trên đất mình.

Để trồng được sầu riêng, một trong những việc đầu tiên ông làm là cải tạo đất vườn điều của mình: “Đất của Hương Thanh chúng tôi so với nhiều nơi trong huyện cũng không kém, nhưng để sầu riêng phát triển, cần cải tạo lại đất, cải tạo từng bước theo quy trình hướng dẫn; dùng phân hữu cơ, phân chuồng để bổ sung cho đất tốt lên” - ông Mãnh nói.

Một việc quan trọng khác là nước tưới. Để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô, ông đã cho đào các hồ chứa nước trong vườn. Ban đầu ông đào hồ tích nước rộng khoảng 1.000 m2 để tưới cho cây con. Đến nay, ông đã cho đào đến 4 hồ nằm rải trong vườn nhà với tổng diện tích mặt nước trên 2.000 m2, đủ nước tưới cho cây khi mùa khô đến.  

Sầu riêng, theo ông Mãnh, sau một thời gian canh tác, ông thấy cũng chẳng khó trồng. “Cần tham gia tập huấn, tuân thủ các quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chọn kỹ giống cây, theo dõi kỹ sinh trưởng của cây, siêng năng, thấy gì không ổn thì nhờ người xem. Sầu riêng cũng như cây điều, ít tốn công, nếu không nói là khá nhàn, mình chỉ thuê người chăm sóc cây định kỳ trong tuần là được” - ông cho biết.

Cho đến nay, sau 10 năm kiên trì, ông đã chuyển đổi được khoảng 4 ha điều sang sầu riêng cao sản, còn 3 ha vườn còn lại do nằm ở vùng đất cao hơn nên ông vẫn còn duy trì cây điều nhưng trong thời gian đến ông đang tính chuyện chuyển đổi luôn.

“Cái khó vẫn là nước tưới mùa khô. Như năm nay nắng cả 2 tháng chưa mưa, may mà nước rỉ trong ao vườn tôi vẫn còn đủ tưới vì tháng này sầu riêng đang kết trái, nhiều trái đến nay đã hơn nắm tay. Vườn tôi lắp hệ thống tưới tự động đến từng gốc cây, chỉ cần ra đây bật cầu dao điện là xong, tôi tưới luân phiên các hồ trong vườn, mùa nắng này mỗi tháng mất chừng 2 triệu tiền điện. Còn chỗ vườn điều trên cao sắp đến tôi cũng phải tính đến chuyện nước tưới khi mình đưa sầu riêng lên đó” - ông Mãnh cho biết. 

Trong 5 năm gần đây, vườn sầu riêng nhà ông Mãnh đã bắt đầu thu hoạch trái dần, nguồn thu ngày càng tăng lên. Như trong năm 2023 vừa rồi, ông có khoảng 1,5 ha thu hoạch với khoảng 15 tấn trái, sau khi bán trừ đi các chi phí, ông thu được khoảng 1 tỷ đồng. Năm nay, số cây sầu riêng ra quả trong vườn ông đang tăng lên và con số thu nhập không dừng lại ở đây.

Không chỉ làm giàu cho mình, ông Mãnh cũng rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm canh tác sầu riêng với mọi người trong vùng. Ông đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Sầu riêng Hương Thanh và hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX này. Hiện HTX Sầu riêng Hương Thanh có 37 thành viên với tổng diện tích canh tác 84,7 ha. 

“HTX đang vận hành rất tốt, có rất nhiều hoạt động trong đó thường xuyên mời các kỹ thuật viên, cán bộ khuyến nông đến tổ chức tập huấn; mời các đại diện công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công ty giống cây trồng… đến đây giới thiệu với mọi người cách sử dụng phân bón, cách chăm sóc cây trồng một cách hiệu quả” - ông Mãnh cho biết.

Để tăng chất lượng và giá thành sầu riêng, HTX Sầu riêng Hương Thanh những năm gần đây đã hướng các thành viên vào canh tác sầu riêng VietGAP. Canh tác theo VietGAP yêu cầu bà con sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn vô cơ, hạn chế dùng phân bón hóa học, chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. “Để được chứng chỉ VietGAP, chúng tôi đã cho lấy mẫu nước, mẫu đất, mẫu trái để kiểm tra và HTX đã đạt chuẩn VietGAP trong năm 2023 vừa rồi” - ông Mãnh chia sẻ.

Cùng đó, ông cho biết, HTX Sầu riêng Hương Thanh vừa qua cũng tiến hành xây dựng mã vùng trồng cho khu vực canh tác sầu riêng của mình. “Chúng tôi ký kết với tập đoàn Vạn Hòa ở Tiền Giang để xây dựng mã vùng trồng và đến nay đạt chuẩn để xuất khẩu ra nước ngoài” - ông nói.

Là một nông dân sản xuất giỏi, là cựu chiến binh, ông Mãnh tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, tích cực vận động người dân chuyển đổi cây trồng, chia sẻ kinh nghiệm, sẵn lòng giúp mọi người. Ông chính là một trong những tấm gương sáng về chuyển đổi cây trồng một cách hiệu quả tại Đạ Tẻh. 

Ông cũng vinh dự được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng chọn là điển hình tiên tiến của tỉnh trong năm 2023 về sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững với mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mã vùng sầu riêng để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng.

Nhưng với ông Mãnh, niềm vui lớn nhất của ông là thấy vùng đất Hương Thanh, Đạ Lây và cả huyện Đạ Tẻh nay diện mạo nông thôn đã khác trước rất nhiều. “Nhờ chuyển đổi cây trồng mà đời sống gia đình tôi, bà con xung quanh tôi và cả huyện nay khấm khá hơn rất nhiều. Mình sống không phụ lòng với đất thì đất sẽ trả ơn mình” - ông Mãnh tin tưởng.