Cảnh giác, đấu tranh với những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch (Kỳ 2)

10:11, 09/11/2020

(LĐ online) - Càng gần đến thời điểm diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch càng tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta một cách quyết liệt, bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt...

[links()] (LĐ online) - Càng gần đến thời điểm diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch càng tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta một cách quyết liệt, bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Nếu ai đó thiếu cảnh giác và đề cao trách nhiệm thì dễ bị lợi dụng, lôi kéo mắc lừa kẻ xấu. Để tránh bị lợi dụng, lôi kéo, đồng thời đấu tranh, phản bác làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây.
 
Một là, thực tế đã cho thấy, mặc dù chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt nam đã được thông tin sâu rộng trong hệ thống chính trị và trong nhân dân, nhưng tiếc rằng vẫn còn không ít người nhận thức đơn giản, dễ dàng bị mê hoặc trước những luận điệu và thông tin sai sự thật mà chúng đã dựng lên. Mục đích chống phá của các thế lực thù địch không mới nhưng thủ đoạn thì ngày càng tinh vi, xảo trá hơn. Chúng tính toán kỹ thời điểm tung tin đồng thời xâu chuỗi các sự kiện, tạo vỏ bọc lừa bịp, suy diễn, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoài nghi, hoang mang trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước những thủ đoạn thâm độc của chúng, các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần chủ động tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy rõ tính chất nguy hiểm của những thông tin sai trái, thù địch; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc tiếp nhận thông tin để tránh bị lợi dụng tiếp tay cho kẻ xấu. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo nhận diện các thông tin sai trái, phản động; không tán phát thông tin mà kịp thời phản ánh với những người có trách nhiệm, đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch.
 
Hai là, hiện nay, Internet và mạng xã hội (MXH) ở Việt Nam đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là một phần tất yếu trong cuộc sống của đông đảo người dân. Tuy nhiên, khi sử dụng Internet và tham gia MXH, một số người nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, nên nghĩ rằng tự do internet, tự do MXH là vô hạn, không thấy rõ sự gắn bó giữa quyền lợi với nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong đó. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch đã tung lên mạng tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đối phó với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, một mặt cần tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhất là người tham gia MXH thấy rõ tính chất nguy hại của vấn đề, từ đó nâng cao trách nhiệm, ý thức tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin, tránh bị lợi dụng tiếp tay cho kẻ xấu, đồng thời tích cực đấu tranh với vấn nạn tin giả. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những người vi phạm các quy định trên không gian mạng, đăng phát các thông tin thất thiệt, lừa đảo, xuyên tạc, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân...để ngăn ngừa, răn đe những kẻ lợi dụng không gian mạng chống phá cách mạng, làm tổn hại lợi ích của quốc gia, dân tộc và người dân. 
 
Ba là, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam còn tiếp tục diễn ra dai dẳng, kéo dài và ngày càng tinh vi, thâm độc. Vì vậy, giải pháp ngăn chặn tối ưu và có hiệu quả nhất là tạo được sức đề kháng, tự miễn nhiệm trước tác động tiêu cực của những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Theo đó, chúng ta cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; chủ động thông tin kịp thời, đúng đắn, chính xác về tình hình mọi mặt của đất nước, địa phương; không để bị động trước những thông tin giả, tin đồn thất thiệt lan truyền tràn lan trong xã hội rồi mới tìm cách khắc phục. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là những nơi vừa bị bão lụt tàn phá nặng nề; đẩy lùi, ngăn chặn không đề đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng; giái quyết tốt các vấn đề bức xúc, nổi cộm, nhất là những vấn đề có tính nhạy cảm trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lấn thứ XIII. 
 
Bốn là, các thế lực thù địch lợi dụng triệt để internet, MXH, blog, facebook cá nhân … để chống phá ta, điều đó đòi hỏi các phương tiện, các kênh tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, nhất là hệ thống báo chí, một mặt đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đảm bảo thông tin chính thống luôn giữ vững vai trò chủ đạo, định hướng dư luận. Bởi vì, thông tin càng cởi mở, việc kết nối thông tin trong xã hội tới mọi người dân luôn thông suốt, thì không chỉ tạo điều kiện để thông tin chính thống đến với người dân, mà còn kịp thời đấu tranh phê phán, phản bác, ngăn chặn những thông tin giả, tin xấu độc, bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước ta, nhất là trên không gian mạng. Từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc, công tác thông tin, tuyên truyền cần tăng cường phản ánh kết quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, những thành tựu to lớn của đất nước trong sự nghiệp đổi mới; kết quả thành công của đại hội Đảng các cấp và việc góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chủ động trong việc dẫn dắt, định hướng thông tin nằm hạn chế, ngăn chặn, phản bác thông tin xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, gây nhiễu, chống phá Đại hội XIII của Đảng. 
 
Năm là, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần tăng cường công tác quản lý nội bộ; kiên quyết đấu tranh và xử lý đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đưa ra thông tin tuyên truyền chống phá, xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Các cơ quan chức năng cần chủ động nắm bắt diễn biến tình hình, nghiêm khắc xử lý mọi hành vi lợi dụng góp ý Dự thảo văn kiện đại hội để phát tán các tài liệu có nội dung trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vu cáo, vu khống Ðảng và Nhà nước ta. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần thể hiện đầy đủ trách nhiệm, thực sự bình tĩnh, tỉnh táo trước các thông tin sai trái, để tự mình có thể xử lý một cách đúng đắn, tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. 
 
Có thể nói, chống phá, xuyên tạc về vấn đề quan điểm, đường lối và công tác nhân sự là một thủ đoạn mà các thế lực thù địch tiến hành thường xuyên trước mỗi kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt, từ khi Đảng ta bàn về công tác nhân sự đại hội, tổ chức góp ý vào Dự thảo các văn kiện đại hội và càng đến thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc, các thế lực thù địch càng tập trung công kích, chống phá bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, nham hiểm và quyết liệt. Vì vậy, nâng cao nhận thức, cảnh giác, chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại mọi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần bảo đảm sự thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
 
VĂN NHÂN