Học và làm theo Bác Hồ: Hãy thực sự nêu gương

05:06, 24/06/2021

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng...

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Trong bài phát biểu này, Tổng Bí thư đã cảnh báo những biểu hiện nguy hiểm, trong đó có việc “lý thuyết suông, nói một đằng làm một nẻo” và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, để tránh cảnh “Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”. Rõ ràng, trong việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất cần sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ các trọng trách.
 
Cuộc vận động học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được phát động từ năm 2006, như vậy đến nay đã tròn 15 năm. Có lẽ vì vậy mà trong những năm gần đây, trong các văn bản của Đảng đã coi việc học và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, lâu dài. Nếu tính từ khi thực hiện Chỉ thị 05 đến nay thì thời gian vừa đúng 5 năm. Năm năm là khoảng thời gian không dài, nhưng đó cũng là khoảng thời gian đủ một nhiệm kỳ của các cơ quan trong hệ thống chính trị. 
 
Không thể phủ nhận trong 5 năm, nếu nói rộng hơn là 15 năm qua, kể từ khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính thức được phát động đã tạo nên phong trào sôi nổi, rộng khắp và mang hiệu ứng xã hội tích cực. Đó có thể xem là “chiến dịch” thực hành và thay đổi nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Vì lẽ ấy, không khó để nhận thấy việc học tập và làm theo Bác đã được thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành, từ những việc lớn đến những công việc cụ thể hàng ngày. Xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể và cá nhân học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Cũng trong phát biểu này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng ta nêu ra và chỉ đạo từ rất sớm, bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, qua nhiều thời kỳ. Đặc biệt là gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” “đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội, được Đại hội XIII của Đảng đánh giá cao”. 
 
Thế nhưng, rõ ràng để việc học và làm theo Bác đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể là cả một quá trình và cần sự nỗ lực chung. Việc học và làm theo Bác là giống nhau nhưng mỗi đơn vị, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương có đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Vì lẽ ấy, trong triển khai thực hiện việc rập khuôn, máy móc sẽ không thể mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, điểm mấu chốt để Chỉ thị phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực chính là sự gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ chủ chốt. Về vấn đề này, phát biểu kết luận Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đã yêu cầu người đứng đầu phải thật sự nêu cao vai trò trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, sâu sát. 
 
Để nêu gương, người cán bộ, đảng viên phải thực hiện nói đi đôi với làm. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Ở Người, nói và làm đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ từ đạo đức và nêu gương, từ công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Sinh thời, Người thường căn dặn: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Người cũng thường căn dặn, con người nói chung, đặc biệt là phương Đông coi trọng thực tiễn hơn lý thuyết. Chính vì thế, Người nhắc nhở đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”.
 
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là việc hô hào chung chung mà phải bằng những tấm gương “sống” cụ thể. Hãy tiếp tục bắt đầu Cuộc vận động có ý nghĩa này bằng sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
 
VŨ TRUNG KIÊN